Thời vua Tự Đức, có hai vị thân vương nổi tiếng văn hay là Miên Thẩm và Miên Trinh, trong đó Tùng Thiện vương Miên Thẩm là người nổi tiếng ham học từ bé.
Miên Thẩm (1819-1879) là con thứ 10 của vua Minh Mạng. Theo sách Đại Nam liệt truyện, thuở nhỏ ông có nhiều bệnh tật, có đạo sĩ tên là Vân trông thấy bảo rằng: Đây là sao Thái Bạch kim tinh giáng sinh, làm lễ tiễn thì khỏi. Hoàng gia cho làm theo, quả nhiên đúng như lời nói.
Năm Minh Mạng thứ 3, ông mới 4 tuổi nhưng đã rất đĩnh ngộ, lúc đầu theo học nữ sư ở trong cung, dạy học sách hiếu kinh. Năm 7 tuổi đến học ở Dưỡng Chính đường, ông chăm học, không chơi đùa, gấp sách đọc có khi cả trăm tờ giấy.
Một hôm ông vào hầu mẹ là Thục tần Nguyễn Thị Bửu, thấy trên án có chiếc quạt viết bài thơ thể 5 chữ của người Đường, trong đó có mấy chữ chưa hiểu lắm, mà đọc lên thấy vui miệng, ông bèn cố xin cho được cái quạt ấy.
Hôm sau ông đem hỏi viên giảng tập rằng: Đấy là thơ gì? Viên giảng tập đem kiến thức của mình để trả lời. Ông bèn hỏi nghĩa bài thơ ấy, lại xin dạy cho luật phép bằng trắc rồi từ đấy có làm bài nào cũng hợp phép thơ, thể hiện tài năng từ khi mới bảy, tám tuổi.
Miên Thẩm là con thứ 10 của vua Minh Mạng.
Năm Minh Mạng thứ 8 (1827), mùa xuân nhà vua đi tế Giao, ông mới có 9 tuổi, đi theo hầu vua cha, có làm bài thơ tế Nam Giao, rất được tán thưởng. Sử nhà Nguyễn ca ngợi là khi lớn lên, ra ngoài học tập, không sách gì ông không thông hiểu, lại có tính mê sơn thủy, hàng ngày cùng các danh sĩ giao du, kiến văn ngày càng rộng, bắt đầu làm thành tập thơ.
Năm Minh Mạng thứ 16, vua thăm đàn tế Giao, trong ngoài tường cấm đàn ấy đều trồng thông, ông có làm bài thơ vịnh cây thông ở trai cung. Khi theo vua lên núi Ngự Bình, vua sai làm bài thơ, có nhiều câu hay, được vua khen ngợi.
Năm Minh Mạng thứ 20, ông được phong làm Tùng Quốc công, cho lập phủ ở phường Liêm Năng, bên cạnh phường ấy tiếp giáp với Tĩnh Phố, là phủ của Tuy Lý vương Miên Trinh. Ông cùng Tuy Lý vương ngày ngày vui thưởng xướng họa. Người đương thời tôn hai ông là hai nhà thơ nổi tiếng nhất đương thời.
Đến năm Thiệu Trị thứ 2, vua đi tuần ra miền Bắc, ông theo hầu, có làm được tập thơ Bắc hành. Sau này, khi lên núi Nam Sơn thi bắn, hoặc lên chơi núi Thúy Vân, ông đều có thơ cả.
Đến khi vua Tự Đức lên ngôi, vì có mẹ tuổi già, ông xin làm Tiêu viên riêng để đón mẹ về phụng dưỡng, rồi dựng Mặc Vân sào để chứa sách, mọi người thường đến xem đọc.
Ông cùng Tuy Lý vương lập ra Mạc Vân thi xã, tập hợp được nhiều danh sĩ đương thời, trong đó có Nguyễn Văn Siêu, Cao Bá Quát, Hà Tôn Quyền, Phan Thanh Giản, Nguyễn Đăng Giai... và nhiều hoàng thân quý tộc, như Thọ Xuân vương Miên Định, Hàm Thuận Quận công Miên Thủ, Tương An Quận vương Miên Bửu, Hoằng Hóa Quận vương Miên Triện… Thi xã hoạt động sôi động, có nhiều áng thơ hay.
Năm Tự Đức thứ 23, ông mất khi 52 tuổi, vua thương tiếc, cho nghỉ chầu 3 ngày để tưởng nhớ, ban cho gia đình gấm lụa, tiền vải, quan tài và ngân tiền, lại thân chế văn tế sai Tuy Lý vương đến tế, cho rượu tế, ban cho tên thụy là Văn Nhã. Ngày an táng ông, vua sai Hiệp lĩnh Thị vệ là Hồ Văn Hiển đi đưa đám. Đến năm Tự Đức thứ 31, vua truy tặng ông tước Quận vương.
Tùng Thiện vương là người thông minh ham học, ngoài sách vở ra không thích gì. Nghe có sách hay, ông bỏ hết tiền ra mua. Học vấn ông sâu rộng, lời hay ý đẹp, rất giỏi về thơ.
Vua Tự Đức vốn tin yêu ông, thường sai biên chép thơ chọn lọc của các đời, chấm và phê bình để tiến lên cho vua xem. Người đương thời có làm câu thơ: "Thi đáo Tùng, Tuy thất thịnh Đường”, tức là thơ như Tùng Thiện vương, Tuy Lý vương thì thơ đời thịnh Đường không còn đáng kể.
Khi vua Tự Đức mới lên ngôi, năm đầu có Khâm sứ nhà Thanh là Lao Sùng Quang vốn đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ triều Thanh, đến kinh đô Phú Xuân làm lễ bang giao, Tùng Thiện vương cùng giao du với Sùng Quang và xướng họa thơ thù tiếp. Sùng Quang rất khen ngợi, bèn yêu cầu ông cho xem bản thảo thơ làm ra.
Ông đem tập thơ Thương Sơn cho xem và xin Lao Sùng Quang viết cho bài tựa. Sứ nhà Thanh làm bài tựa, có câu rằng: “Một ông già Thương Sơn, trừ có ý để làm mẫu mực cho nước Nam, sao được gọi là người làm thơ ư?”. Văn chương của ông lại được triều đình Trung Hoa quý trọng mà hâm mộ.
Tùng Thiện vương Miên Thẩm đã sáng tác được 14 tập thơ, trong đó có 7 tập đã được khắc in như Quảng Khê thi tập, Lương Khê thi tập, Mạn Viên thi tập, Hân Nhiên thi tập, Phạm Tập Lâm thi tập, Cống thảo viên thi tập, Tam cao sĩ tập.
Triều Nguyễn phạt học trò lười biếng thế nào?
Dưới triều Nguyễn, những giám sinh nhác học ngoài việc bị giảm lương bổng còn bị xem xét đuổi học nếu không tiến bộ. |
Ba bản án lạ lùng dưới triều Nguyễn, khiến hậu thế ngạc nhiên
Dù hàng trăm năm đã trôi qua nhưng ba bản án dành cho những công thần như Lê Văn Quân, Lê Văn Duyệt, Nguyễn Văn ... |