Ứng phó thời tiết cực đoan trên toàn cầu

Trong khi Hàn Quốc và một số nước châu Á vất vả ứng phó với những đợt mưa lũ khiến hàng chục người chết; thì hàng loạt quốc gia khác ở châu Âu và châu Mỹ cảnh báo tình trạng nắng nóng như thiêu đốt tiếp tục kéo dài, gây ra nhiều hệ lụy về cho sức khỏe con người và có thể gây cháy rừng diện rộng.

Trở về Seoul ngay sau chuyến công du Ukraine, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol ngày 17/7 đã triệu tập một cuộc họp khẩn với các thành viên nội các về ứng phó thảm họa và yêu cầu các cơ quan liên quan “huy động mọi nguồn lực sẵn có” để hỗ trợ người dân, trong bối cảnh quốc gia Đông Bắc Á ghi nhận những trận mưa lớn kéo dài gây lũ lụt và lở đất nghiêm trọng, Yonhap đưa tin.

Ứng phó thời tiết cực đoan trên toàn cầu -0
Mưa lớn gây ngập lụt nghiêm trọng tại nhiều khu vực của Hàn Quốc. Ảnh: WSJ.

Tính đến ngày 17/7, ít nhất 40 người đã thiệt mạng vì đợt mưa lũ mới nhất ở Hàn Quốc, bao gồm 13 nạn nhân mắc kẹt trên những chiếc xe bên trong một đường hầm bị nước sông tràn vào ở TP Cheongju, tỉnh Bắc Chungcheong. Bên cạnh đó, 9 người hiện đang mất tích, 34 người bị thương và hàng ngàn người buộc phải rời bỏ nhà cửa, tài sản để sơ tán tới các khu vực an toàn.

Vẫn tại cuộc họp nội các, Tổng thống Yoon hối thúc nhà chức trách Hàn Quốc cần tuân thủ các nguyên tắc cơ bản về ứng phó thảm họa. “Những hiện tượng thời tiết cực đoan sẽ trở nên phổ biến hơn. Cần xóa bỏ quan điểm cố hữu rằng những hiện tượng thời tiết cực đoan liên quan đến biến đổi khí hậu là tình huống bất thường”, ông Yoon nhấn mạnh.

Hàn Quốc thường ghi nhận các đợt mưa lũ trong mùa hè, nhưng hiếm khi ghi nhận thiệt hại nặng nề về sinh mạng trong thời gian ngắn như năm nay. Giới chức Hàn Quốc lo ngại số người thiệt mạng và bị thương trong đợt thiên tai lần này sẽ tiếp tục tăng vào những ngày tới do mưa lớn được dự báo trút xuống các khu vực miền Trung và miền Nam nước này một vài ngày tới.

Cũng tại châu Á, Trung Quốc ngày 17/7 phát cảnh báo cam khi bão Talim trên đường đổ bộ vào các tỉnh Quảng Đông và đảo Hải Nam. Bão Talim được dự báo có thể tiếp tục mạnh lên, kéo theo nguy cơ gây thiệt hại về người và của. Tuần trước, giới chức tỉnh Tứ Xuyên của Trung Quốc quyết định sơ tán 40.000 dân do nguy cơ từ lũ lụt sau các đợt mưa lớn; còn nhà chức trách TP Trịnh Châu, thủ phủ tỉnh Hà Nam, đã ban bố cảnh báo đỏ, mức cao nhất trong hệ thống cảnh báo 4 cấp của Trung Quốc sau khi một số khu vực chứng kiến mưa lớn kéo dài gây ngập lụt.

Tại Nhật Bản, một đợt lũ lụt được ghi nhận trên đảo Kyushu, khiến ít nhất 8 người thiệt mạng, một số người khác mất tích. “Những cơn mưa trút xuống với lượng chưa từng thấy”, cơ quan khí tượng Nhật Bản nêu. Ở miền Bắc Ấn Độ, nhà chức trách ngày 16/7 xác nhận gần 100 người thiệt mạng trong hai tuần vừa qua do sạt lở đất, lũ quét và sập nhà. Trong khi đó, thủ đô Manila của Philippines chứng kiến mưa lũ gây ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.

