Đêm trước 14/2, Thùy Linh, y tá khoa Khám bệnh và chồng Anh Tuấn, y tá khoa Hồi sức lướt qua nhau trên hành lang trong lúc giao ca.
Họ chỉ có thể nhìn nhau mà không nói được gì nhiều bởi ngăn cách đôi vợ chồng không chỉ là một tầng cầu thang căng dải phân cách mà còn là nhiệm vụ. Anh Tuấn đang điều trị bệnh nhân Covid-19 bên khoa Nội, còn Thùy Linh làm tại khu điều trị bệnh nhân dương tính bên dãy khoa Nhi Bệnh của Bệnh viện dã chiến số 1 đặt tại Trung tâm Y tế Chí Linh. Cách nhau chỉ vài bước chân, nhưng đã hơn nửa tháng họ không gặp nhau.
Nếu không có Covid-19, vợ chồng Linh đang có cái Tết đầm ấm cùng cô con gái ba tuổi. Họ cũng làm lễ kỷ niệm nhân ngày lễ tình nhân Valentine. "Trước đây khi yêu nhau ngày này lãng mạn lắm. Từ lúc có con, 14/2 sẽ luôn là ngày của cả nhà", y tá Linh chia sẻ.
Vợ chồng Linh gặp nhau trên hành lang khoa khám bệnh lúc giao ca. Giây phút nán lại một chút nhìn nhau của họ được đồng nghiệp chụp lại. Ảnh: Nhân vật cung cấp. |
Ngay 28/1, Covid-19 bùng phát ở Hải Dương, anh Tuấn cùng toàn bộ nhân viên phải ở lại trung tâm để cách ly. Cả Tuấn và Linh đều nhận nhiệm vụ mới, người nào ở khoa ấy. "Tôi còn nhắn tin với chồng rằng cách ly hai tuần vẫn kịp về ăn Tết", Linh chia sẻ.
Anh Tuấn từng tham gia chống dịch nên không quá bỡ ngỡ, còn Linh lần này mới được huy động. Nữ y tá 27 tuổi trải qua những ngày làm việc luôn tay chân từ sáng tới đêm, ăn cơm khi đã quá giờ và những giấc ngủ tranh thủ. Sang đến ngày thứ ba, nữ y tá đã quen hơn nhưng vẫn không dám chủ quan. Chị thậm chí nhịn uống nước để không phải đi vệ sinh trong ca làm. Có lần 12h đêm, Linh được lệnh theo xe chuyển bệnh nhân có diễn biến nặng lên Bệnh viện nhiệt đới trung ương. Trở về lúc 4h sáng, chị bắt buộc phải tắm gội sạch mới được vào khoa. "Lần đầu tiên trong đời tắm gội lúc 4h sáng. Nghĩ đến các ca đột quỵ gần đây tôi cũng ái ngại, nhưng lại sợ bị lây nhiễm nên tôi đã tắm hai lần", nữ y tá kể.
Làm cạnh nhau nhưng vợ chồng Linh không được gặp cũng như không giúp đỡ nhau được gì. Người này chỉ biết động viên người kia qua cuộc gọi video vài phút trước khi ngủ. Đêm 30 Tết, cuộc gọi dài hơn lệ thường. Linh kể cho chồng nghe khoa mình đón Giao thừa. Tuấn cũng khoe vợ trong khoa anh có tiết mục hát chào năm mới. Trong cuộc gọi về, con gái họ đang ngủ ngon trong vòng tay bà nội.
Hình ảnh anh công an đứng bên ngoài dải phân cách, lặng lẽ nhìn vợ đang ở trong khu cách ly, cả hai không nói lời nào... được chia sẻ lên mạng xã hội khiến nhiều người cay mắt. Nhân vật chính là thượng tá Nguyễn Văn Hải, công an thành phố Chí Linh và vợ, chị Nguyễn Thị Ngọc, giáo viên.
Ngay từ lúc dịch bùng phát, anh Hải đã trực chiến không về nhà. Nhưng điều anh lo nhất là cả xóm, trong đó có vợ anh đã tham dự đám cưới con bệnh nhân 1814, sẽ phải đi cách ly.
Sau hai ngày vợ "vào trại", thượng tá Hải mới tranh thủ được thời gian đi tuần mang cho vợ vài món đồ cá nhân. Cặp vợ chồng chỉ có thể nhìn nhau từ xa, không nói được câu nào nhưng anh chị "hiểu hết" những điều người kia muốn nói. "Anh ấy lo tôi ở trong đó buồn và luôn dặn tôi đeo khẩu trang, chịu khó ăn uống, cố gắng hết thời gian cách ly để về. Anh ấy cũng biết tôi lo lắng chuyện nhà cửa ngày Tết không có ai sắm sửa, lo toan nên luôn động viên 'mọi việc sẽ đâu vào đó'", chị Ngọc chia sẻ.
