Thế giới trở nên phụ thuộc hơn bao giờ hết vào vaccine Trung Quốc, khi tình hình dịch nghiêm trọng tại Ấn Độ gây ảnh hưởng đến nguồn cung vaccine.
Trong vài tuần qua, các lãnh đạo của một số quốc gia đông dân nhất thế giới đã tìm kiếm thêm vaccine Covid-19 của Trung Quốc, bất chấp những lo ngại về tính hiệu quả của chúng. Nhu cầu dự kiến tăng hơn nữa nếu WHO cấp phép cho vaccine Sinovac Biotech và Sinopharm, cho phép các nước đang phát triển ở châu Á, châu Phi và châu Mỹ Latinh tiếp cận chúng thông qua Covax - nỗ lực tiêm chủng toàn cầu.
"Trung Quốc không chỉ trở thành nhà xuất khẩu lớn nhất", Yanzhong Huang, chuyên gia về Trung Quốc Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, tổ chức phi chính phủ tại Mỹ, nói. "Ở nhiều quốc gia, Trung Quốc trở thành lựa chọn duy nhất".
Y tá tiêm vaccine cho người dân ở Pakistan ngày 5/5. Ảnh: AP. |
Với địa vị nhà cung cấp vaccine, Trung Quốc đang gia tăng ảnh hưởng địa chính trị vào thời điểm Mỹ và EU chậm chạp hành động khi đại dịch bùng phát ngoài tầm kiểm soát ở các điểm nóng như Ấn Độ, Brazil và các nơi khác.
Cuộc khủng hoảng của Ấn Độ đã làm cạn kiệt nguồn cung vaccine và khiến nhiều nước quay sang Trung Quốc. Trong bối cảnh đó, Mỹ, nước trong nhiều tháng chỉ tập trung thúc đẩy tiêm chủng trong nước, đã bị chỉ trích dữ dội vì tích trữ vaccine trong khi toàn cầu lâm vào cảnh thiếu thốn.
Tổng thống Joe Biden tuyên bố trong tuần này rằng Mỹ dự định bắt đầu đóng một vai trò tích cực hơn. Hôm 5/5, Mỹ ủng hộ dỡ bỏ bằng sáng chế đối với vaccine Covid-19 để cho phép các quốc gia khác sản xuất chúng. Ông thề rằng Mỹ sẽ trở thành "kho vũ khí chống Covid-19" trên toàn cầu khi dịch bùng phát ở những nơi khác trên thế giới, có nguy cơ sinh ra các biến thể nguy hiểm. Mỹ có kế hoạch tặng 60 triệu liều AstraZeneca và tăng cường sản xuất các liều thuốc của Moderna, Pfizer và Johnson & Johnson.
Trong khi đó, các quốc gia từ Uruguay, Senegal đến Indonesia có rất ít lựa chọn ngoài vaccine Trung Quốc và Bắc Kinh đang tận dụng tối đa điều đó.
Quốc gia này đã xuất khẩu khoảng 240 triệu liều, nhiều hơn tất cả các nước khác cộng lại và cam kết cung cấp thêm 500 triệu liều nữa, theo Airfinity, công ty phân tích và thông tin khoa học. Ấn Độ, nhà cung cấp lớn thứ ba thế giới sau Trung Quốc và Liên minh châu Âu, đã xuất khẩu 67 triệu liều tới gần 100 quốc gia cho đến khi làn sóng Covid-19 khốc liệt mới khiến nước này phải tạm dừng hầu hết việc giao hàng trong những tuần gần đây.
WHO đang cân nhắc dữ liệu về vaccine Trung Quốc trước khi ra quyết định cấp phép, dự kiến trong vài ngày hoặc vài tuần. Nếu cấp phép, vaccine Trung Quốc sẽ là cú huých cho chương trình Covax của WHO, vốn chủ yếu dựa vào vaccine sản xuất tại Viện Huyết thanh Ấn Độ trước khi bị kìm hãm xuất khẩu.
Covax đã vận chuyển hơn 50 triệu liều thuốc đến 121 quốc gia và vùng lãnh thổ, thấp hơn nhiều mục tiêu đề ra và chỉ bằng 1/5 so với kết quả của Mỹ. Họ đã đạt được thỏa thuận mới với Moderna để tăng cường nguồn cung, nhưng chỉ một phần nhỏ trong số 500 triệu liều mà hãng cam kết sẽ được bàn giao trong năm nay.
Nếu WHO cấp phép vaccine Trung Quốc, điều đó có thể tạo ra sự khác biệt ngay lập tức vì một số chính phủ đang chờ đợi quyết định đó trước khi cho người dân tiêm phòng. Sri Lanka đã tiêm chưa đến 1% trong số 600.000 liều họ nhận từ Trung Quốc, họ mới chỉ tiêm cho lao động Trung Quốc ở nước mình.
Tuy nhiên, một số chuyên gia lo lắng về tác động tiềm ẩn đối với y tế công cộng vì vaccine Trung Quốc rẻ hơn so với vaccine Pfizer và Moderna. Nhiều người cũng không mặn mà với vaccine Trung Quốc do thiếu dữ liệu thử nghiệm và ưa chuộng phương Tây hơn.
