Căng thẳng nội bộ NATO trong 2 thập niên qua đã khiến nhiều người cho rằng, các liên minh quân sự cũ của thế kỷ XX đã là dĩ vãng và các liên minh này sẽ nhường chỗ cho các nhóm đặc biệt có cấu trúc lỏng lẻo như Đối thoại An ninh bốn bên (Bộ tứ) gồm Australia, Ấn Độ, Nhật Bản và Mỹ; Hiệp ước an ninh AUKUS giữa Australia, Vương quốc Anh và Mỹ hoặc các “liên minh tự nguyện” khác được thành lập để giải quyết các mối quan ngại cụ thể.
Cam kết bền vững
Thuật ngữ “liên minh” được sử dụng rộng rãi và thường được cho là đồng nghĩa với các cụm từ như “quan hệ đối tác chiến lược” hay “hợp tác quốc phòng”. Tuy nhiên, nó chỉ giúp ích trong việc xem xét cam kết quốc phòng giữa các quốc gia – các thỏa thuận mà trong đó một quốc gia cam kết hỗ trợ quân sự cho các đồng minh nếu họ bị tấn công. Nhiều cam kết trong số này được trình bày dưới dạng văn bản thông qua các hiệp ước, trong khi những cam kết khác vẫn đang được thảo luận.
Chẳng hạn, khái niệm “liên minh” được định nghĩa trên không bao gồm các mối quan hệ đối tác của Mỹ với 17 đồng minh lớn nằm bên ngoài NATO, vốn không đòi hỏi bất kỳ cam kết an ninh nào đối với các nước đối tác. Nó cũng không bao hàm Bộ tứ, vốn được Ấn Độ xem là một “liên minh phi quân sự”.
Mạng lưới các đối tác Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Pháp, mà Tổng thống Emmanuel Macron gọi là “liên minh” và Tổ chức Hợp tác Thượng Hải, liên kết Trung Quốc với Nga và một số quốc gia Trung Á, cũng không thuộc nội hàm của khái niệm này.
Trên thực tế, mặc dù Điện Kremlin gọi mối quan hệ của họ với Bắc Kinh là “quan hệ đồng minh”, nhưng quan hệ đối tác Nga – Trung vẫn thiếu các cam kết quân sự thực sự. Và khái niệm “liên minh” theo định nghĩa chặt chẽ này chắc chắn cũng loại trừ “liên minh các nền dân chủ” được ông Joe Biden quảng bá vào năm 2020 khi ông còn là ứng cử viên tổng thống.
Vậy những quan hệ đối tác nào đủ điều kiện? Danh sách cam kết phòng thủ tập thể chính thức của Bộ Ngoại giao Mỹ bao gồm nhóm Hiệp ước Rio và NATO, cũng như các mối quan hệ song phương được Washington củng cố trong những năm 1950 với Hàn Quốc, Australia, New Zealand, Philippines và Nhật Bản.
Danh sách này cũng bao gồm Hiệp ước phòng thủ tập thể Đông Nam Á, còn gọi là Hiệp ước Manila và vẫn liên kết Mỹ với Australia, Pháp, New Zealand, Pakistan, Philippines và Thái Lan mặc dù Tổ chức Hiệp ước Đông Nam Á đã bị giải thể vào năm 1977.
Theo định nghĩa trên, các nước vùng Vịnh và Israel cũng có thể được coi là đồng minh của Mỹ vì mặc dù họ không được hưởng lợi từ các đảm bảo dựa trên hiệp ước nhưng những hứa hẹn về việc tăng cường quốc phòng mà các đời tổng thống Mỹ nhắc lại nhiều lần trên thực tế cũng có giá trị như những đảm bảo an ninh.
Mỹ là nước có nhiều cam kết an ninh nhất nhưng các quốc gia khác đương nhiên cũng có cam kết riêng của họ. Các nước châu Âu liên kết với nhau thông qua Hiệp ước Brussels sửa đổi năm 1954 và một số quốc gia cũng cam kết bảo vệ Hàn Quốc theo Hiệp định đình chiến năm 1953 mà đã chính thức chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên.
