Từ lũ lụt lịch sử nhìn về thủy điện “cóc”

Ngay trong những ngày miền Trung đang oằn mình gánh chịu những trận lũ lụt lịch sử, người ta lại nói về tác hại của việc ồ ạt cấp phép, xây dựng các thủy điện nhỏ, thủy điện “cóc”.

Mỗi năm nước ta xảy ra khoảng 10-15 trận lũ quét, sạt lở đất, đặc biệt là tại các vùng núi phía Bắc, Trung Bộ và Tây Nguyên. Hàng trăm hécta hoa màu bị thiệt hại, nhiều nhà cửa bị phá hủy, hàng chục người thiệt mạng mỗi năm. Có thể thống kê ra đây như Trận lũ tháng 8/1971 làm vỡ đê Sông Hồng và 100.000 người đã bị thiệt mạng. Đây được coi là cơn lũ lớn nhất trong vòng 250 năm ở miền Bắc.

Trận lũ năm năm 1999, chỉ trong vòng 1 tháng (01/11 đến 06/12) đã xảy hai đợt lũ đặc biệt lớn liên tiếp trên diện rộng từ Quảng Bình đến Khánh Hoà. Đây là 2 trận lũ lớn nhất trong vòng 70 - 100 năm qua ở các khu vực này, làm 818 người chết và mất tích, trên 1 triệu ngôi nhà bị ngập và hàng ngàn ngôi nhà, trường học, trạm y tế bị lũ cuốn trôi, thiệt hại về kinh tế ước tính gần 5.000 tỷ đồng (gấp 02 lần tổng thu nhập của tỉnh Thừa Thiên Huế tại thời điểm 1999).

Đến năm 2000, lũ trên đồng bằng sông Cửu Long, gây ngập lụt nghiêm trọng khiến 539 người chết. Tổng thiệt hại do thiên tai gây ra ở khu vực ĐBSCL trong năm 2000, ước tính khoảng 4.626tỉ đồng. Lũ năm 2007 do ảnh hưởng của bão số 2, tại tỉnh Quảng Bình đã xảy ra lũ lịch sử trên sông Gianh, làm 54 người chết, mất tích. Năm 2010: là một đợt mưa lũ lớn trên diện rộng tại các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên – Huế vào đầu tháng 10 năm 2010. Lũ lụt đã làm 32 người chết và mất tích, hàng chục ngàn ngôi nhà bị ngập trong nước lũ, giao thông đường bộ và đường sắt tê liệt.

3959 thuy dien song ba
Thủy điện xả lũ (ảnh minh họa)

Năm 2016, từ giữa tháng 10 đến giữa tháng 12 đã liên tiếp xảy ra 5 đợt mưa lũ lớn diện rộng tại các tỉnh miền Trung, đặc biệt là tại Bình Định lũ lớn xấp xỉ mức lũ lịch sử, làm 129 người chết, mất tích. Tổng thiệt hại ước tính khoảng 10.519 tỷ đồng. Năm 2017, Bão số 12 là cơn bão rất mạnh hiếm gặp, đổ bộ trực tiếp vào khu vực Nam Trung Bộ, gió mạnh khi bão đổ bộ đã gây thiệt hại lớn tại các tỉnh Khánh Hoà, Phú Yên, Bình Định và gây mưa rất lớn trên diện rộng gây lũ lớn trên mức trên báo động 3 ở hầu hết các sông. Bão số 12 và mưa lũ sau bão làm 123 người chết và mất tích. Tổng thiệt hại ước tính khoảng 22.680 tỷ đồng. Và đến nay, năm 2020, miền Trung hứng chịu liên tiếp các cơn bão và áp thấp, gây mưa lũ rất lớn, với lượng mưa cao lịch sử, ngang mốc trận lụt lịch sử 20 năm trước, gây tang thương khắp nơi, chết mấy chục người.

Có thể nói, một trong những nguyên nhân gây lũ lụt hàng đầu được các chuyên gia “chỉ mặt” chính là do biến đổi khí hậu và nghiêm trọng hơn là việc ồ ạt cấp phép những dự án thuỷ điện cóc góp phần tăng tốc độ tàn phá rừng dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.

