Từ năm 2018, bỏ \"cấm thi\" vào lớp 6: Dạy thêm, học thêm có tái diễn?

Đề xuất các trường có số học sinh đăng ký vào học lớp 6 nhiều hơn so với chỉ tiêu tuyển sinh được phép thực hiện kết hợp xét tuyển với kiểm tra, đánh giá năng lực học sinh, đang thu hút sự chú ý của dư luận. Bên cạnh kỳ vọng là quy định “cởi trói” trong tuyển sinh, dư luận hết sức băn khoăn trước nạn dạy thêm, học thêm tiếp tục hoành hành.

tu nam 2018 bo cam thi vao lop 6 day them hoc them co tai dien

Chia sẻ

Các chuyên gia nhận định, việc áp lực thi cử hay không cũng là do cách tuyển chọn của các trường. Ảnh: HUYÊN NGUYỄN

“Cởi trói” cho các trường “nóng”

Bộ GDĐT vừa công bố Dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều quy chế tuyển sinh THCS và tuyển sinh THPT ban hành kèm theo Thông tư số 11/2014/TT-BGDĐT. Theo đó, ngoài phương thức xét tuyển, các cơ sở giáo dục có số học sinh đăng ký vào học lớp 6 nhiều hơn so với chỉ tiêu tuyển sinh, Sở GDĐT hướng dẫn thực hiện phương án tuyển sinh theo phương thức xét tuyển hoặc kết hợp xét tuyển với kiểm tra, đánh giá năng lực học sinh.

Quy định này dự định thay thế quy định trước đó, trong Chỉ thị chấn chỉnh tình trạng dạy thêm, học thêm đối với giáo dục tiểu học năm 2014, Bộ GDĐT quy định các trường không tổ chức khảo sát học sinh đầu năm học, không tổ chức thi tuyển học sinh vào lớp 6 dưới mọi hình thức.

Theo ông Vũ Đình Chuẩn - Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ GDĐT: “Một số trường tạm gọi là có dịch vụ chất lượng cao có số học sinh đăng ký vào nhiều hơn so với chỉ tiêu họ sẽ tuyển. Vậy những trường đó sẽ phải tuyển sinh thế nào nếu không được phép tổ chức thi? Tháng 3.2015, Bộ đã có Công văn 1258 hướng dẫn, trong đó trước hết khẳng định THCS là cấp phổ cập nên về nguyên tắc không thi tuyển đầu vào, nhưng với cơ sở giáo dục mà có số lượng đầu vào nhiều hơn so với chỉ tiêu thì xây dựng phương án và trình các cấp có thẩm quyền. Một số trường lấy tiêu chí phụ là tiêu chí xét tuyển dẫn đến quá nhiều cuộc thi được tổ chức”.

Chính vì vậy, Bộ GDĐT đưa ra đề xuất cho phép áp dụng phương thức xét tuyển kết hợp kiểm tra, đánh giá năng lực; đồng thời, Bộ GDĐT cũng đã có văn bản nhằm hạn chế việc tổ chức quá nhiều kỳ thi.

Quy định được đánh giá là tín hiệu mừng cho các trường “hot”. Trong 3 mùa tuyển sinh trước kể từ khi quy định cấm thi lớp 6 được ban hành, Trường THCS & THPT Lương Thế Vinh luôn rơi vào trạng thái quá tải bởi số lượng hồ sơ đăng ký vào trường quá lớn, các hồ sơ đẹp “tuyệt đối” với toàn điểm 10 mà chỉ tiêu hạn hẹp. Vì thế, nhà trường bày tỏ sự ủng hộ đối với dự thảo mới này.

Ông Phạm Trung Dũng - Hiệu trưởng Trường THCS & THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội - cho biết: Nếu dự thảo được thực hiện, nhà trường căn cứ vào chỉ tiêu tuyển sinh và hướng dẫn của Sở GDĐT, Phòng GD để đề ra phương án xét tuyển kết hợp với kiểm tra năng lực, có thể là phỏng vấn học sinh hoặc khảo sát qua kiểm tra viết, trắc nghiệm các câu hỏi về năng lực hiểu biết của học sinh... Kỳ vọng quy định này đã tạo điều kiện cho nhà trường chọn học sinh có chất lượng, chính xác và công bằng hơn trong việc tuyển sinh học sinh vào lớp 6.

