Cứ va chạm giao thông là đánh người không phải sự việc hiếm, theo chuyên gia, chính sự thờ ơ, im lặng của những người xung quanh khiến kẻ côn đồ được nước lấn tới.
Cứ va chạm giao thông là lao vào đánh người
Có thể nói, cách cư xử vô văn hóa, côn đồ hung hãn khi xảy ra va chạm giao thông vẫn diễn ra hàng ngày. Cách hành xử xấu xí này không chỉ biểu hiện sự xuống cấp đạo đức, lối sống mà còn bộc lộ sự coi thường pháp luật của nhiều người.
Nam thanh niên đánh, đạp liên tiếp vào mặt nữ sinh sau va chạm giao thông ở Bình Dương. (Ảnh cắt từ clip) |
Mới đây nhất, ngày 7/12, tại đường Bùi Ngọc Thu (thuộc phường Tương Bình Hiệp, TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương) xảy ra va chạm giao thông giữa 2 xe máy và 2 nữ sinh xe đạp điện. Khi 2 nữ sinh chưa kịp đứng dậy thì người đàn ông điều khiển xe máy lập tức chạy tới đạp liên tiếp vào mặt, bụng và người một nữ sinh. Sự việc đang được Công an TP Thủ Dầu Một xác minh, làm rõ.
Hay tháng trước, N.Q.H., 29 tuổi, quê Hà Tĩnh bị Công an Quận 9, TP.HCM xử lý về hành vi đánh người sau va chạm giao thông.
Cụ thể, đêm 5/11, sau khi xảy ra va chạm giao thông với đôi nam nữ đi xe máy trên đường Lê Văn Việt, Q.H.- lái xe GrabCar đuổi theo và chặn đầu xe, tát thẳng tay cô gái và dùng dây nịt hành hung đôi nam nữ vì cho rằng thanh niên đi xe máy đã chỉ tay thách thức. Thậm chí, tài xế Grab đã bắt nam thanh niên phải quỳ xin lỗi.
Dù nguyên nhân dẫn đến vụ va chạm giao thông thế nào, cách hành xử của đôi nam nữ có thể chưa đúng mực, thì hành vi hành hung người khác của tài xế GrabCar vẫn không thể chấp nhận được.
Tại Hà Nội, ngày 24/9, trước số nhà 181 Trường Chinh, phường Khương Mai, quận Thanh Xuân, xảy ra va chạm giao thông giữa xe máy của chị N. (trú tại quận Đống Đa) và xe máy của Nguyễn Mỹ Anh cùng bạn, sau đó hai bên to tiếng với nhau. Sau đó, thanh niên này gọi thêm hai thanh niên khác đến để hành hung và đập phá xe máy của người dân can ngăn.
Ngay khi nhận được thông tin, Công an quận Thanh Xuân đã khẩn trương xác minh và triệu tập các đối tượng để làm rõ vụ việc. Hiện công an tạm giữ hình sự đối tượng Nguyễn Mỹ Anh (SN 2003, trú tại Khương Đình, Thanh Xuân, Hà Nội) để điều tra hành vi gây rối trật tự công cộng.
Trên đây chỉ là ba trong nhiều vụ nhưng cũng đủ để minh chứng cho thói xấu cứ xảy ra va chạm giao thông là chửi bới, xô xát đánh nhau, thậm chí là giết người mà không cần tìm hiểu nguyên nhân đúng sai.
Cần phải xử lý nghiêm
Liên quan tới hành vi côn đồ trên, trả lời VTC News, PGS.TS Trịnh Hoà Bình, Chuyên gia Xã hội học cho biết, nhìn chung, nguyên nhân của những hành động trên là do chúng ta đang sống trong thời kỳ đầy rẫy các thách thức. Con người bị dồn nén dưới rất nhiều áp lực cuộc sống, áp lực giao thông, việc làm,... dẫn đến dễ kích động. Các giá trị nhân văn đang bị coi nhẹ, con người ngày càng ích kỷ, coi trọng bản thân hơn và coi thường pháp luật.
Bên cạnh đó, nhiều người mất niềm tin vào lực lượng chức năng do thường xuyên bị gây khó dễ hoặc không được xử lý, đền bù thỏa đáng khi va chạm giao thông dẫn đến khi xảy ra va chạm họ chọn cách tự mình giải quyết.
"Cơ quan chức năng phải xử lý nghiêm những kẻ cứ xảy ra va chạm giao thông là chửi bới, hành hung côn đồ, coi thường pháp luật, coi thường tính mạng của người khác thì mới răn đe, mới dẹp bỏ được. Đồng thời cũng phải xử lý khéo để có niềm tin với nhân dân", PGS.TS Trịnh Hoà Bình nói.
PGS.TS Trịnh Hòa Bình cũng cho rằng, trước không ít vụ va chạm giao thông, dù biết rõ nhưng nhiều người im lặng, chính sự thờ ơ này khiến kẻ côn đồ được nước lấn tới, dẫn đến nhiều hậu quả đáng tiếc. Nếu tất cả lên tiếng với cái sai, với hành vi xấu xí, thói hành xử côn đồ sẽ được ngăn chặn, đẩy lùi.