Ukraine bắn hơn 6.000 quả pháo mỗi ngày, NATO không kịp sản xuất

NATO thừa nhận kho đạn dược dự trữ của liên minh đang nhanh chóng cạn kiệt vì quân đội Ukraine khai hỏa đạn pháo viện trợ quá nhanh.

AP ngày 13/2 dẫn lời Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cảnh báo, việc Ukraine khai hỏa đạn pháo với tốc độ cao hơn tốc độ sản xuất của liên minh đã tạo ra áp lực lớn lên ngành công nghiệp quốc phòng phương Tây, trong bối cảnh cuộc xung đột Nga-Ukraine có dấu hiệu leo thang.

e7a5f4f8_43fb_4daf_a290_a9e03ab7-1676333249657
Binh sĩ Ukraine khai hỏa pháo trên chiến trường. Ảnh: GettyImages

"Cuộc chiến ở Ukraine đang tiêu tốn một lượng lớn đạn dược và làm cạn kiệt kho dự trữ của liên minh. Điều này gây căng thẳng cho ngành công nghiệp quốc phòng của chúng tôi", ông nói thêm, nhưng vẫn kêu gọi NATO đẩy mạnh sản xuất để tiêp tục hỗ trợ Kiev.

Theo ước tính của chuyên gia phương Tây, Ukraine đang bắn từ 6.000-7.000 quả đạn pháo mỗi ngày, bằng khoảng 1/3 lượng đạn pháo mà Nga sử dụng hàng ngày trên chiến trường và tương đương lượng đạn pháo một số quốc gia châu Âu đặt mua trong cả một năm.

Ông Stoltenberg nói thêm, do lượng đơn hàng lớn, thời gian chờ đợi với một nước NATO khi đặt hàng đạn pháo cỡ nòng lớn (thường dùng cho xe tăng, pháo) đã tăng từ 12 lên 28 tháng. "Các đơn đặt hàng hôm nay sẽ chỉ có thể được giao trong hai năm rưỡi nữa", ông mô tả.

Từ khi chiến sự Ukraine nổ ra, các nước thành viên NATO đã bàn giao cho Ukraine hàng chục tỷ USD vũ khí sát thương các loại, từ xe tăng, thiết giáp, pháo, UAV đến các hệ thống vũ khí cầm tay, công cụ hỗ trợ. Tuy nhiên, với tư cách một tổ chức, NATO chỉ cung cấp cho Kiev viện trợ phi sát thương.

Dự kiến, các nhà tài trợ phương Tây hôm nay (14/2) sẽ họp tại Brussels để thảo luận về các yêu cầu vũ khí mới của Kiev. Tổng thư ký NATO tiết lộ, các đồng minh đang thảo luận về việc gửi máy bay chiến đấu cho Ukraine. Ông Stoltenberg nhấn mạnh việc các nước NATO cung cấp máy bay chiến đấu cho Ukraine không có nghĩa NATO là một bên tham gia xung đột.

 
Thái Hà / CAND