Trước khi trúng đạn của lâm tặc, tù trưởng Paulo Paulino của bộ tộc Guajajara đã dành hầu như cả đời mình để bảo vệ rừng Amazon.
Hồi tháng 4, các thành viên bộ lạc Guajajara tới thủ đô Brasilia của Brazil để kêu gọi chính phủ bảo vệ rừng Amazon khỏi những lâm tặc xâm phạm vùng đất của họ tại bang Maranhao. Tới tháng 8, người phụ trách vấn đề nhân quyền của bang đã gửi thư cho cảnh sát liên bang nhằm cảnh báo bộ lạc Guajajara đang bị lâm tặc đe dọa tại chính lãnh thổ bản địa Arariboia của họ.
Tuy nhiên, những cảnh báo này không bảo vệ được Paulino. Trong chuyến đi săn tại khu bảo tồn Arariboia hôm 1/11, tù trưởng này cùng người bạn Laercio Guajajara bị 5 lâm tặc đang khai thác tài nguyên trái phép trong khu vực phục kích. Laercio bị thương và đã xuất viện, nhưng Paulino trúng đạn ở cổ và thiệt mạng, để lại một người con.
Paulino, 26 tuổi, là người thành lập nhóm Vệ binh Rừng Amazon gồm các thành viên của bộ lạc Guajajara hồi năm 2012, nhằm bảo vệ cuộc sống và lãnh thổ của họ khỏi những kẻ khai thác tài nguyên trái phép. Guajajara là một trong những nhóm bản địa lớn nhất tại Brazil với khoảng 20.000 người.
Paulo Paulino Guajajara tại một trại tạm bợ trong khu bảo tồn Arariboia thuộc rừng Amazon, Brazil hôm 10/9. Ảnh: Reuters. |
Công việc của nhóm này bao gồm tuần tra có vũ trang và phá hủy những khu trại khai thác gỗ lậu, khiến họ có nhiều kẻ thù nguy hiểm. Một số vệ binh tại bang Maranhao đã thiệt mạng trong những năm qua, bao gồm ba người tại khu bảo tồn Arariboia.
Trong cuộc phỏng vấn với Reuters hồi tháng 9, Paulino cho biết việc bảo vệ rừng khỏi những kẻ xâm phạm đã trở thành nhiệm vụ đầy nguy hiểm, nhưng nhóm của anh không thể nhượng bộ vì sợ hãi. "Đôi lúc tôi cũng lo sợ, nhưng chúng tôi phải ngẩng cao đầu và hành động. Chúng tôi ở đây để chiến đấu", anh cho hay.
"Chúng tôi đang bảo vệ vùng đất của chính mình và cuộc sống tại đây, như muông thú, các loài chim, thậm chí là những người Awa cùng chung sống. Biết bao điều đang hủy diệt thiên nhiên. Những cây rừng khỏe mạnh với gỗ cứng như thép bị đốn hạ và lấy đi. Chúng tôi phải giữ gìn cuộc sống này vì tương lai con cháu của chúng tôi", thủ lĩnh trẻ nói thêm.
Hồi đầu năm, Paulino cũng bày tỏ với Survival International, tổ chức phi chính phủ vì quyền của người bản địa, về nỗi tức giận khi phải chứng kiến những cánh rừng bị tàn phá. "Mấy người đó nghĩ rằng họ có thể tới đây và vào bên trong nhà của chúng tôi sao? Không. Chúng tôi sẽ không cho phép. Chúng tôi không đột nhập vào nhà họ và ăn cướp. Máu của tôi đang sôi sục vì quá phẫn nộ", anh nói.
Gil Rodrigues, thành viên của một hội đồng truyền giáo, người tự nhận có mối quan hệ cá nhân thân thiết với gia đình của Paulino, cho biết họ tự coi bản thân là những người canh gác cho "trái tim" của rừng Amazon. Paulino đã thấm nhuần tư tưởng này từ khi còn nhỏ. "Anh ấy là một thanh niên luôn lo lắng về việc gìn giữ mọi thứ cho các thế hệ tương lai", Rodrigues cho hay.
