Vết nứt cầu kính Rồng Mây được xử lý ra sao?

Thông tin một tấm kính của công trình Cầu kính Rồng Mây bị nứt được đăng tải lên mạng xã hội đã gây sự chú ý cao trong dư luận.

Chiều 11/2, thông tin một tấm kính của công trình Cầu kính Rồng Mây bị nứt được đăng tải lên mạng xã hội đã gây sự chú ý cao trong dư luận. Nhiều ý kiến cảm thấy lo lắng vì đây là công trình cầu kính được mệnh danh cao nhất Việt Nam, lại khá đông khách, từ mặt cầu tới đáy vực có nơi cao tới hơn 300m.

Ngày 12/2, đại diện Ban quản lý Dự án Khu du lịch Cầu kính Rồng Mây cho biết phần kính "có hiệu ứng rạn nứt" nằm trong ý đồ thiết kế tổng thể, nhằm tạo cảm giác mạnh hơn tới du khách.

Vị này sau đó cung cấp đoạn clip thể hiện quá trình chịu lực ấn tượng của các tấm kính dù bị nứt. Cụ thể trong đoạn clip, sau khi dùng ngoại lực làm nứt kính, 4-5 người đàn ông cùng đứng lên nhún nhảy, rồi thậm chí cho xe ôtô bán tải đi ngang qua, ô kính vẫn không bị vỡ xuống...

Sở dĩ đạt được khả năng chịu lực ấn tượng trên, theo đại diện Ban quản lý, bởi cầu được thiết kế với 3 lớp kính cường lực, xen kẽ là 4 lớp phim đặc biệt.

"Trong trường hợp cả 3 lớp kính bị nứt, vỡ thì vẫn đảm bảo an toàn cho du khách. Còn tấm kính vỡ mà dư luận đang quan tâm thì chỉ được làm rạn nứt lớp trên cùng", vị đại diện nói.

Tuy nhiên thông tin này sau đó không nhận được sự đồng thuận hoàn toàn từ dư luận. Nhiều ý kiến cho rằng để thuyết phục hơn, Chủ đầu tư cần trình ra bản vẽ thiết kế thể hiện phần kính nứt đã nằm trong kế hoạch từ trước.

Bên cạnh đó, cũng có í kiến nói rằng việc thử nghiệm độ bền ngay sau khi kính nứt không thể đánh giá toàn diện được độ bền thực sự của kính. Vì sau một thời gian, rất có thể những lớp phim đặc biệt xen kẽ trong kính sẽ bị ô xy hóa...

Chiều ngày 12/2, đoàn công tác của Sở VHTTDL phối hợp với Sở Xây dựng Lai Châu sau khi kiểm tra thực tế đã yêu cầu Chủ đầu tư Khu du lịch Cầu kính Rồng Mây thay tấm kính nứt để đảm bảo an toàn cho du khách.

Tối 12/2, ông Nguyễn Văn Huân cho biết: "Đơn vị vừa họp HĐQT. Trên cơ sở nhiều thông tin trái chiều, cùng với đề xuất của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng Sở Xây dựng tỉnh Lai Châu, chúng tôi sẽ di chuyển tấm kính được tạo hiệu ứng nứt vỡ vào bên trong chân cầu kính và bên ngoài thay thế bằng một tấm kính mới. Như vậy khách vẫn có thể được trải nghiệm ô kính bị rạn nứt ở phía trong".

Theo ông Huân, tấm kính có hiệu ứng nứt vỡ rộng chưa đầy 1m2, nằm ở phía chân cầu thang. Dự kiến ngày 16/2 đơn vị sẽ thay tấm kính mới, việc thay thế không ảnh hưởng tới đón tiếp du khách.

Cũng theo lãnh đạo Khu du lịch cầu kính Rồng Mây, mặc dù tấm kính có hiệu ứng nứt vỡ đang gây sự chú ý của cộng đồng mạng nhưng trong hôm nay, lượng khách trải nghiệm cầu kính Rồng Mây không thay đổi.

Cầu kính Rồng Mây nằm ở độ cao 2.200m so với mực nước biển, được đặt tại Khu du lịch Rồng Mây trên Đèo Ô Quy Hồ, thuộc huyện Tam Đường, Lai Châu, giáp với Sa Pa (Lào Cai).

Cầu kính được hoàn thành và đưa vào khai thác đã hơn 2 năm. Đây là cây cầu kính cao nhất Việt nam, rộng khoảng 5m, dài 60m tính từ buồng thang máy sát vách núi đá sa thạch trên dãy Hoàng Liên Sơn.

PV (th)

Tấm kính có hiệu ứng nứt vỡ ở Cầu kính Rồng Mây sẽ được di dời Tấm kính có hiệu ứng nứt vỡ ở Cầu kính Rồng Mây sẽ được di dời
Lai Châu: Cầu kính Rồng Mây bị nứt chỉ là hiệu ứng tạo cảm giác mạnh Lai Châu: Cầu kính Rồng Mây bị nứt chỉ là hiệu ứng tạo cảm giác mạnh
/ Nghề nghiệp và cuộc sống