VCCI: Hết sức cân nhắc việc tăng thuế GTGT

Việc tăng thuế GTGT sẽ tác động tiêu cực đến nền kinh tế và sức cạnh tranh của các DN Việt Nam vừa tạo ra chi phí đẩy, vừa giảm sức cầu của nền kinh tế, ảnh hưởng rất lớn đến các mục tiêu vĩ mô mà Chính phủ đề ra, có thể sẽ làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế.

Nên giảm bớt đối tượng không chịu thuế GTGT

Luật thuế GTGT hiện hành vẫn quy định rất nhiều loại hàng hoá là đối tượng không chịu thuế GTGT như sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản nuôi trồng, đánh bắt chưa chế biến; giống vật nuôi, giống cây trồng; phân bón; máy móc nông nghiệp; tàu đánh bắt xa bờ; thức ăn chăn nuôi; muối; sách báo, tạp chí; một số loại máy móc, vật tư, phương tiện trong nước chưa sản xuất được; vũ khí, khí tài; bộ phận cơ thể nhân tạo, dụng cụ cho người khuyết tật…

Việc không được coi là đối tượng chịu thuế khiến những DN trong nước sản xuất loại hàng hoá này để tiêu dùng trong nước không được khấu trừ và hoàn thuế GTGT đầu vào khiến các DN gặp rất nhiều thiệt thòi. Quy định này khuyến khích nhập khẩu, đi ngược lại chính sách khuyến khích sản xuất trong nước do hàng nhập khẩu được hưởng thuế suất 0% ở nước xuất khẩu và không chịu thuế GTGT tại Việt Nam nên có lợi thế về thuế hơn so với sản phẩm sản xuất trong nước.

Những chi phí đầu vào như nguyên vật liệu, năng lượng, quảng cáo, dịch vụ mặt bằng, kho bãi, dịch vụ vận chuyển… đều có thuế GTGT đầu vào nhưng không được khấu trừ. Cách tính thuế này còn dẫn đến hệ quả làm giảm động lực chuyên môn hoá và phân công lao động trong những lĩnh vực sản xuất trên. Bởi DN nào càng ít mua sắm, sử dụng hàng hoá, dịch vụ mua ngoài thì số thuế GTGT không được khấu trừ càng ít và càng được lợi về thuế. VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, hạn chế tối đa phạm vi những mặt hàng thuộc diện không chịu thuế, chuyển các mặt hàng đó sang diện chịu thuế suất 0%, 5% hoặc 10% tuỳ vào mục tiêu chính sách.

Những hệ lụy xã hội khi tăng thuế suất

Dự thảo luật sửa 5 luật thuế đề xuất tăng thuế GTGT từ 5% lên 6% và tăng thuế từ 10% lên 12% đối với các loại hàng hoá, dịch vụ tương ứng. ‘Đây là một sự thay đổi chính sách rất lớn, tuy nhiên lại chưa được đánh giá một cách đầy đủ trong tờ trình. Tờ trình mới chỉ đề cập đến tác động tăng thu ngân sách chứ chưa đề cập đến các tác động khác về kinh tế, xã hội của việc tăng thuế này”, theo VCCI.

Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, thuế GTGT là loại thuế luỹ thoái đánh vào tiêu dùng. Mặc dù tăng cùng một mức thuế suất, nhưng người có thu nhập thấp lại chịu tác động lớn hơn do tỷ lệ chi tiêu cho tiêu dùng trên tổng thu nhập của người có thu nhập thấp cao hơn người có thu nhập cao. Như vậy, “việc tăng thuế GTGT có thể làm tăng khoảng cách giàu nghèo, có thể kéo theo nhiều hệ luỵ xã hội khác”, theo VCCI

VCCI phân tích: Về mặt kinh tế, việc tăng thuế GTGT sẽ tác động tiêu cực đến nền kinh tế và sức cạnh tranh của các DN Việt Nam. Tăng thuế GTGT vừa tạo ra chi phí đẩy, vừa giảm sức cầu của nền kinh tế, từ đó ảnh hưởng rất lớn đến các mục tiêu vĩ mô mà Chính phủ đề ra. Tăng thuế như dự thảo chi phí thuế tăng có thể sẽ làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế. Trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đang thấp thì việc tăng thuế sẽ càng làm trầm trọng thêm thực trạng này.

Hơn nữa, theo một đánh giá của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, với mô hình phát triển như hiện nay, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ suy giảm ở mức 1% sau mỗi thập kỷ, và tác động của việc tăng thuế sẽ đẩy nhanh hơn mức suy giảm này. Bộ Tài chính cần cân nhắc đến hệ quả của chính sách.

VCCI cho rằng, các DN dân doanh trong nước sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của việc tăng thuế GTGT. Các DN FDI hiện nay tập trung nhiều vào việc sản xuất hàng xuất khẩu, không chịu thuế GTGT. DNNN mặc dù cũng phải nộp thuế nhiều hơn nhưng sau đó có thể được thụ hưởng từ các khoản chi đầu tư tăng thêm có được từ tiền tăng thuế. Việc tăng thuế còn có nguy cơ ảnh hưởng đến năng lực tạo việc làm của nền kinh tế Việt Nam. Mỗi năm, Việt Nam có trên dưới 1 triệu người bước vào độ tuổi lao động. Trong 3 thành phần kinh tế, các DN tư nhân trong nước có khả năng tạo việc làm tốt nhất trên mỗi đồng vốn đầu tư. Do đó, tiếp theo việc DN tư nhân chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của tăng thuế GTGT, năng lực tạo việc làm của nền kinh tế Việt Nam cũng sẽ bị ảnh hưởng.

Bộ Tài chính cho biết tính toán việc tăng thuế GTGT tới lạm phát và được coi là không lớn, chỉ làm tăng CPI một lần trong khoảng 0,06%-0,39%. Theo ý kiến một số chuyên gia mà VCCI tiếp nhận được, đây là tác động trong điều kiện giả định là các yếu tố khác không đổi, trong đó có chi ngân sách. Nói cách khác, nếu việc tăng thuế và số tiền thu được tăng thêm (ước đoán 70.000 tỷ đồng) được giữ lại trong ngân sách, không làm tăng chi ngân sách thì mức tăng CPI như thế là phù hợp. Tuy nhiên, Nhà nước không thể thu thêm thuế rồi để đó, mà sẽ sử dụng tiền thuế này để chi tiêu công. Việc Nhà nước sử dụng những đồng tiền thuế này chi tiêu như thế nào có thể sẽ kéo theo lạm phát.

“Chính phủ và Bộ Tài chính cần nghiên cứu, đánh giá thận trọng trước khi đưa ra bất kỳ thay đổi nào liên quan đến chính sách thuế bởi nó có thể gây ra những tác động rất lớn đối với các doanh nghiệp và cả nền kinh tế”, ông Đậu Anh Tuấn (Trưởng ban pháp chế - VCCI) phát biểu. Với những tác động kinh tế - xã hội như vậy, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo hết sức cân nhắc việc tăng thuế GTGT như đề xuất.

/ Theo Thời báo Ngân hàng