Tuyển bóng chuyền nữ quốc gia dự giải Câu lạc bộ châu Á, vì sao?

Một lần nữa, bóng chuyền Việt Nam đăng ký tham dự giải vô địch các Câu lạc bộ (CLB) nữ châu Á, nhưng không đưa một đội bóng nào tham dự. Thay vào đó, các vận động viên (VĐV) dự giải lần này là thành viên đội tuyển bóng chuyền nữ quốc gia, nhưng thi đấu theo một tên khác.

Từ chuyện của Thanh Thúy

Trong thời gian chuẩn bị cho SEA Games 32, đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam gặp một số khó khăn về công tác sắp xếp nhân sự. Bên cạnh các VĐV thi đấu trong nước, đội tuyển còn một gương mặt đang thi đấu dài hạn ở nước ngoài. Sẽ không có gì đáng nói nếu như VĐV này cũng là một trong những gương mặt xuất chúng nhất trong lịch sử bóng chuyền Việt Nam: Chủ công Trần Thị Thanh Thúy.

Tuyển bóng chuyền nữ quốc gia dự giải Câu lạc bộ châu Á, vì sao? -0
Vận động viên Thanh Thúy.

Ở tuổi 26, Thanh Thúy đang bước vào độ chín của sự nghiệp. Cô gái 26 tuổi đã chinh phục đấu trường trong nước từ rất sớm, sau đó lên đường xuất ngoại. Thanh Thúy từng thi đấu ấn tượng ở Đài Bắc Trung Hoa trước khi khoác áo các đội bóng Nhật Bản. Đẳng cấp và kinh nghiệm thi đấu của Thanh Thúy từ đó ngày một nhiều lên theo thời gian, vượt xa những đồng nghiệp cùng đội tuyển.

Những thước phim, những đoạn phỏng vấn ngắn Thanh Thúy tại nơi đất khách quê người đã cho thấy nhiều lát cắt về cuộc sống của một VĐV xuất ngoại thi đấu. Thay vì giới hạn bản thân tung hoành ở Việt Nam, Thanh Thúy đã hướng đến con đường ra nước ngoài tranh tài từ lâu. Giữa hàng loạt ngôi sao của bóng chuyền Nhật Bản, Thanh Thúy chỉ có tài năng, cùng sự thích nghi để chứng minh bản thân.

Sở hữu chiều cao hơn 1m90, Thanh Thúy không chỉ chơi tốt trong vai trò một chủ công. Từ ngày sang Nhật Bản thi đấu, cô gái sinh năm 1997 còn được làm quen với vị trí mới: Phụ công. Vốn là một người chuyên tấn công, ghi điểm; nay Thanh Thúy lại phải học cách phòng ngự, bám chắn thường xuyên. Nhưng ở vị trí nào thì cô vẫn chơi tốt, đồng thời chắc suất đánh chính.

Phong độ cao của Thanh Thúy trong màu áo CLB Nhật Bản PFU Blue Cats giúp đội tuyển quốc gia có thêm lựa chọn. Tuy nhiên, điều này cũng mang tới một vấn đề nhỏ. Làm thế nào để Thanh Thúy có thể về nước để tập trung đội tuyển, thi đấu SEA Games 32 và các giải tiền SEA Games, trong bối cảnh Đội trưởng đội tuyển bóng chuyền nữ quốc gia vẫn còn hợp đồng với PFU Blue Cats?

Mọi chuyện cuối cùng vẫn được dàn xếp ổn thỏa. Thanh Thúy vẫn về nước thi đấu SEA Games. Cô thậm chí còn có khá nhiều thời gian tập trung cùng các tuyển thủ quốc gia để làm quen với hệ thống chiến thuật mới. Việc đặt ra một CLB có tên Sports Center 1 tham dự giải vô địch các CLB nữ châu Á là cách để giúp Thanh Thúy và các đồng đội đường hoàng thi đấu.

Điểm hạn chế duy nhất của Sports Center 1 là việc trong thời gian giải đấu diễn ra, cái tên này có thể khiến nhiều người hiểu nhầm đây không phải đội bóng Việt Nam. Nhưng nếu viết rõ đây thực chất là đội tuyển Việt Nam, thì mọi thứ cũng dẫn đến kết quả tương tự. Tại sao một giải đấu gồm các CLB bóng chuyền nữ châu Á, lại có một đội tuyển quốc gia nằm giữa nhiều đội bóng khác?

