Ưu tiên tính mạng

Năm đó, trận lũ quét lịch sử, bố tôi cõng mẹ già liệt nửa người lên gác xép để chờ nước rút.

Trận lũ quét năm 2013, Hà Tĩnh là một trong những rốn lũ. Nước từ đâu ập đến, lên với tốc độ có thể "đo" bằng mắt thường. Quê nội tôi ở xã Sơn Giang, huyện Hương Sơn, làng quê nghèo nằm ngay mép sông. Hễ mưa một đêm, ngày mai nước đã mấp mé hiên nhà. Năm đó, bà nội tôi còn sống nhưng bị tai biến nằm một chỗ. Buổi tối, thấy nước lên, bố từ nhà tôi sang nhà bà nội để đưa bà ra khỏi nhà. Tới nơi, nước lên nhanh quá, không kịp chạy, bố tôi gần 60 tuổi cõng mẹ già ngoài 85 lên gác xép nằm chờ.

Đêm hôm đó, tôi ở Hà Nội, ruột gan rối bời. Không dám gọi cho bố để tiết kiệm số phần trăm pin điện thoại ít ỏi còn lại trong máy bố, tôi chỉ dám nhắn tin bàn với bố phương án. Nếu đêm nay nước không rút, bố sẽ tháo ngói để đưa bà nội ra ngoài, sau đó bám vào song cửa của nhà hàng xóm bên cạnh rồi chờ người đến cứu. Đêm đó, bố tôi vớt được một quả chuối xanh trôi trên dòng nước lũ, hai mẹ con chia nhau ăn cho qua cơn đói.

Là tâm điểm của trận lũ quét năm ấy, nhiều người dân quê tôi đã mất hết nhà cửa, tài sản. Những nơi dòng nước dữ đi qua, đồng ruộng hoang tàn, ngổn ngang, chẳng thể nhận ra đâu là cỏ rác, đâu là hoa màu còn sót lại. Cơ nghiệp của những nông dân chỉ còn lại những đống bùi nhùi nhú lên từ mớ bùn đen. Toàn huyện có 200 hộ bị lũ cuốn sạch tài sản, sáu người bị lũ cuốn trôi. Mưa lũ còn cuốn mất hàng chục nghìn con gia súc, gia cầm và hàng trăm hecta nuôi trồng thủy sản.

Bão lũ, buồn thay, chẳng bao giờ lỡ hẹn với miền Trung. Mới vào đầu mùa bão, đã gần hai chục người thiệt mạng, hàng chục người khác mất tích, gần 50 ngàn người phải sơ tán. Nhiều khu dân cư ở Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi bị nước lũ cô lập. Rồi cứ thế, lại những chuyện rất đau lòng. Đôi vợ chồng ở thị xã Điện Bàn, Quảng Nam đi dự đám cưới về qua dòng nước chảy xiết bị cuốn trôi bỏ lại đứa con thơ một tuổi ngóng trông dáng mẹ. Và sáng hôm qua, một sản phụ trên đường đi sinh bị nước cuốn trôi.

Mỗi mùa lũ là một lần lòng người miền Trung đổ vỡ. Mọi người lại nhìn nhau, nuốt nước mắt làm lại từ đầu. Biết bao giải pháp phòng chống lũ được liệt kê hàng năm, trồng và bảo vệ rừng phòng hộ đầu nguồn, xây dựng hồ điều tiết lũ, xây dựng đê, tường chắn lũ quét, xây dựng bổ sung các tràn sự cố ở các hồ chứa nước, mở rộng khẩu độ thoát lũ của hệ thống cầu cống đường giao thông. Các phương án sơ tán người dân khỏi vùng lũ, xây nhà phao chống lũ... rất nhiều, nhưng chúng ta thật sự vẫn chưa tìm ra biện pháp tối ưu để giảm thiểu thiệt hại trước lũ. Tạm gác chuyện xây dựng cơ sở hạ tầng, kiến trúc thượng tầng, các chiến lược vĩ mô, người miền Trung quê tôi chẳng còn cách nào là chuẩn bị tâm lý ăn sớm lo chiều, ăn bữa ni lo bữa mai. Hễ mưa một chặp là mẹ lại chuẩn bị mớ cá khô, nắm lạc rang, con cá mắm ướp muối mặn, quả cà pháo để dự trữ chút lương thực trong nhà, phòng khi bão lũ cuốn về.

Nhưng điều quan trọng nhất trong những ngày thiên tai khó lường nhất, để mất mát về người không lặp lại và tăng lên mỗi năm, chính quyền cần khuyến cáo người dân: đừng cố đi đâu, làm gì, đừng cố giữ tài sản mà chỉ cần bảo vệ mạng người.

Có lẽ giải pháp tối ưu nhất cho người dân miền Trung ngay bây giờ đây, trước bão lũ ưu tiên bảo vệ tài sản, còn trong bão lũ ưu tiên bảo vệ tính mạng con người. Với kinh nghiệm theo dõi thiên tai nhiều năm, các chuyên gia còn nhấn mạnh các nguyên tắc: tuyệt đối không cố cứu tài sản ngoài nhà khi nước lũ đang dâng; tích trữ lương thực và nước uống cho ít nhất năm ngày; sạc pin đầy cho điện thoại, thiết bị tích điện dự phòng; lưu số điện thoại của hàng xóm và mọi người, cơ quan có thể ứng cứu gần đó; tuyệt đối không rời khỏi nơi cư trú nếu nước đang lên; nếu phải di chuyển hãy đến nhà cao tầng gần nhất. Nước lũ, trong hầu hết các tình huống, sẽ dâng lên rất nhanh.

Chúng ta lại phải nhắc nhau những điều đã biết. Chính quyền địa phương đừng quên sơ tán sớm và khẩn cấp các gia đình ở vùng thấp lụt, tận dụng kênh thông báo qua nhà mạng ở địa phương để nhắn tin trực tiếp đến điện thoại của dân chúng. Các đập thủy điện và hồ chứa phải dừng xả lũ nếu nước về hồ chưa quá nguy cấp.

Nhưng mọi cách phòng ngừa thiên tai luôn có giới hạn, anh Huy chia sẻ với chúng tôi, khi sức mạnh của thiên nhiên vượt ngưỡng, việc quan trọng nhất mà chúng ta không bao giờ được quên đó là phải giữ tính mạng cho mình và người thân. Bởi còn người thì còn của.

Dương Quỳnh Trang

Không để bị động trong mọi tình huống do ảnh hưởng của mưa lớn cực đoan Không để bị động trong mọi tình huống do ảnh hưởng của mưa lớn cực đoan
Có thể xuất hiện thêm áp thấp nhiệt đới, nguy cơ gây lũ lụt lịch sử Có thể xuất hiện thêm áp thấp nhiệt đới, nguy cơ gây lũ lụt lịch sử
Lũ quét gây ngập sâu 1-2m ở ngôi làng vùng cao Quảng Nam Lũ quét gây ngập sâu 1-2m ở ngôi làng vùng cao Quảng Nam
Bắc Bộ mưa rất to, nguy cơ lũ quét và sạt lở đất nhiều nơi Bắc Bộ mưa rất to, nguy cơ lũ quét và sạt lở đất nhiều nơi
/ vnexpress.net