Kết hôn 29 năm, vợ chồng chị Ngọc có hai con gái đã khôn lớn, nhưng anh chưa bao giờ quên tặng hoa, quà và chúc vợ nhân ngày lễ Tình nhân. Chiều 30 Tết, anh tranh thủ mang cho vợ và mọi người cùng phòng cách ly một chút đồ ăn để có không khí tất niên. Đến 2h sáng mùng 1, sau khi đã kiểm tra và chúc Tết, động viên anh em chiến sĩ khắp các chốt kiểm dịch trên địa bàn, anh Hải đã hẹn vợ ra chốt bảo vệ nhận bao lì xì mình gửi.
"Năm nay là một cái Tết đặc biệt với gia đình tôi, cũng như nhiều gia đình khác vì dịch. Nhưng có lẽ rơi vào hoàn cảnh này, khiến chúng tôi càng thêm trân trọng các giá trị gia đình và những lúc còn được ở bên nhau hơn", chị Ngọc bộc bạch.
Thượng tá Hải tuần tra các điểm cách ly trên địa bàn, tranh thủ nhìn vợ đang cách ly tại tiểu đoàn 3, trung đoàn 2, Chí Linh. Giây phút cặp vợ chồng gửi "lời của gió" cho nhau được một người quen chụp lại. Ảnh: Nhân vật cung cấp. |
Những ngày qua, nhiều cặp vợ chồng phải ly tán để tham gia vào "cuộc chiến không thuốc súng". "Chúng ta đang trên cùng một chiến tuyến. Cố lên em!", thiếu tá Nguyễn Văn Hòa, Trưởng công an phường Hoàng Tân (Chí Linh) động viên vợ, chị Huyền Trang, đang chăm sóc bệnh nhân dương tính tại Bệnh viện dã chiến số 1.
Ngay khi "quả bom Covid-19" nổ ở Hải Dương, cặp vợ chồng này đều nhận nhiệm vụ. Anh Hòa vừa phải tuần tra, thị sát các chốt trên địa bàn, vừa chịu trách nhiệm một chốt. Phường của anh phụ trách đã ghi nhận một số ca dương tính, toàn bộ khu dân cư bị phong tỏa. Anh chồng bận tối mặt, đến độ khi vợ phải ở viện, phải nhờ người quen mang vào cho chị một vali quần áo. Mười tám ngày qua, anh không thể bố trí được một lúc qua thăm, tiếp tế đồ cho vợ, dù cách nhau chỉ 5 cây số. Bù lại, hàng ngày anh luôn tranh thủ thời gian lúc ăn hoặc trước khi ngủ để gọi chị.
Mấy ngày đầu chị Trang tham gia chống dịch, nhân lực, vật lực đều thiếu thốn, lại thêm hai con gửi về ông bà nội khóc đòi bố mẹ, nên tâm trạng luôn "rối như tơ vò". "Tôi động viên vợ, anh là chiến sĩ áo xanh, em là chiến sĩ áo trắng, cùng hướng về mục tiêu chiến thắng dịch bệnh", anh Hòa chia sẻ.
Virus biến thể lần này rất mạnh, mọi người trong tâm dịch đều biết. Họ cũng biết chỉ có một cách sớm gặp nhau đó là vào ngày sạch bóng Covid-19. "Gia đình, con cái là thứ mà ai cũng muốn bảo vệ, nên dù vất vả, nguy cơ lây nhiễm cao thì chúng tôi sẽ cùng cố gắng để các gia đình đoàn tụ sớm nhất có thể", thiếu tá Hòa nói.
Thiếu tá Nguyễn Văn Hòa và vợ Nguyễn Thị Huyền Trang cùng chiến đấu chống dịch. Mười tám ngày qua họ chỉ nhìn thấy mặt nhau qua các cuộc gọi video. Ảnh: Nhân vật cung cấp. |
Chiều tối mùng 2 Tết, thượng tá Hải đứng ngoài cổng khu cách ly tiểu đoàn 3, trung đoàn 2. Anh nhìn thấy bóng vợ lẫn trong những người hàng xóm. Bắt gặp ánh mắt, họ tiến nhanh về phía nhau, chứ không phải đứng tại chỗ như những ngày qua nữa. Con gái của anh chị đã nấu một bữa cơm chúc mừng mẹ hết hạn cách ly và chúc mừng Valentine thứ 30 của bố mẹ. Bữa cơm đoàn viên muộn, cảm xúc không vơi, ngược lại càng thêm đầy...
Phan Dương
Tết ở tâm dịch Chí Linh
Đặt mâm cơm cúng tất niên lên bàn thờ xong, Nguyễn Đông bất giác nhận ra chẳng còn gì để làm. Bằng thời gian này ... |