Tuyên chiến với đồ nhựa dùng một lần

Việc Thủ tướng tuyên bố mục tiêu phấn đấu đến năm 2021, các cửa hàng, chợ, siêu thị ở đô thị không sử dụng đồ nhựa dùng một lần; đến năm 2025 cả nước không sử dụng đồ nhựa dùng một lần là tin thật đáng khuyến khích. Một chiếc túi nylon rất mỏng manh, một chiếc tăm bông hay ống hút bé xíu, nhưng lại mất hàng trăm năm để phân hủy trong môi trường.

Hôm qua, trong một nhóm nấu ăn trên FB, một thành viên chia sẻ cách dùng một lá bánh đa nem làm mềm rồi bọc lên miệng bát để bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh thay cho màng bọc nylon. Sáng kiến của bạn ấy đã được hoan nghênh nhiệt liệt và chỉ trong vòng vài tiếng là hàng trăm share và hơn 1.000 like dành cho bạn.

Bác tôi, 84 tuổi, gần đây mỗi lần đi chợ cạnh nhà lại lỉnh kỉnh làn với hộp nhựa, chứ không đi người không rồi mang về cả chục gói thực phẩm đựng trong túi nylon như trước nữa. Hỏi bác hay là hội phụ nữ phường vận động, bác bảo không, xem tivi người ta nói nhiều nơi bà con dùng làn đi chợ, bác nghĩ mỗi người đóng góp một chút sẽ tốt cho môi trường.

tuyen chien voi do nhua dung mot lan

Hình ảnh bãi biển ở Thanh Hóa đầy rác và túi nylon. Ảnh: Reuters.

Không thể phủ nhận rằng gần đây ý thức của người dân với việc hạn chế rác thải nhựa đã thay đổi rất nhiều. Ở các cơ quan hay phòng tập thể dục, tôi thấy nhiều người mang bình nước riêng. Nhiều cửa hàng dùng túi giấy, một vài quán ăn đựng đồ ăn vào hộp ép từ bã mía thay vì hộp xốp. Một số siêu thị cũng đã chuyển sang gói rau bằng lá chuối thay vì bỏ túi nylon và được người mua rất thích. Nhưng rõ ràng sự thay đổi đó chủ yếu là ở thành phố, nơi người ta có điều kiện tìm kiếm sự thay thế cho những chiếc túi nylon tiện lợi, bền và rẻ đã trở thành thói quen “không phải nghĩ” từ hàng chục năm nay.

Mua lọ thuốc bé xíu, tạt vào quán ven đường là hộp xốp đựng đồ ăn, nước hoa quả mang đi đựng trong cốc nhựa với chiếc ống hút, tất cả đều bỏ túi nylon. Các bà nội trợ mỗi lần đi chợ về cũng dăm bảy chiếc túi nylon vứt vào sọt rác. Trong các cuộc họp, bình nước chung cũng được thay bằng những thùng nước đóng chai nhựa, tài liệu đựng vào cặp nhựa dùng một lần. Một lễ hội đường phố thì ôi thôi khỏi nói, không biết bao lần những bức ảnh rác vứt đầy đường sau đó được lan truyền trên mạng, toàn thấy rác nhựa. Cư dân mạng cũng chê trách, cũng xấu hổ, nhưng rác vẫn cứ tự động xuất hiện ở sự kiện lần sau. Mỏng và nhẹ, nhưng những chiếc túi là nỗi kinh hoàng gây ô nhiễm, tắc nghẽn vô số những kênh rạch, những dòng sông và đang chất thành núi dưới đại dương của chúng ta.

Theo con số của Bộ Tài nguyên và Môi trường, chỉ riêng ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, mỗi ngày người dân thải ra môi trường khoảng 80 tấn nhựa và túi nylon. Mỗi ngày Hà Nội thải ra 4.000 - 5.000 tấn rác, trong đó rác thải nylon chiếm 7-8% mỗi ngày. Đó là số liệu tính đến cuối năm 2018 và đáng sợ là số lượng túi nylon này tăng theo từng năm, tạo thành một thảm họa mà các chuyên gia môi trường gọi là “ô nhiễm trắng”.