"Việc WHO phê duyệt vaccine Trung Quốc trong trung hạn sẽ giúp củng cố quyền lực và ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực", Nicholas Thomas, phó giáo sư tại Đại học Thành phố Hong Kong, nhận xét.
"Tuy nhiên, mức hiệu quả thấp của vaccine Trung Quốc đồng nghĩa với việc vị trí này dễ lung lay nếu các nước phương Tây có thể tăng cường nguồn cung của họ".
Đó là tất lý do Trung Quốc nắm bắt thời điểm ngay khi có thể. Tuần trước, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tuyên bố Bắc Kinh sẽ cung cấp vaccine cho các quốc gia phụ thuộc vào nguồn cung từ Ấn Độ, trong cuộc gọi với các đối tác từ các quốc gia Nam Á.
Cùng ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa đã đạt thỏa thuận nhằm tăng cường hợp tác quân sự với Bangladesh. Nước này phê duyệt sử dụng khẩn cấp vaccine Sinopharm sau khi Ấn Độ không bàn giao được 15 triệu liều mà họ đã được thanh toán từ Viện Huyết thanh.
Tháng trước, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố sẽ phản đối "chủ nghĩa dân tộc vaccine" trong cuộc điện đàm với Tổng thống Indonesia Joko Widodo. Indonesia đã bật đèn xanh cho vaccine Sinopharm ngay sau đó. Indonesia cũng đã đặt thêm 15 triệu liều của Sinovac.
Pandu Riono, nhà dịch tễ học tại Đại học Indonesia, nói: "Rõ ràng lệnh cấm xuất khẩu của Ấn Độ đã khiến Indonesia ngày càng phụ thuộc vào nguồn cung vaccine từ Trung Quốc".
Các quốc gia khác đã tỏ ra thân thiện với Trung Quốc hơn về mặt địa chính trị. Việc Ấn Độ chậm chễ giao hàng đã khiến Philippines chưa nhận được đơn hàng vaccine lớn nhất, vào thời điểm nước này đang căng thẳng với Trung Quốc về vấn đề Biển Đông. Tổng thống Rodrigo Duterte đã quở trách nhà ngoại giao hàng đầu trong tuần này vì một dòng tweet có nội dung thẳng thắn chỉ trích Bắc Kinh, khi chính phủ của ông đàm phán với Sinovac để nhận hàng tháng 4 triệu mũi.
"Trung Quốc vẫn là ân nhân của chúng tôi", Duterte nói. "Việc chúng tôi có căng thẳng với Trung Quốc hay không có nghĩa là chúng tôi phải thô lỗ và thiếu tôn trọng".
Một số quốc gia phụ thuộc vào vaccine của Trung Quốc như Chile đã thực hiện chiến dịch tiêm chủng tương đối nhanh chóng. Tuy nhiên, nhiều người vẫn lo ngại về mức hiệu quả: Một nghiên cứu của chính phủ Chile vào tháng 4 cho thấy vaccine của Sinovac có hiệu quả ngăn ngừa ca nhiễm có triệu chứng 67% và ngăn ngừa trường hợp tử vong 80%. Trong khi đó, ở Israel, vaccine Pfizer có mức hiệu quả ngăn ngừa ca nhiễm có triệu chứng 92% và ngăn ngừa trường hợp tử vong 99%, mặc dù vaccine này khó vận chuyển hơn và phải được bảo quản ở nhiệt độ cực thấp.
Một quan chức Bộ Ngoại giao Ấn Độ giấu tên cho biết nước này tự tin có thể tăng cường nguồn cung trở lại trong vài tháng nữa, khi đợt bùng phát hiện tại được kiềm chế. New Delhi thấy Trung Quốc đang cố gắng khai thác cuộc khủng hoảng Ấn Độ nhưng tự tin rằng các nước khác hiểu tình trạng khó khăn của họ, quan chức này nói thêm.
"Các lô hàng đang được tái sử dụng cho các mục đích nội địa theo nhu cầu", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ Arindam Bagchi cho biết". "Chúng tôi đã tuyên bố từ trước rằng nguồn cung cấp cho nước ngoài sẽ được điều chỉnh tùy vào nhu cầu trong nước".
Trong khi đó, từ Pakistan đến Brazil và châu Phi, nhiều dân thường tỏ ra thiếu tin tưởng vào vaccine Trung Quốc. Ở một số khu vực của châu Phi, nơi đang sử dụng các mũi tiêm từ Mỹ, Ấn Độ, Nga và Trung Quốc, nhiều người cũng hoài nghi.
"Tôi không muốn tham gia một thử nghiệm mà tôi không biết két quả", Passmore Mwanza, công nhân 29 tuổi ở Zimbabwe, nói.
Phương Vũ (Theo Bloomberg)
Con đường ngoại giao vaccine Covid-19 Trung Quốc rộng mở |
Người thứ 4 ở Hong Kong chết sau khi tiêm vaccine Covid-19 Trung Quốc |
Quốc gia EU đầu tiên phê duyệt vaccine Covid-19 Trung Quốc |