Thỏa thuận phòng thủ giữa 5 nước Australia, Anh, New Zealand, Malaysia và Singapore vẫn còn hiệu lực, mặc dù đó không phải là một cam kết quốc phòng mà chỉ là lời hứa của các nước về việc lập tức bàn bạc nếu Malaysia và Singapore bị tấn công. Có thể nói rằng, các liên minh quân sự này tồn tại bền vững vì ít hoạt động.
Tuy nhiên, điều này không giải thích được thực tế rằng nhiều liên minh trong số đó đang được tăng cường và mở rộng. Về phần mình, NATO đã chào đón không dưới 14 thành viên mới kể từ năm 1990, với việc Pháp tái gia nhập cơ cấu chỉ huy quân sự vào năm 2009, sau 3 thập niên vắng bóng. Bên cạnh đó, NATO cũng đã phát triển một mạng lưới quan hệ đối tác an ninh với các quốc gia ngoài khối. Quan hệ song phương xuyên Đại Tây Dương cũng đang được tăng cường.
Trong phạm vi châu Âu, Hiệp ước Lisbon năm 2007 - kế thừa Hiệp ước Brussels sửa đổi nói trên - yêu cầu nước thành viên EU phải thực hiện cam kết phòng vệ tập thể. Mặc dù thường bị coi là thứ yếu trong các cam kết của các nước thành viên NATO, nhưng nghĩa vụ này đã được Pháp kích hoạt sau vụ khủng bố tháng 11/2015 tại Paris. Pháp cũng đã tìm cách củng cố các cam kết quốc phòng giữa các nước trong khối châu Ầu.
Họ đã đưa các điều khoản về quốc phòng vào hai thỏa thuận song phương gần đây: Hiệp ước Aachen năm 2019 với Đức và thỏa thuận về quan hệ đối tác chiến lược năm 2021 với Hy Lạp. Bên ngoài châu Âu, các liên minh của Mỹ cũng đã được tái khẳng định và củng cố.
Washington đã thiết lập Đối thoại răn đe mở rộng sâu rộng với Nhật Bản vào năm 2010 và Nhóm tham vấn và Chiến lược răn đe mở rộng với Hàn Quốc vào năm 2016. Gần đây hơn, Mỹ đã nhấn mạnh cam kết quốc phòng với Philippines.
Các liên minh và nhóm mới
Kể từ năm 1990, số lượng các thỏa thuận hợp tác quốc phòng trên thế giới đã tăng gấp 6 lần, từ dưới 100 lên hơn 600. Nhiều quan hệ đối tác an ninh mới đi kèm với các điều khoản quốc phòng đã xuất hiện ở Trung Đông và Trung Á. Pháp đã ký các thỏa thuận bao gồm các điều khoản quốc phòng với Kuwait vào năm 1992, với Qatar vào năm 1994 và 1998, và với Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) vào năm 1996 và 2009.
Vương quốc Anh cũng đã ký một thỏa thuận hợp tác với UAE vào năm 1996, cam kết ngăn ngừa các mối đe dọa và hành vi gây hấn nhằm vào đồng minh. Năm 1992, Nga thành lập Tổ chức Hiệp ước an ninh tập thể, liên minh quân sự với một nhóm các quốc gia hậu Xôviết: Armenia, Belarus, Kazakhstan, Kyrgyzstan và Tajikistan. (3 nước cộng hòa thuộc Liên Xô khác tham gia sau đó nhưng rút lui vào năm 1999 khi hiệp ước được gia hạn).
Năm 2006, Iran và Syria đã ký một hiệp ước phòng thủ chung bao gồm một điều khoản quốc phòng. Mặc dù văn bản thỏa thuận chưa bao giờ được công bố, nhưng vào năm 2011, Thổ Nhĩ Kỳ và Azerbaijan đã ký kết hiệp ước quốc phòng của riêng họ. Gần đây nhất, vào năm 2020, Hy Lạp và UAE đã ký một thỏa thuận quốc phòng bao gồm điều khoản phòng vệ chung.
Bên ngoài các khu vực đó, 16 thành viên của Cộng đồng phát triển Nam Phi đã ký một hiệp ước phòng thủ chung vào năm 2003. Và vào năm 2005, 54 thành viên của Liên minh châu Phi (AU) cũng đã ký Hiệp ước phòng thủ chung và không xâm lược.
