Twitter dán nhãn dòng tweet của Trump nói rằng ông miễn dịch với nCoV sau khi các bác sĩ đồng ý để Tổng thống Mỹ trở lại các hoạt động công cộng.
Cụ thể, Tổng thống Donald Trump đã viết trên mạng xã hội Twitter: "Hôm qua, các bác sĩ Nhà Trắng đã phê chuẩn toàn bộ và đầy đủ. Như vậy đồng nghĩa tôi không thể nhiễm virus (miễn dịch) và không thể lây truyền nó. Rất tốt khi biết điều này!!!".
Cùng ngày, ông cũng khẳng định khả năng miễn dịch của mình trong một cuộc phỏng vấn với kênh Fox News. "Có vẻ như tôi đã miễn dịch, tôi không biết, có thể trong thời gian dài nhưng cũng có thể là một thời gian ngắn. Tôi cũng có thể đạt miễn dịch suốt đời, không ai thực sự biết, nhưng tôi đã miễn dịch", ông chủ Nhà Trắng nói.
Chưa có bằng chứng nào cho thấy một người có thể miễn dịch với nCoV sau khi nhiễm virus, theo Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC). CDC còn đặc biệt khuyến cáo người dân không nên tự cho rằng mình miễn dịch trước virus.
Nhãn cảnh báo của Twitter cho biết dòng tweet từ Tổng thống Trump "vi phạm các quy định về lan truyền thông tin gây hiểm nhầm và thông tin tiềm ẩn nguy cơ gây hại liên quan đến Covid-19".
"Chúng tôi đặt cảnh báo lợi ích công cộng lên dòng tweet của Tổng thống Trump vì nó vi phạm Chính sách Thông tin Gây hiểu lầm về Covid-19", một phát ngôn viên Twitter cho hay. "Theo tiêu chuẩn của cảnh báo lợi ích công cộng này, các tương tác với dòng tweet sẽ bị hạn chế đáng kể".
Đây không phải lần đầu tiên Tổng thống Trump bị Twitter dán nhãn cảnh báo. Tháng 5/2020, Twitter lần đầu tiên dán nhãn cảnh báo và cung cấp đường link dẫn tới nguồn thông tin khác trên một loạt dòng tweet của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Quyết định của Twitter dán nhãn cảnh báo cho các dòng tweet của Tổng thống Trump về kế hoạch bầu cử ở bang California là kết quả của một chính sách mới được công bố vào ngày 11/5.
Nó được áp dụng vì các dòng tweet do ông Trump đăng tải đã vi phạm chính sách của Twitter, trong đó cấm người dùng “thao túng hoặc can thiệp vào các cuộc bầu cử hoặc các quy trình dân sự khác”, như đăng thông tin sai lệch có thể khiến mọi người từ chối đi bỏ phiếu, một phát ngôn viên của công ty xác nhận.
Trước đó, các dòng tweet do Tổng thống Trump đăng lên chứa nhiều thông tin sai lệch về kế hoạch bỏ phiếu qua thư của bang California vào tháng 11 do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19. Những dòng tweet này giờ đây xuất hiện biểu tượng dấu chấm than màu xanh nhạt cùng với thông điệp “Nhận thông tin về việc bỏ phiếu qua thư tại đây”. Nhãn dán cảnh báo có thể không hiển thị khi các dòng tweet được nhúng vào một trang web khác.
Tháng 6/2020, Twitter dán nhãn "truyền thông tác động" với video có tựa đề "em bé hoảng sợ bỏ trốn khỏi đứa trẻ phân biệt chủng tộc" trên tài khoản của Trump.
Video gốc được lan truyền trên mạng xã hội vào năm 2019, cho thấy hai em bé da màu và da trắng đang chạy tới và ôm chầm lấy nhau. Video được đăng trên CNN năm ngoái với tiêu đề gốc "Hai em nhỏ đang cho chúng ta thấy những người bạn tốt nhất ngoài đời thực trông như thế nào".
Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 18/6 chia sẻ trên Twitter video được cắt ghép, đưa đoạn em bé da trắng đuổi theo em bé da màu lên trên. Dòng chữ tiêu điểm chạy trên video cũng được sửa thành "Em bé hoảng sợ bỏ trốn khỏi đứa trẻ phân biệt chủng tộc. Đứa bé phân biệt chủng tộc có lẽ là cử tri của Trump".
Video với hơn 7,7 triệu lượt xem và 125.000 lượt chia sẻ sau đó tiếp tục hiển thị nội dung trong video gốc và kết luận: "Nước Mỹ không phải vấn đề. Tin giả mới là vấn đề".
Bên dưới video đăng trên tài khoản của Trump, Twitter gắn một nhãn dán có dấu chấm than màu xanh, kèm dòng chữ "Phương tiện truyền thông tác động". Khi bấm vào dòng chữ này, người dùng sẽ được chuyển tới trang do Twitter quản lý, cung cấp các thông tin từ nhiều nhà báo, khẳng định video Trump chia sẻ đã bị chỉnh sửa.
Trong phần giải thích các chính sách của mình, Twitter cho biết họ có thể dán nhãn "truyền thông tác động" dưới các bài đăng để giúp mọi người hiểu tính xác thực của chúng cũng như cung cấp "bối cảnh bổ sung".
Ông chủ Nhà Trắng trước đó cũng ký sắc lệnh mạng xã hội, nhằm tước quyền miễn trừ pháp lý của các công ty mạng xã hội theo Điều 230 Đạo luật Truyền thông Đứng đắn. Sắc lệnh này có thể khiến các mạng xã hội phải chịu trách nhiệm về nội dung do người dùng đăng lên, khiến họ có thể dễ dàng bị kiện hơn.
PV (th)