“Ván cờ mạo hiểm” của Mỹ ở Trung Đông

Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ có chuyến công du Trung Đông vào trung tuần tháng này. Giới chuyên gia đặt câu hỏi rằng, chuyến đi này của ông chủ Nhà Trắng liệu có thể vừa trấn an lãnh đạo các nước Arab đang tìm cách kiềm chế Iran, vừa đạt được một thỏa thuận hạt nhân tạm thời với Tehran hay không.

Nhận định về chuyến thăm của Tổng thống Joe Biden tới Saudi Arabia, giới chuyên gia cho rằng, Hội nghị thượng đỉnh này có thể là cơ hội vàng để Tổng thống Mỹ khôi phục sự tin cậy (của các nước trong khu vực) đối với Mỹ như một đồng minh đáng tin cậy trong lịch sử, cùng một chính sách vững chắc có thể dựa vào.

Tuy nhiên, họ cảnh báo, nếu không làm được như vậy, các nước trong khu vực sẽ thực sự thay đổi bản đồ các liên minh quốc tế để bảo vệ lợi ích và nâng cao khả năng của họ, từ đó vượt qua những tính toán sai lầm của một số đồng minh truyền thống phương Tây về sự cần thiết phải bảo vệ họ trước mối đe dọa của Iran.

Trong bối cảnh Saudi Arabia đang lên kế hoạch tìm kiếm sự đảm bảo của Tổng thống Joe Biden rằng Washington vẫn là đối tác đáng tin cậy trong việc đối đầu với Tehran, các quan chức Mỹ và Iran đã gặp nhau tại Doha nhằm hồi sinh thỏa thuận hạt nhân toàn cầu năm 2015 - thỏa thuận mà Riyadh phản đối vì nó không thể ngăn chặn Iran phát triển vũ khí hạt nhân trong dài hạn, cũng như không có tác dụng kiềm chế hoạt động bảo trợ khủng bố và các hoạt động gây bất ổn khác trong khu vực của Tehran.

petrolera_saudi_aramco-1657417026604
Chuyến thăm Saudi Arabia của Tổng thống Biden có giúp hạ nhiệt thị trường dầu mỏ? Ảnh: Atalayar.

Đối với Washington, câu hỏi đặt ra là, liệu họ có thể vừa trấn an lãnh đạo các nước Arab theo dòng Sunni đang tìm cách kiềm chế Iran (vốn theo dòng Shiite), vừa đạt được một thỏa thuận hạt nhân tạm thời với Tehran hay không? Tất nhiên, có nguy cơ Washington sẽ thua trên cả hai mặt trận - không khôi phục được thỏa thuận hạt nhân và khiến các quan chức Saudi Arabia thêm lo ngại rằng Riyadh có thể cần phải xem xét lại sự phụ thuộc nặng nề vào Washington trong vấn đề an ninh khu vực.

Tổng thống Joe Biden đang phải đối mặt với bối cảnh toàn cầu phức tạp bất thường, buộc ông phải rút lại cam kết tranh cử về việc cô lập Riyadh trong vấn đề nhân quyền, đặc biệt là liên quan đến vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi của tờ “The Washington Post” mà cộng đồng tình báo Mỹ cho là do Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman ra lệnh.

Các biện pháp trừng phạt chưa từng có mà Washington và các đồng minh áp đặt lên Nga, cùng lượng vũ khí quân sự ngày càng nhiều mà họ gửi tới Ukraine, đã không khiến Tổng thống Nga Vladimir Putin phải xem xét lại hành động từng làm lung lay trật tự thời hậu Chiến tranh Lạnh.

Sau khi bị đình trệ trên chiến trường, quân đội Nga đang đạt được tiến bộ trong việc chiếm lãnh thổ ở khu vực miền Đông của Ukraine, đồng thời pháo kích vào các địa điểm dân sự với hy vọng làm mất tinh thần của người Ukraine và khiến Kiev đầu hàng. Hơn nữa, các lệnh trừng phạt đối với lĩnh vực dầu mỏ của Nga đã khiến giá dầu toàn cầu tăng cao hơn nhiều.

Điều đó cùng quyết định của Trung Quốc và Ấn Độ mua thêm dầu của Nga đã giúp Moscow kiếm được nhiều tiền hơn từ việc bán dầu so với trước khi thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Đồng thời, người tiêu dùng Mỹ đang phải trả nhiều tiền để mua xăng, góp phần thúc đẩy áp lực lạm phát khiến Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất đột ngột. Động thái này đang đe dọa châm ngòi cho một cuộc suy thoái của Mỹ.

Không có gì ngạc nhiên khi Tổng thống Mỹ hy vọng sẽ thuyết phục được Saudi Arabia và các nước vùng Vịnh khác tăng sản lượng dầu nhằm giảm giá thành và để tạo động lực chính trị cho ông ta trong bối cảnh các cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ sắp diễn ra. Tuy nhiên, Riyadh dường như được khích lệ bởi quyết định của ông Joe Biden không nói đến chuyện cô lập Saudi Arabia và đến thăm nước này.

Xã luận trên tờ báo thân chính phủ Al-Riyadh có đoạn: “Chính quyền Tổng thống Joe Biden phải chứng minh rằng mối quan tâm mới của họ đối với các nước vùng Vịnh không chỉ mang tính tình thế và không chỉ là sự ép buộc do nhu cầu dầu mỏ... Hơn nữa, họ phải chứng minh bằng hành động, chứ không chỉ bằng lời nói, rằng họ vẫn cam kết bảo vệ an ninh của vùng Vịnh và thừa nhận rằng các nước vùng Vịnh có những nhu cầu cấp bách cần được xem xét”.

Hy vọng của người đứng đầu Nhà Trắng về việc tăng cường quan hệ Mỹ-Saudi Arabia chỉ là một lý do khác để đặt ra câu hỏi tại sao chính quyền Mỹ vẫn muốn khôi phục một thỏa thuận hạt nhân mà trong trường hợp khả quan nhất cũng chỉ có thể kiềm chế các hoạt động theo đuổi năng lực hạt nhân của Iran cho đến khi thỏa thuận này hết hiệu lực trong những năm tới.

Saudi Arabia, các nước vùng Vịnh khác và Israel đã liên tục phàn nàn rằng việc khôi phục thỏa thuận sẽ không có tác dụng gì trong việc hạn chế chương trình tên lửa đạn đạo hạt nhân của Iran hoặc buộc Tehran phải thay đổi thái độ trong khu vực. Thỏa thuận này cũng sẽ không thể buộc các quan chức Iran hợp tác với các thanh sát viên hạt nhân nhiều hơn so với trước khi Tổng thống Donald Trump rút khỏi thỏa thuận vào năm 2018.

Sau khi Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) thông qua một nghị quyết hồi đầu tháng 6 để thúc giục Iran hợp tác đầy đủ với các thanh sát viên đang điều tra hoạt động hạt nhân bị nghi ngờ tại ba địa điểm không được khai báo, Tehran đáp trả rằng họ sẽ ngắt kết nối 27 camera tại các địa điểm liên quan được thiết kế để giám sát việc tuân thủ thỏa thuận hạt nhân của nước này.

Nhìn chung, cam kết khôi phục thỏa thuận hạt nhân của Tổng thống Joe Biden không chỉ có vấn đề trong việc kiềm chế hoạt động hạt nhân của Iran, mà còn có nguy cơ phá hoại nỗ lực của ông trong việc khôi phục quan hệ với Saudi Arabia, vốn ngày càng có vai trò quan trọng đối với lợi ích chiến lược của Mỹ.

Minh Hải / CAND