Những thập niên gần đây cũng đã chứng kiến sự xuất hiện của các nhóm hợp tác quốc phòng lỏng lẻo hơn. 5 nước Bắc Âu đã thiết lập một khuôn khổ hợp tác quốc phòng chung vào năm 2009. Tại Địa Trung Hải, Cyprus, Hy Lạp và Israel đã tổ chức các cuộc họp ba bên cấp bộ trưởng; Israel cũng đang tích cực tìm kiếm quan hệ quân sự với các quốc gia vùng Vịnh.
Xu hướng hình thành các nhóm lỏng lẻo được thể hiện rõ nhất ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, nơi Mỹ đã xây dựng một hệ thống hợp tác quốc phòng để bổ sung cho mạng lưới liên minh theo mô hình “trung tâm và các vệ tinh”. Hơn một thập niên sau khi ra mắt, Bộ tứ đang được chính thức hóa.
Và Mỹ cũng đã theo đuổi các diễn đàn quốc phòng ba bên mới, chồng chéo với Nhật Bản và Australia, cũng như với Nhật Bản và Hàn Quốc. AUKUS, được công bố giữa tháng 9/2021, là một thỏa thuận an ninh ba bên khác tương tự như vậy. Mỹ và New Zealand cũng đã nối lại quan hệ thông qua các tuyên bố hợp tác quốc phòng vào năm 2010 và 2012.
Tóm lại, mạng lưới quan hệ quân sự toàn cầu đang được thắt chặt thay vì nới lỏng. Các liên minh đang được hiện đại hóa. Quan hệ giữa các đồng minh ngày càng trở nên bền chặt hơn. Và tất cả đều đang củng cố mối qụan hệ đối tác phi đồng minh bằng các cam kết mạnh mẽ hơn và các thể chế mới.
Ổn định hay xung đột?
Sự mở rộng quá mức của các liên minh hoặc nguy cơ Mỹ sẽ không thể duy trì tất cả các cam kết làm dấy một câu hỏi quan trọng: Mạng lưới liên minh dày đặc hiện nay là điều tốt hay xấu đối với sự ổn định toàn cầu? Mặc dù chưa có câu trả lời rõ ràng nhưng các nghiên cứu gần đây đều kêu gọi các bên phải thận trọng.
Sự răn đe dường như có tác dụng. Các nghiên cứu cho thấy, trong kỷ nguyên hạt nhân, các liên minh phòng thủ dường như làm giảm nhẹ khả năng xảy ra tranh chấp quân sự nói chung. Với tư cách là một cường quốc bảo hộ, Mỹ cũng có thể đóng vai trò trung gian hòa giải trong các tranh chấp giữa các đồng minh, chẳng hạn như các tranh chấp giữa Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ hay giữa Nhật Bản và Hàn Quốc.
Mặt khác, các liên minh có thể kích động tranh chấp giữa các nước thành viên và các nước không phải thành viên, và đây được gọi là rủi ro đạo đức.
Trước Thế chiến II, các cam kết gắn liền với các liên minh quân sự chỉ được duy trì trong 75% thời gian. Trong khi đó, các cam kết quốc phòng hiện nay thường không rõ ràng và điều này giúp bên bảo đảm an ninh tránh được việc tự động bị lôi kéo vào một cuộc xung đột quân sự.
Bên cạnh đó, đúng là hệ thống liên minh phức tạp của châu Âu vào năm 1914 đã dẫn tới Thế chiến I, tuy nhiên, mạng lưới liên minh phương Tây hiện nay chắc chắn là điều chưa từng có và cách thức hoạt động của nó trong thời chiến cần được nghiên cứu thêm. Trong mọi trường hợp, các liên minh có thể là yếu tố bất biến trong bối cảnh an ninh toàn cầu trong tương lai gần, ngay cả khi các thỏa thuận mới tiếp tục xuất hiện để bổ trợ cho các liên minh đó.
Minh Hải
Nga và Trung Quốc tiến gần hơn đến liên minh quân sự trên thực tế? |
Sudan bị loại khỏi hoạt động của Liên minh châu Phi sau cuộc đảo chính |