Nhìn về quá khứ

Trong lịch sử nhiều năm Việt Nam tham dự giải vô địch bóng chuyền các CLB nữ châu Á, có thể thấy hiếm khi nào bóng chuyền Việt Nam cử một CLB thực thụ đến giải. Vì một số lý do, Việt Nam thường cử đội tuyển quốc gia tham dự giải đấu này, thay vì các CLB trong nước. Xét trong bối cảnh thực tại của bóng chuyền nữ Việt Nam, việc này có thể xuất phát từ một vài nguyên nhân.

Tuyển bóng chuyền nữ quốc gia dự giải Câu lạc bộ châu Á, vì sao? -0
Tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam sẽ dự giải Câu lạc bộ châu Á với tên Sports Center 1.

Thứ nhất, lịch tập huấn, thi đấu các đội bóng chuyền nữ Việt Nam thường không lên lịch trước cho những giải đấu như giải các CLB nữ châu Á. Mỗi năm, các đội bóng phải lên kế hoạch dự trù thi đấu cả năm, bao gồm các giải trong nước, đồng thời bỏ qua quãng thời gian tập trung đội tuyển quốc gia. Nếu có một CLB Việt Nam dự giải đấu, họ sẽ phải chuẩn bị trước 6 - 9 tháng, một khoảng thời gian rất dài.

Thứ hai, trong trường hợp không thể dự trù trước về lịch tập huấn, thi đấu, các CLB bóng chuyền nữ Việt Nam khó có thể vươn ra châu lục bằng đội hình tốt. Để đương đầu với các đối thủ tầm cỡ châu lục, CLB sở hữu những ngôi sao bóng chuyền hàng đầu Việt Nam là chưa đủ. Họ cần ký thêm hợp đồng với các ngoại binh, và đây chính là điểm phát sinh chi phí không thể lường trước.

Khác với nội binh, những người vốn nhận lương đều đặn theo hợp đồng kéo dài đến hàng năm, ngoại binh bóng chuyền thường chỉ đầu quân cho CLB theo từng giải đấu. Mức lương họ nhận được, vì thế, có thể rất cao ở mỗi thời điểm khác nhau. Nếu thi đấu giải bóng chuyền các CLB nữ châu Á, các đội bóng Việt Nam sẽ phải gánh thêm khoản chi phí này, trong bối cảnh thành tích chưa đảm bảo.

Là 1 trong số ít những môn thể thao phát triển theo hướng chuyên nghiệp, có nguồn vốn xã hội hóa đầu tư, nhưng bóng chuyền Việt Nam vẫn ít nhiều duy trì theo hướng thể thao thành tích cao. Trong bối cảnh đó, những nhân tố như chỉ tiêu, thành tích vẫn còn đè nặng lên vai những người làm chuyên môn. Sẽ ra sao nếu họ xin CLB bỏ thêm kinh phí để đấu một giải mà không chắc đem lại kết quả tích cực?

Vì những lý do trên, các CLB bóng chuyền của Việt Nam còn ít nhiều ái ngại bước ra sân chơi châu lục. Đó cũng là nguyên nhân khiến đội tuyển quốc gia phải nhận thay phần việc của CLB. Suy cho cùng, mọi thứ đều nhằm phục vụ lợi ích quốc gia, và đội tuyển cũng cần có sân chơi lớn trước những giải đấu quan trọng.

Ngoại lệ cho SEA Games

Trong câu chuyện đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam mang tên Sports Center 1 tham dự giải vô địch các CLB châu Á, một lần nữa, tầm quan trọng của SEA Games lại được nhắc tới. Kỳ Đại hội Thể thao Đông Nam Á có thể chỉ mang tầm khu vực, thậm chí mang tiếng "ao làng"; nhưng hóa ra vô địch SEA Games lại rất khó giữa những đối thủ đã vươn đến đẳng cấp thế giới.

Tuyển bóng chuyền nữ quốc gia dự giải Câu lạc bộ châu Á, vì sao? -0
Ngay cả khi đội tuyển quốc gia không tham dự, sẽ không có câu lạc bộ Việt Nam nào sẵn sàng dự giải châu Á.

Năm 2003, tuyển bóng chuyền nữ Thái Lan đánh bại chủ nhà Việt Nam, giành HCV SEA Games đầy thuyết phục. Kể từ đó đến nay, các cô gái Thái Lan chưa bao giờ nhường danh hiệu đứng đầu cho đối thủ nào, dù đó là Việt Nam hay Philippines. Cũng trong 2 thập niên vừa qua, bóng chuyền nữ Thái Lan dần lột xác. Họ không chỉ mạnh trong khu vực Đông Nam Á, mà còn trở thành thế lực ở châu lục.

