Một hiện tượng bi hài trước mùa tuyển sinh đại học năm nay, là những ngành kế toán, tài chính ngân hàng, công nghệ thông tin… lại tuyển thí sinh khối có môn Văn, ngành xã hội lại “chào đón” dân khối có môn khoa học tự nhiên.
Thí sinh dự thi THPT quốc gia 2017. Ảnh: Huyên Nguyễn
Theo kế hoạch tuyển sinh 2018 của nhiều trường ĐH đã công bố, có những phương thức tuyển sinh "lạ", tổ hợp môn xét tuyển mới gây ngạc nhiên. Đó là những hiện tượng “tréo ngoe”, nghịch lý như ngành “Công nghệ kỹ thuật ôtô”, “Công nghệ chế tạo máy”, “Công nghệ kỹ thuật xây dựng”, “Công nghệ thông tin”, “Kế toán”, “Tài chính ngân hàng”… đều xét tuyển theo tổ hợp các môn thuộc khối Văn - Sử - Địa.
Trường ĐH Bình Dương (TP.Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương) thay vì tuyển sinh ngành Văn học bằng các tổ hợp khối C như thường thấy, trường này lại xét tuyển bằng cả tổ hợp Toán, Lý, Hóa.
Xuất hiện những tổ hợp khá lạ lùng như “Văn, Lý, Địa”, “Văn, Hóa, GDCD”, “Toán, Sử, Địa”… Không hiểu các trường ĐH khi “sáng tạo” ra các tổ hợp này, dựa trên tiêu chí, yêu cầu nào.
Việc công bố những phương thức tuyển sinh nói trên, làm dư luận, đặc biệt là các thí sinh, hết sức hoang mang.
Đã hàng chục năm qua, việc xác định các khối thi đã định hình, được các trường đại học, thí sinh chấp nhận, và cho thấy phù hợp với thực tiễn. Đó là các khối A (Toán, Lý Hóa), B (Toán, Hóa, Sinh), C (Văn, Sử, Địa), D (Toán, Văn, Ngoại ngữ)…, và các khối khác dành cho các khoa, trường chuyên biệt, năng khiếu.
Cách thức tuyển sinh nói trên, dù chưa hoàn hảo, nhưng cơ bản phù hợp với sở trường, năng khiếu, cũng như thiên hướng, đam mê của học sinh. Học sinh học theo khối, tuyển sinh theo khối đã có những kiến thức và kỹ năng nền tảng khá, thuận lợi trong đào tạo nâng cao, chuyên sâu.
Còn nếu làm ngược lại, thì sẽ lập tức rơi vào “thảm họa”.
Những thí sinh học khối C nếu trúng tuyển vào các ngành như khoa học kỹ thuật, khoa học tự nhiên, tài chính ngân hàng… hay những học sinh chuyên về khối A đi vào ngành khoa học xã hội…sẽ có những khả năng: Bị “bật bãi” ngay từ thời gian đầu vì không thể theo học, không thích, không phù hợp; hoặc sẽ tìm cách “chạy chọt” để trụ lại cho đến khi lấy được bằng.
Dù theo chiều hướng nào thì chất lượng đào tạo cũng sẽ chạm đáy, rơi vào “thảm họa” và những cử nhân sản phẩm của lối tuyển sinh “ngược đời” như trên sẽ bị thị trường lao động đào thải.
Vì sao lại có những “sáng tạo thụt lùi” kiểu như trên, câu trả lời cũng khá dễ dàng: Đó là những trường có chất lượng đào tạo thấp, đứng trước nguy cơ giải thể đã tìm cách “vơ bèo vạt tép” để tuyển sinh.
Những trường như vậy, nên giải thể sớm, vì càng tồn tại, càng gây tốn kém, lãng phí cho xã hội.
Bộ Giáo dục Đào tạo lên tiếng về tổ hợp tuyển sinh “lạ”
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng – Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục Đào tạo (GDĐT) - cho biết, nếu trường xác ... |
Xuất hiện nhiều tổ hợp lạ để \'quét\' thị phần tuyển sinh?
Trước thông tin một số đại học chọn tổ hợp xét tuyển ngược với ngành đào tạo, nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng các ... |
Tuyển sinh đầu cấp: Các trường muốn tổ chức khảo sát
Nhiều trường có số lượng học sinh đăng ký vào lớp 6 đông muốn tổ chức bài thi khảo sát kiểm tra năng lực để ... |