Tuy nhiên, theo Sarah Shenker, nhà nghiên cứu người Brazil của tổ chức Survival International, những nỗ lực của nhóm Vệ binh Rừng Amazon chỉ như "ốc đảo giữa biển rừng bị tàn phá". Sau vài lần tới thăm Maranhao trong vòng ba năm qua, Shenker bắt đầu hiểu rõ hơn về Paulino. Lần cuối cùng họ gặp nhau là hồi tháng 4, khi mùa khô bắt đầu, thời điểm mà Tổ chức Ân Xá Quốc tế cảnh báo rằng "sẽ có đổ máu" nếu chính phủ Brazil không bảo vệ người bản địa.
"Tôi không nói rằng cậu ấy hoàn toàn không sợ hãi. Cũng như mọi người, cậu ấy có nỗi sợ riêng của mình, như nguy cơ bị giết. Paulino cho rằng cậu ấy có thể bị giết bất cứ lúc nào và thường nói vấn đề chỉ là thời gian", Shenker kể lại.
Sự ra đi của Paulino nằm trong số một loạt tổn thất đối với những cộng đồng bản địa ở Brazil, khi các thợ mỏ và lâm tặc thực hiện ngày càng nhiều vụ xâm nhập táo tợn hơn vào lãnh thổ của người bản địa và các khu bảo tồn khác. Trong khi đó, Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro cho rằng những khu vực này nên được mở cửa để phục vụ mục đích thương mại.
"Chính phủ Brazil không tuân theo nghĩa vụ bảo vệ người bản địa được quy định trong hiến pháp", Gilberto Vieira, phó thư ký Hội đồng Truyền Giáo Bản địa Brazil, cho biết. Hồi tháng 6, những kẻ khai thác mỏ trái phép cũng xâm nhập vào vùng đất của cộng đồng người Wajapi và đâm chết một trong các thủ lĩnh của bộ lạc này.
Trong tuyên bố về cái chết của Paulino, hiệp hội người bản địa Brazil APIB cáo buộc chính quyền Bolsonaro có "bàn tay nhuốm máu" của các bộ lạc. "Tình trạng bạo lực gia tăng tại các vùng lãnh thổ bản địa là sự phản chiếu trực tiếp những bài phát biểu thù ghét của họ, cũng như các biện pháp chống lại người bản địa ở Brazil", thông báo cho hay.
Vụ phục kích Paulino còn diễn ra vào thời điểm cả thế giới đang phẫn nộ vì tình trạng cháy rừng kỷ lục ở Amazon, bởi nó có nguy cơ làm suy yếu những nỗ lực toàn cầu nhằm chống biến đổi khí hậu. Paulo Moutinho, chuyên gia cấp cao tại Viện Nghiên cứu Môi trường Amazon, cho biết các vùng đất bản địa có mức độ tàn phá rừng thấp nhất trong số những khu vực được bảo tồn ở Amazon.
"Nếu muốn bảo vệ những lợi ích to lớn mà rừng Amazon mang lại, điều cơ bản mà chúng ta cần thực hiện là công nhận quyền của người bản địa đối với vùng đất. Họ mang lại sự trợ giúp vô giá", Moutinho nhận định.
Paulo Paulino Guajajara tuần tra tại khu bảo tồn Arariboia trong rừng Amazon, Brazil hôm 11/9. Ảnh: Reuters. |
Trong lần cuối cùng gặp Paulino, nhà nghiên cứu Shenker cùng nhóm Vệ binh Rừng Amazon đã di chuyển sâu vào trong rừng để kiểm tra tình trạng khai thác gỗ trái phép, sau đó họ tìm thấy một khu trại vừa bị bỏ hoang. Khi các vệ binh thiêu rụi nó, Shenker vẫn nhớ thái độ của Paulino lúc nhìn ngọn lửa.
"Trại khai thác gỗ lậu đó và những mảnh rác vương khắp nơi khiến Paulino vô cùng tức giận. Trong khi có những kẻ kiếm lợi từ khu rừng, bộ lạc của cậu ấy lại phải chịu đựng", cô cho hay, nói thêm rằng Paulino cũng chia sẻ nỗi sợ hãi của mình.
"Tôi đang đánh cược cả mạng sống vào việc này, nhưng tôi nghĩ không còn cách nào khác", anh nói, sau đó trở lại công việc tuần tra.
Ánh Ngọc (Theo NY Times, Reuters, Washington Post)