Đứng cạnh một "siêu cường mới nổi" của bóng chuyền nữ như Thái Lan, Việt Nam thậm chí còn phải cạnh tranh quyết liệt vị trí thứ hai với nhiều đối thủ khác. Philippines, Indonesia, thậm chí Campuchia đã bắt đầu hướng đến việc phát triển bóng chuyền nữ. Họ còn nhiều dư địa trong việc nâng tầm môn thể thao này, bởi vượt qua Việt Nam để chiếm vị trí thứ 2 đã là một thành công.

Năm 2017, bóng chuyền nữ Việt Nam chứng kiến một khoảng thời gian tồi tệ vì SEA Games. Đó là giải đấu các cô gái Việt Nam không thể về nhì. Họ bất ngờ nhận thất bại trước Indonesia ở trận bán kết. Tính tổng điểm ghi được trong trận đấu đó, Việt Nam còn làm tốt hơn đối thủ; nhưng xét trong mỗi hiệp đấu, họ lại để Indonesia vượt lên vào những thời khắc quan trọng nhất.

Chẳng ai muốn câu chuyện của SEA Games 2017 lặp lại một lần nữa. Với bóng chuyền Việt Nam, việc chỉ đứng sau Thái Lan ở mỗi giải đấu đã là một thành công với mức tròn vai. Nhằm giúp mục tiêu trên trở thành hiện thực, các tuyển thủ Việt Nam cần có môi trường cọ xát ở tầm cao hơn những giải đấu giao hữu bình thường. Vì thế, việc họ thi đấu giải các CLB nữ châu Á là điều tốt.

Câu chuyện đội tuyển quốc gia tham dự một giải cấp CLB châu lục của bóng chuyền nữ Việt Nam sẽ khác đi, nhưng không phải trong thời điểm này. Viễn cảnh đó chỉ thành hiện thực nếu xuất hiện một CLB sẵn sàng đại diện cho Việt Nam tranh tài ở các giải quốc tế. Nhưng đó cũng là lúc cuộc chơi của bóng chuyền Việt Nam vươn đến một quy mô khác với hiện tại.

 

Đội tuyển bóng chuyền nam tập huấn trong lặng lẽ

Tương tự đội tuyển nữ, đội tuyển bóng chuyền nam Việt Nam cũng khép lại kỳ SEA Games trên sân nhà với tấm huy chương bạc. Tận dụng tối đa ưu thế được thi đấu trên sân nhà, đội tuyển bóng chuyền nam đã thi đấu vượt ngoài mức kỳ vọng. Họ bất ngờ đánh bại Thái Lan trong trận bán kết với tỷ số 3-2, qua đó bước vào trận tranh HCV theo kịch bản chẳng ai nghĩ đến.

Tuy nhiên, kỳ tích ở kỳ SEA Games diễn ra trên sân nhà sẽ khó có khả năng lặp lại. Trong quá trình chuẩn bị trước thềm SEA Games 32, đội tuyển bóng chuyền nam một lần nữa tập huấn trong âm thầm. Điều này cũng tương tự khi giải vô địch quốc gia được tổ chức, nơi bóng chuyền nữ luôn nhận sự quan tâm nhiều hơn hẳn so với bóng chuyền nam, với những khán đài đầy ắp khán giả.

Xu hướng "trọng nữ khinh nam" với môn bóng chuyền không chỉ đúng ở Việt Nam. Ngay cả bóng chuyền Thái Lan cũng chứng kiến thực trạng đội tuyển nữ được quan tâm, chú ý hơn hẳn đội tuyển nam. Nhiều quốc gia khác như Brazil, Nga... cũng chứng kiến tình trạng tương tự.

Trước đó, ở kỳ SEA Games 2019 diễn ra tại Philippines, bóng chuyền nam Việt Nam thậm chí đã phải chứng kiến giai đoạn khủng hoảng thành tích. Toàn đội rời giải với thành tích 3 trận toàn thua, bao gồm cả thất bại trước đội tuyển Campuchia. Các thành viên đội tuyển Việt Nam chỉ dần lấy lại phong độ trong loạt trận tranh vị trí thứ 5 tại giải, và khi ấy, mọi chuyện đã không thể cứu vãn.

https://antg.cand.com.vn/Kinh-te-Van-hoa-The-Thao/tuyen-bong-chuyen-nu-quoc-gia-du-giai-cau-lac-bo-chau-a-vi-sao--i691417/

Đơn Ca / antg.cand.com.vn