Đồng quan điểm, theo ông Nguyễn Xuân Khang - Hiệu trưởng Trường Marie Curie: Trong suốt 3 năm qua, chỉ duy nhất Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (TPHCM) là thực hiện thi tuyển sinh lớp 6. Tổ chức cách thi như vậy mới tạm gọi là công bằng.

“Chúng ta cũng không cần quá lo lắng bởi nếu dự thảo này được chính thức hóa thì cũng bình yên bởi hiện nay ở Hà Nội chỉ khoảng 1%, tức là chỉ khoảng 6-7 trường có nhu cầu cần thiết tổ chức kiểm tra hay đánh giá năng lực” - ông Khang cho hay.

Mới chỉ dự thảo, dạy thêm, học thêm đã xuất hiện

Dù dự thảo mới chỉ vừa được công bố để xin ý kiến nhân dân đến hết ngày 18.2.2018, nhưng các trung tâm luyện thi đã bắt đầu “chào mời” phụ huynh với những ngôn từ có cánh.

Trên Fanpage mang tên “Luyện thi vào các trường chuyên cấp 2-3 Ams, Marie, LTV” đăng chào mời: “Các mẹ có con muốn thi vào các trường thi tuyển cấp 2 chú ý. Thi trắc nghiệm toàn diện các môn. Hay quá ạ. Liên hệ cô để biết thêm thông tin về lớp học toàn diện này nha quý phụ huynh”.

Thậm chí, trước khi dự thảo này được công bố trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ GDĐT để xin ý kiến, một số trung tâm đào tạo đã có được nguồn tin và tổ chức chiêu sinh rộng rãi với đối tượng là các em học sinh từ lớp 4-5 trở lên.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Khang cho rằng: Lò luyện thi sinh ra là một nhu cầu tất yếu, có cầu ắt có cung. Tuy nhiên, số lượng thí sinh dự học sẽ không lớn bởi thực tế các em có nhu cầu thi tuyển vào các trường “hot” không phải nhiều so với thí sinh trong toàn thành phố. Mặt khác, số thí sinh này có thể là trùng nhau giữa các trường.

“Nhiều khi áp lực ở một mức độ vừa phải nào đó thì lại trở thành động lực tích cực, chúng ta hãy nhìn vào cả những khía cạnh tích cực nữa” - ông Khang chia sẻ. Còn bà Lê Kim Anh - Hiệu trưởng Trường THCS Cầu Giấy, Hà Nội - cho rằng, rất ủng hộ phương án xét tuyển kết hợp với kiểm tra, đánh giá năng lực học sinh. Theo bà Kim Anh, việc áp lực thi cử hay không cũng là do cách tuyển chọn của các trường.

Theo dự thảo, các trường muốn tổ chức kiểm tra, đánh giá năng lực cần xây dựng đề án tuyển sinh riêng trình các cấp quản lý tại địa phương phê duyệt. Vì thế, trách nhiệm của các địa phương là chỉ đạo các trường để có cách thức kiểm tra, khảo sát để hạn chế việc dạy thêm, học thêm. Một khi dạy thêm, học thêm không có ý nghĩa trong các cuộc thi thì phụ huynh cũng sẽ không đăng ký cho con theo học nữa.

Trước những lo ngại tái diễn tình trạng dạy thêm, học thêm, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học Vũ Đình Chuẩn cho rằng: Nếu các trường tổ chức thi tuyển có thể nảy sinh dạy thêm học thêm. Vì thế, nếu các đơn vị tổ chức bài trắc nghiệm năng lực, hoặc bài luận với các kiến thức tổng hợp thì những trường hợp về dạy thêm, học thêm sẽ không “có cửa”.

tu nam 2018 bo cam thi vao lop 6 day them hoc them co tai dien Bộ GDĐT nói gì về dự định bỏ “cấm thi” vào lớp 6?

Bộ GDĐT vừa công bố Dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều quy chế tuyển sinh THCS và tuyển sinh THPT ...

/ https://laodong.vn