VEPR: Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung không chỉ ảnh hưởng đến xuất khẩu

Một thay đổi lớn đang diễn ra trên bàn cờ thương mại toàn cầu, nơi các nước đang phát triển như Việt Nam phải có những hành động thận trọng.

Câu chuyện chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và việc đo lường những ảnh hưởng tới các quốc gia đang phát triển như Việt Nam là một trong những đề tài được quan tâm tại buổi họp báo về tình hình kinh tế vĩ mô quý II, do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) tổ chức.

TS Phạm Sỹ Thành, Giám đốc chương trình Nghiên cứu Kinh tế Trung Quốc (VCES) thuộc VEPR cho rằng, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung không chỉ liên quan đến việc đánh thuế vài trăm tỷ USD, mà thực tế đang tạo ra sự thay đổi cơ bản trên bàn cờ thương mại thế giới. Và ông Thành cũng cho rằng, ảnh hưởng của điều này đến những nước đang phát triển như Việt Nam sẽ không dừng lại ở vấn đề xuất khẩu hàng hóa.

vepr chien tranh thuong mai my trung khong chi anh huong den xuat khau

Tỷ giá USD/VND có thể sẽ bị ảnh hưởng khi Mỹ - Trung chiến tranh thương mại.

"Năm 2017, tăng trưởng thương mại toàn cầu đạt 4,7%. Nhưng đến năm nay, con số dự đoán tăng trưởng được đưa ra trong một biên độ rộng từ 3,1 đến 5,3%. Chính những nhà nghiên cứu hàng đầu cũng không thể chắc chắn được kịch bản thương mại thế giới sẽ như thế nào khi cuộc chiến này nổ ra", ông Thành nói và cho rằng, một sự suy giảm thương mại toàn cầu là điều đã được tính đến.

Tác động đầu tiên mà chuyên gia này nhắc đến là một xu thế mới đang hình thành trong mối quan hệ thương mại giữa các nước. "Khi một nước lớn chọn cách bảo vệ chính mình, những nước khác cũng sẽ làm tương tự. Trả đũa thương mại và chủ nghĩa bảo hộ có thể trở thành xu thế mới", Giám đốc VCES nhận xét.

Hệ quả của điều này là các mối quan hệ đa phương sẽ nhường chỗ cho các hiệp định thương mại song phương. Với những nước đang phát triển, như Việt Nam, những hiệp định song phương không phải là điều có lợi, khi các nước lớn hơn sẽ có nhiều lợi thế trên bàn đàm phán.

Không chỉ có áp lực từ việc thay đổi các quan hệ thương mại, TS Phạm Sỹ Thành còn cho rằng các chuỗi sản xuất toàn cầu đang có sự dịch chuyển, và những nước đang phát triển sẽ bị ảnh hưởng đáng kể từ điều này.

Một trong những ví dụ được ông Thành đưa ra là những đại gia công nghệ lớn như Foxconn đã bắt đầu đầu tư ngược lại Mỹ. "Khi lao động không còn là vấn đề lớn nhờ cách mạng công nghiệp 4.0, cái mà chúng ta nghĩ là lợi thế của những nước nhỏ sẽ bị triệt tiêu chỉ trong vài năm", ông Thành nói và cho rằng, khi mối quan hệ thương mại toàn cầu thay đổi và những tập đoàn không còn thấy sự hấp dẫn từ những nước đang phát triển, dòng vốn sẽ trở ngược lại những nước lớn.

Đánh giá riêng về việc đánh thuế mới đây của Mỹ và Trung Quốc, Giám đốc VCES cho rằng Việt Nam sẽ ít chịu ảnh hưởng từ căng thẳng này vì những ngành Mỹ trừng phạt Trung Quốc Việt Nam không tham gia ở khâu đầu vào. "Mỹ nhắm vào Trung Quốc ở ngành hàng hóa công nghệ cao, những thứ mà Trung Quốc chưa làm chủ được công nghệ. Còn Trung Quốc lại nhắm đến những mặt hàng nông nghiệp của Mỹ, mang hơi hướng chính trị nhiều hơn", ông Thành nhận định.

Theo chuyên gia này, nếu nhìn đơn thuần thì Mỹ - Trung đang đưa ra những biện pháp trả đũa thương mại, nhưng thực tế mỗi quyết định đều mang nhiều toan tính. Chính quyền Donald Trump lo ngại việc chuyển giao công nghệ sẽ khiến Trung Quốc có lợi thế nhanh hơn trong 10 năm tiếp theo nên đây là lĩnh vực được nhắm tới. Còn Trung Quốc có phần bị động hơn khi tấn công vào những mặt hàng mang tính chính trị. Những sản phẩm nông nghiệp bị Trung Quốc đánh thuế xuất phát từ những bang đã dành phiếu bầu cho ông Donald Trump.

Tuy nhiên, TS Phạm Sỹ Thành lo ngại về những tác động lớn hơn từ việc thay đổi quan hệ thương mại toàn cầu, sự thay đổi về dòng vốn và những lợi thế trước đây, như lao động, ưu đãi sẽ nhanh chóng bị mất đi. "Đó là lỗ hổng lớn với những nước đang phát triển", ông Thành kết luận.

Trước những tác động này, theo PGS. TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR, Việt Nam nên theo đuổi một chính sách tỷ giá mềm dẻo, theo đúng nghĩa linh động ở giữa hai nền kinh tế đang "đôi co". Theo ông Thành, Việt Nam có thể giảm giá tiền đồng so với USD nhưng không nên giảm mạnh bằng Nhân dân tệ. Ví dụ nếu đồng tiền của Trung Quốc giảm 10%, thì tiền đồng có thể giảm 5%.

Viện trưởng VEPR đề xuất có thể làm mất giá tiền đồng trong khoảng 2-3% từ nay đến cuối năm trong bối cảnh Nhân dân tệ tiếp tục suy yếu. Điều này sẽ khiến hàng hóa Trung Quốc không trở nên quá rẻ và phần nào bù đắp khả năng cạnh tranh của hàng hóa trong nước.

Tuy nhiên ông Thành cũng nhận mạnh, việc điều hành cần xem xét thận trọng. "Nếu Ngân hàng Nhà nước chọn phương án này, rủi ro sẽ đến đối với thị trường tài sản. Khi đó, thị trường chứng khoán tiếp tục giảm, thị trường bất động sản có thể gặp một cú sốc và sẽ đi xuống mạnh hơn", Viện trưởng VEPR đánh giá.

vepr chien tranh thuong mai my trung khong chi anh huong den xuat khau Áp lực tỷ giá trước chiến tranh thương mại Mỹ - Trung

Với thâm hụt thương mại tăng lên, cung ngoại tệ của Việt Nam không còn dư dả như trước sẽ là áp lực lớn với ...

vepr chien tranh thuong mai my trung khong chi anh huong den xuat khau 10 điều cần biết về chiến tranh thương mại Mỹ - Trung

Ngày 6/7, cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc chính thức bắt đầu sau khi các qui định áp thuế trị giá 34 ...

Minh Sơn

/ https://kinhdoanh.vnexpress.net