- Đội hình dự kiến tuyển Việt Nam vs Nga: Quế Ngọc Hải trở lại
- Khan hiếm nguồn cầu thủ nhập tịch cho tuyển Việt Nam: Vì đâu nên nỗi?
Khi đội tuyển Việt Nam gặp bế tắc trong khâu tấn công, Nguyễn Công Phượng lại được nhắc đến.
Tối 5/9, đội tuyển Việt Nam bước vào trận đấu đầu tiên gặp đội tuyển Nga tại giải giao hữu LPBank Cup 2024. Không có bất ngờ nào xảy ra khi thầy trò HLV Kim Sang-sik nhận thất bại với tỉ số 0-3.
Dù đối thủ rất mạnh nhưng màn trình diễn của đội tuyển Việt Nam vẫn chưa đủ tốt. Các vấn đề về chuyên môn dần xuất hiện và đặt ra nhiều thử thách cho nhà cầm quân người Hàn Quốc.
Cần mẫu tiền đạo như Công Phượng
Khi đội tuyển Việt Nam loay hoay tấn công và thiếu các phương án mang tính đột biến cao, người hâm mộ và nhiều nhà chuyên môn nhớ đến Nguyễn Công Phượng. Khi còn ở đỉnh cao phong độ, Công Phượng thường bị chê vì quá ham rê dắt bóng. Nhưng vắng đi những tình huống đột phá của tiền đạo này, hàng công đội tuyển Việt Nam chỉ có thể chuyền qua lại trước khi mất bóng.
Nguyễn Công Phượng vắng mặt ở đội tuyển Việt Nam.
Trên lý thuyết, HLV Kim Sang-sik có trong tay nhiều tiền đạo như Nguyễn Tiến Linh, Đinh Thanh Bình, Phạm Tuấn Hải, Bùi Vĩ Hào hay thậm chí là Phan Văn Đức, Nguyễn Văn Trường. Trong hiệp 1, Thanh Bình và Văn Trường được ưu tiên đá chính. Tuy nhiên, nhiều thời điểm chính Nguyễn Hoàng Đức mới chơi nhô cao như một tiền đạo mục tiêu còn Thanh Bình đá xa khung thành, Văn Trường lui về tuyến tiền vệ.
Điều chỉnh của ôn Kim đến từ giữa hiệp 1. Nhà cầm quân người Hàn Quốc chẳng còn lựa chọn nào khác khi đội tuyển Việt Nam không có ai giữ được bóng phía trên. Mọi đợt phản công đều đi vào ngõ cụt khi Đinh Thanh Bình mất hút trước các hậu vệ của đội tuyển Nga. Ngoài di chuyển rộng và hỗ trợ phòng ngự, không ai thấy Thanh Bình mang đến sự nguy hiểm nào.
Hoàng Đức có thể che chắn bóng trước một hoặc hai cầu thủ đội tuyển Nga. Nhưng chính cầu thủ sinh năm 1998 từng mâu thuẫn với ông Troussier về việc anh phải đá tiền đạo. Hoàng Đức không có sức mạnh và tốc độ của một trung phong điển hình. Tính bất ngờ trong các pha đột phá trực diện là điều mà Nguyễn Hoàng Đức không thể mang đến cho đội tuyển Việt Nam.
Bước sang hiệp 2, Tuấn Hải, Tiến Linh hay Vĩ Hào lần lượt vào sân. Trong số này, Vĩ Hào làm tốt nhất trong nhiệm vụ quấy phá hàng thủ đối phương. Nhưng cũng cần nhìn nhận thực tế rằng đó đã là những phút cuối trận và đối thủ thắng 3-0. Vĩ Hào có một vài pha bóng tốt, nhưng thường ở ngoài biên.
Công Phượng phải tìm lại chính mình
Có một thực tế rằng, tất cả nhớ đến Công Phượng ở thời kì đỉnh cao chứ không phải một Công Phượng đang "mất tích" tại Nhật Bản. Sáng 4/9, Nguyễn Công Phượng đăng tấm ảnh hiếm hoi trên trang cá nhân kèm dòng trạng thái nhắc tên đội bóng chủ quản Yokohama FC. Chàng trai quê Nghệ An tập trung vào công việc ở Nhật Bản và rời xa vòng quay của đội tuyển quốc gia.
Công Phượng lặng lẽ trong màu áo Yokohama FC.
Chẳng ai mong muốn điều này với một ngôi sao mới bước qua tuổi 29. Dĩ nhiên HLV Kim Sang-sik biết Công Phượng là ai. Thế nhưng, muốn triệu tập một cầu thủ, bất kì nhà cầm quân nào cũng cần biết về phong độ, thể trạng của học trò. Cộng sự của ông Kim "bất lực" trong việc ghi nhận dữ liệu về Công Phượng. Lý do đơn giản là anh không được thi đấu.
Mùa giải 2023, Công Phượng có chưa đầy 1 phút thi đấu tại J.League Cup và hoàn toàn mất tích tại J.League cũng như cúp Thiên Hoàng. Yokohama FC xuống hạng nhưng tình hình chẳng khá hơn là bao với tuyển thủ Việt Nam.
Anh mới đá tổng cộng 84 phút sau 2 trận đấu và vẫn ở đấu trường J.League Cup. Thật khó để HLV Kim Sang-sik ưu tiên cho Công Phượng nếu anh cứ ở tình trạng như vậy. Anh đá ở đội tuyển đến 90 phút trong 2 trận.
Chắc chắn Nguyễn Công Phượng chưa bị bỏ rơi ở đội tuyển Việt Nam. Thế nhưng, anh phải tìm lại hình ảnh của bản thân mình. Ít nhất, Công Phượng cần được thi đấu. Hợp đồng của cầu thủ này đến năm 2026 mới hết hạn. Liệu, đã đến lúc Công Phượng nghĩ nhiều hơn về bóng đá và trở lại Việt Nam?
https://vtcnews.vn/tuyen-viet-nam-nho-cong-phuong-thoi-dinh-cao-ar894008.html