Phải kỷ luật, cách chức, thậm chí xử lý hình sự nếu xác định có lỗi cố ý, cố tình cài cắm lợi ích trong văn bản để trục lợi.
Mới đây, tại buổi làm việc với Bộ Tư pháp, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng thực hiện truyền đạt chỉ đạo của Thủ tướng yêu cầu bộ này phải nâng cao hơn nữa trách nhiệm trong thẩm định các dự án văn bản quy phạm pháp luật. Đặc biệt, Thủ tướng nhắc nhở, yêu cầu Bộ Tư pháp xử lý những văn bản cài cắm lợi ích gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội.
Có thể xử lý hình sự nếu xác định có lỗi cố ý, cố tình cài cắm lợi ích trong văn bản ban hành. Ảnh minh họa
Đồng tình cao với chỉ đạo của Chính phủ, TS Lê Hồng Sơn - nguyên Cục trưởng Cục KTVB Bộ Tư pháp nhấn mạnh, lợi ích nhóm là một thực tế và từng được nêu ra tại rất nhiều các diễn đàn xã hội, các hội thảo thuộc các cấp bộ, ngành khác nhau. Trên diễn đàn Quốc hội, nhiều đại biểu cũng chỉ ra một thực trạng là bên cạnh tham nhũng vặt thì lợi ích nhóm, doanh nghiệp sân sau, công ty gia đình ngày càng lộ diện.
Chính vì đã nhận diện được thực tế trên, Thủ tướng mới chỉ đạo, yêu cầu Bộ Tư pháp phải vào cuộc.
Ông Sơn khẳng định, lợi ích nhóm là thực tế và đã tồn tại từ nhiều năm, không cần phải bàn cãi. Vấn đề là làm thế nào để chứng minh được cho công luận thấy lợi ích nhóm đó có hay không và nó hoạt động như thế nào? Biện pháp ngăn chặn và xử lý ra sao?...
Để làm được như vậy, TS Lê Hồng Sơn cho rằng cần phải nhìn nhận vấn đề lợi ích một cách thẳng thắn, thực tế, không né tránh.
"Ở đây tôi muốn nói, lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm, lợi ích bộ ngành, lợi ích địa phương là tâm lý đời thường, tồn tại từ lâu đời, có ở hầu hết các lĩnh vực, ở nhiều chủ thể khác nhau trong xã hội. Vì liên quan tới lợi ích nên mọi hành xử bao giờ cũng hướng tới lợi ích của mình trước hết.
Tuy nhiên, xét về mặt yêu cầu đạo đức xã hội, cách hành xử cá nhân, bất chấp tất cả, luôn đặt lợi ích lợi ích nhóm, lợi ích riêng lên trên lợi ích chung là hành vi không thể chấp nhận được.
Chính vì thế từ xa xưa, vấn đề lợi ích luôn được quan tâm và tìm cách chống. Ví dụ, quy định người địa phương không được làm quan ở địa phương đó, không được lấy vợ ở nơi làm quan, không được sử dụng quyền của mình để có những hành xử mưu lợi cá nhân", ông Sơn nói
Vấn đề tiếp theo ông Sơn nói rõ, đã là công chức, những người ngồi ở vị trí có quyền lực, sử dụng quyền lực nhà nước để thi hành công quyền thì tuyệt đối không được sử dụng lợi thế đó, vị trí đó để mưu cầu lợi ích cho cá nhân hay lợi ích cho nhóm nhỏ nào.
"Việc này phải tuyệt đối cấm và cần được đặt ra một cách nghiêm túc trong các quy chế quản lý về đạo đức công chức", ông Sơn chỉ rõ.
Đặt vấn đề phải tuyệt đối cấm, vì theo ông Sơn, một phần nhằm nâng cao trách nhiệm thi hành công vụ của cán bộ, công chức, mặt khác nhằm ngăn chặn tình trạng cán bộ, công chức làm công tác thể chế lợi dụng quyền lực, kẽ hở pháp luật "cài cắm" lợi ích ngành, lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân... trong quá trình soạn thảo, thẩm định, thẩm tra, ban hành VB QPPL.
Thực tế, thống kê trong năm 2017 của Cục KTVB QPPL, Bộ Tư pháp cho biết đã kiểm tra, phát hiện và kết luận 157 văn bản trái pháp luật về nội dung, thẩm quyền, gồm 26 văn bản của bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ và 131 văn bản của HĐND và UBND cấp tỉnh. Trong đó, có 85 văn bản trái pháp luật trong lĩnh vực kinh tế (gồm 10 văn bản của bộ, 75 văn bản của địa phương), chiếm 54%. Năm 2018, cục này qua kiểm tra đã phát hiện, kết luận kiểm tra đối với 84 văn bản sai về thẩm quyền, nội dung (27 văn bản cấp bộ và 57 văn bản của HĐND và UBND cấp tỉnh).
Nhiều văn bản được ban hành nhưng tính khả thi chưa cao, như Luật Cạnh tranh còn nhiều kẽ hở để một số doanh nghiệp lợi dụng vị thế khống chế thị trường, làm tổn thất lợi ích chung của xã hội. Hay có những văn bản gây tranh cãi, thậm chí gây phản ứng mạnh mẽ như Thông tư 08, 09 năm 2018 của Bộ Tài nguyên và Môi trường liên quan đến nhập khẩu phế liệu, từ đó gây ách tắc hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, Thủ tướng phải ra văn bản yêu cầu hủy bỏ.
Khẳng định thời gian vừa qua nhiều văn bản có quy định trái pháp luật hoặc cài cắm bảo vệ lợi ích của ngành, địa phương, không vì lợi ích chung, gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội, ông Sơn cho biết, những loại văn bản như vậy có ở hầu hết các dạng văn bản khác nhau từ các quyết định hành chính cá biệt cho tới các văn bản QPPL được ban hành. Tuy nhiên, các cơ chế chống hiện tượng trên còn ở mức rất hạn chế, chưa thật sự hiệu quả.
Một trong những ví dụ điển hình là việc bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo sai xảy ra ở Bộ Công thương hay các sở ban ngành, địa phương như ở Thanh Hóa, Yên Bái... gây bức xúc thời gian qua. Hay việc cấp đất sai như trường hợp ở Đà Nẵng, TP.HCM khiến ngân sách thất thu nhiều nghìn tỉ đồng, khiến người dân bất bình, dư luận mất lòng tin... nhưng cuối cùng vấn đề xử lý trách nhiệm lại chưa nghiêm, chưa ngăn chặn được hiện tượng trên ngay từ đầu.
Chuyện \'vong báo oán\' chùa Ba Vàng: Tỉnh Quảng Ninh ra văn bản hỏa tốc
UBND tỉnh Quảng Ninh ra văn bản hỏa tốc sau khi Báo Lao Động đăng tải phóng sự: Truyền bá chuyện vong báo oán, chùa Ba ... |
Những trang văn bản vương máu hay tìm lại Đà Lạt dưới sương mù
Từ hàng nghìn trang bản thảo có trang cháy góc, những bó tài liệu ẩm mốc, và cả những trang văn bản vương máu, Nguyễn ... |