- Vì sao Tổng thống Ukraine muốn thay tư lệnh quân đội?
- Ukraine tiếp nhận hệ thống phòng không có thể bắn hạ mọi mục tiêu
Sau Vương quốc Anh, Pháp và Đức được cho là sẽ ký các thỏa thuận an ninh với Ukraine trong những tuần tới.
Theo văn phòng Tổng thống Ukraine ngày 3/2, nước này chuẩn bị ký thỏa thuận an ninh Pháp trong những tuần tới. Trong khi đó, Phó Thủ tướng Olha Stefanishyna cũng cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Frankfurter Allgemeine Zeitung vào tháng 2 rằng thỏa thuận an ninh của Ukraine với Đức "gần như đã hoàn tất".
Nhóm G7 (gồm Anh, Mỹ, Đức, Nhật Bản, Pháp, Canada và Italia) và một số đối tác khác đã cam kết cung cấp bảo đảm an ninh cho Ukraine thông qua các hiệp ước song phương.
Vương quốc Anh là nước đầu tiên hoàn tất một thỏa thuận như vậy trong chuyến thăm của Thủ tướng Anh Rishi Sunak tới Kiev vào ngày 12/1. Thủ tướng Anh cũng xác nhận viện trợ thêm 2,5 tỷ bảng Anh (3,2 tỷ USD) cho Ukraine trong năm tài chính tiếp theo.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy khi đó cho biết đây là một “thỏa thuận an ninh chưa từng có”, và hiệp định sẽ có hiệu lực cho đến khi Ukraine gia nhập liên minh quân sự NATO.
Ông nói thêm rằng mục tiêu chung là đảm bảo rằng một cuộc tấn công vào Ukraine “sẽ không bao giờ xảy ra nữa” một khi cuộc chiến hiện tại kết thúc.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trước đó tuyên bố sẽ ký một thỏa thuận quân sự song phương với Ukraine trong chuyến thăm Kiev vào tháng 2.
Văn phòng Tổng thống Ukraine cho biết một vòng đàm phán khác đã được tổ chức "liên quan đến việc ký kết thỏa thuận song phương về cung cấp bảo đảm an ninh cho Ukraine" trong chuyến thăm của phái đoàn Pháp tới Kiev vào ngày 3/2.
Người đứng đầu Văn phòng Tổng thống Andriy Yermak cho biết: "Pháp thể hiện sự ủng hộ kiên định của mình đối với Ukraine và do đó đưa chiến thắng chung của chúng ta đến gần hơn, cũng như tăng cường an ninh ở châu Âu. Quan hệ đối tác chiến lược của chúng ta sẽ tiếp tục được tăng cường".
Theo Frankfurter Allgemeine Zeitung, các nguồn tin ở Berlin cho biết thỏa thuận giữa Ukraine và Đức "có thể được ký kết vào ngày 16/2 trong Hội nghị An ninh Munich".
Trong cuộc họp báo ngày 24/1, Thủ tướng Đức Olaf Scholz nói rằng ông kỳ vọng Kiev và Berlin sẽ sớm nhất trí về các đảm bảo an ninh.
Đức đã hỗ trợ Ukraine cung cấp vũ khí và thiết bị kể từ khi xung đột Nga-Ukraine bùng phát toàn diện trên chiến trường, cuối cùng trở thành nhà viện trợ quân sự lớn thứ hai sau Mỹ. Đầu tháng này, Berlin tuyên bố chuyển chuyến trực thăng quân sự đầu tiên sang Ukraine.