Theo các nhà khoa học, có nhiều nguyên nhân góp phần gây lũ lụt, nhưng tình trạng biến đổi khí hậu được thừa nhận rộng rãi là lí do chính khiến các hình thái thời tiết trên toàn cầu nói chung trở nên cực đoan hơn và thường xuyên hơn. Tuần trước, Tổ chức Khí tượng Thế giới cảnh báo hiện tượng El Nino (một kiểu khí hậu tự nhiên, trong đó nhiệt độ bề mặt nước biển ở vùng nhiệt đới trung tâm và phía Đông Thái Bình Dương ấm hơn mức trung bình) đang diễn biến phức tạp, có tác động sâu rộng đến nền nhiệt và lượng mưa trên khắp thế giới.

 Trong khi mưa lũ tấn công một phần châu Á, thời tiết cực đoan cũng đặt ra nhiều thách thức với các nước châu Âu. Tây Ban Nha, Italy và Hy Lạp ghi nhận nắng nóng với mức nhiệt có thể đạt ngưỡng 48 độ C. Tại Italy, 15 thành phố, trong số đó có các điểm đến du lịch Rome và Florence, đã được Bộ Y tế nước này đưa ra “báo động đỏ”, với lời khuyên tránh tiếp xúc với ánh nắng mặt trời và nhiệt độ cao trong khoảng thời gian từ 11h sáng đến 6h chiều.

Nhà chức trách cảnh báo, nắng nóng không chỉ gây hại với các nhóm rủi ro cao mà còn đối với những người khỏe mạnh. Ở một số nước khác, cảnh báo mưa lớn và giông bão đã được ban bố. Văn phòng khí tượng của Anh cho biết, họ dự kiến sẽ có một “ngày gió trái mùa”, trong khi cơ quan tương tự của Pháp đưa ra cảnh báo về giông bão, mưa lớn và thậm chí lũ lụt cho 10 khu vực ở Massif Central và phía Đông Bắc.

Dịch vụ theo dõi khí quyển Copernicus của Liên minh châu Âu (EU) hồi đầu tháng thông báo tháng 6 vừa qua là tháng 6 nóng nhất từng được ghi nhận trong lịch sử. AFP dẫn lời một nhà khoa học của cơ quan cho biết nhiệt độ toàn cầu trong tháng 6 cao hơn 0,53 độ C so với mức trung bình 16,51 độ C từ năm 1991 - 2020.

Bên kia Đại Tây Dương, Cơ quan Thời tiết Quốc gia Mỹ lo ngại một đợt nắng nóng “lan rộng và ngột ngạt” sẽ ảnh hưởng đến 80 triệu người ở miền Nam và miền Tây đất nước. Tại khu vực Thung lũng Chết ở California, mức nhiệt độ ghi nhận tuần vừa rồi lên đến 52 độ C; trong khi khu vực phía Nam bang này bị thiêu đốt bởi những vụ cháy rừng lớn, buộc nhà chức trách huy động hàng trăm lính cứu hỏa.

Trả lời báo giới trong cuộc phỏng vấn mới đây, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus dự đoán, “trong những tháng tới, chúng ta sẽ chứng kiến có một loạt các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt, bao gồm hạn hán, lũ lụt, bão và sóng nhiệt, tất cả đều gây hại cho sức khỏe con người”.

Theo lãnh đạo WHO, “khủng hoảng khí hậu” hiện là một trong số “yếu tố chính quyết định kết quả sức khỏe con người”. Ông kêu gọi không lãng quên các quốc gia khu vực Sừng châu Phi đang đối mặt đợt hạn hán tồi tệ nhất nhiều thập kỉ, làm trầm trọng thêm tình trạng mất an ninh lương thực của khoảng 60 triệu người sinh sống ở các nước Djibouti, Ethiopia, Kenya, Somalia, Nam Sudan, Sudan và Uganda.

https://cand.com.vn/binh-luan-quoc-te/ung-pho-thoi-tiet-cuc-doan-tren-toan-cau-i700697/

Thái Hà / cand.com.vn