Rác thải nhựa là vấn đề nhức nhối trên toàn cầu. Việt Nam hiện xếp thứ 17 trong số 109 quốc gia có mức độ ô nhiễm rác nhựa lớn trên thế giới.

tuyen chien voi do nhua dung mot lan

Rau gói lá chuối xuất hiện ở một số siêu thị.

Cuối năm ngoái, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phát động phong trào chống rác thải nhựa, nhưng kết quả sau nửa năm chưa thấy được công bố. Trước khi Bộ lên tiếng thì đã có những cuộc vận động của các tổ chức, các nhóm, chủ yếu lan truyền qua mạng xã hội. Lần này, chính Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lên tiếng tuyên chiến với rác thải nhựa dùng một lần và đề ra lộ trình, hy vọng đó sẽ là một cú hích thực sự để ngăn chặn thảm họa túi nylon ở Việt Nam. Đúng như Thủ tướng nói, chúng ta phải có quyết tâm chính trị cao, thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các giải pháp phòng chống, xử lý, giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa, để nhà nhà, người người hạn chế rác thải nhựa và xã hội tiến đến nói không với rác thải nhựa.

Từ 20 năm trước, các siêu thị ở Châu Âu đã yêu cầu người mua phải trả thêm tiền cho túi nylon đựng đồ ở siêu thị. Họ cũng đã đề ra lộ trình và đến năm 2018 đã thông qua luật cấm hoàn toàn rác thải nhựa dùng một lần trên toàn EU từ 2021 với hàng chục sản phẩm như ống hút, dao, dĩa, bông ngoáy tai, cốc nhựa... Trung Quốc từ cả chục năm nay đã cấm dùng túi nylon đi chợ. Con số của Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc nói rằng đã có 91 quốc gia trên thế giới cấm sử dụng túi nylon hoàn toàn hoặc một phần. Việt Nam đi sau nhưng cần hành động gấp, không thể chỉ dừng ở các cuộc kêu gọi vận động mà phải luật hóa việc sử dụng đồ nhựa một lần cũng như các sản phẩm nhựa khác.

Vấn đề đặt ra là cái gì sẽ thay thế đồ nhựa dùng một lần? Hộp đựng, túi đựng bằng ngũ cốc, thực vật, giấy và các loại nguyên liệu sinh học phân hủy hoàn toàn đã được giới thiệu nhưng vẫn bị thấm đồ ăn ra ngoài, giá thành vẫn rất cao so với đồ nhựa. Vì thế, các nghiên cứu sản xuất sản phẩm thay thế phải được khuyến khích và hỗ trợ để có được những sản phẩm tương tự với độ bền tốt, nhất là giá thành chấp nhận được, để các doanh nghiệp, nhà hàng, quán café nhỏ và người tiêu dùng mới đỡ được mối lo phải cân nhắc về giá cả, cạnh tranh khi muốn bảo vệ môi trường.

tuyen chien voi do nhua dung mot lan Canada cấm đồ nhựa dùng một lần từ năm 2021

Chính phủ Canada lên kế hoạch loại bỏ sản phẩm nhựa dùng một lần để cứu lấy hệ sinh thái biển đang bị đe dọa.

tuyen chien voi do nhua dung mot lan Các nhà khoa học chưa biến Hạ thành Đông, nhưng đã có thể biến đồ nhựa thành xăng dầu

Công trình nghiên cứu này sẽ giúp hàng triệu tấn nhựa xả vào môi trường mỗi năm được xử lý thành nhiên liệu cho các ...

tuyen chien voi do nhua dung mot lan Nghị viện châu Âu thông qua dự luật cấm đồ nhựa dùng một lần

Dự luật mới nhằm bảo vệ môi trường biển và buộc các công ty trên thế giới phải chịu chi phí xử lý cũng như ...