Hơn 20 năm qua, nhiều dự án thủy điện có quy mô và công suất khác nhau đã được quy hoạch và xây dựng ồ ạt tại miền Trung, đặc biệt là từ Quảng Bình đến Phú Yên và các tỉnh ở Tây Nguyên. Theo thống kê, thủy điện hiện đang đóng góp khoảng 35% - 40% sản lượng năng lượng quốc gia, nhưng các vấn đề môi trường – xã hội chúng ta phải đối mặt còn lớn hơn rất nhiều, đặc biệt là các hệ lụy liên quan tới thiên tai, lụt lội do mất rừng.

Trong Hội thảo "Công tác vận hành các hồ chứa thủy điện" do Bộ Công thương tổ chức vào đầu tháng 11/2020, Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng đã phải thừa nhận nhiều nhà máy thủy điện nhỏ gây ngập lụt lớn cho vùng hạ du. Nhưng không chỉ thủy điện nhỏ, việc vận hành bất cập giữa các hồ chứa, dự báo chậm và thiếu chính xác cũng là những tác nhân lớn gây ra lũ lụt nghiêm trọng tại miền Trung vừa qua.

Trong đó, đáng kể như tính đến đầu 2019, tỉnh Quảng Trị có 8 dự án thủy điện (công suất từ 3 MW đến 64 MW) đã đi vào vận hành, phát điện. Tại Huế là 13 dự án, Quảng Bình cũng có trên 10 thủy điện và hàng loạt dự án khác dần hình thành trong tương lai.

Theo tính toán của một chuyên gia, để làm 160 dự án thủy điện, phải mất 20.000ha rừng, trung bình mỗi dự án thủy điện đi vào hoạt động sẽ có 125ha rừng bị xóa sổ. Một thống kê khác cũng cho thấy, cứ 1 MW điện sẽ mất 10ha rừng. Từ thực tế xây dựng các nhà máy thủy điện: Sông Tranh 2, Krong Kma đã khiến cho diện tích rừng bị mất khá lớn, chưa kể nhiều hệ lụy khác như mất đất, tranh chấp nước giữa thủy lợi và thủy điện... Ví dụ dự án Rào Trăng 3 công suất 11 MW chiếm 11 ha, dự án Rào Trăng 4 công suất 14 MW tốn 168 ha rừng vùng Khu bảo tồn thiên nhiên huyện Phong Điền (Thừa Thiên-Huế) và đầu tư hết 290 - 500 tỷ đồng.

Trong hơn 1 thập niên gần đây, Quảng Nam được xem là “xứ sở thủy điện” ở khu vực miền Trung, với hơn 30 dự án thủy điện được quy hoạch phân bố trên khắp 10 huyện miền núi của tỉnh với tổng công suất lắp máy lên tới hơn 1.500MW. Trong đó, để xây dựng Thủy điện Sông Bung 4, cả một diện tích rừng gần trăm hécta tại huyện Nam Giang tại địa bàn này đã “biến mất”.

4154 chinh 16030186492561851066851
Hiện trường sạt lở tại thủy điện Rào Trăng 3

Nhìn nhận khách quan, chính các thủy điện nhỏ, thủy điện cóc cũng đã góp phần làm tăng sản lượng điện, mang ánh sáng cho vùng sâu, vùng xa. Thế nhưng, sự phát triển ồ ạt, thiếu kiểm soát của các thủy điện nhỏ, thủy điện cóc chính là lý do làm thu hẹp diện tích rừng, thay đổi môi trường sinh thái, bức tử các dòng sông, dòng suối. Điển hình như tại miền Trung, các thủy điện nhỏ này đã khiến địa hình dốc hơn, đất đai khô cằn hơn, và khi đó, việc xả lũ tưởng chừng rất bình thường của các thủy điện đã khiến tình hình lũ lụt trở nên nghiêm trọng hơn rất nhiều.

Bên cạnh đó, xung quanh việc xây dựng, quản lý các thủy điện nhỏ, thủy điện cóc còn lắm vấn đề như vỡ đập do thi công ẩu, hay vận hành không đúng quy trình, hồ đập xuống cấp không duy tu kịp thời. Như trường hợp cuối tháng 6/2019 Nhà máy thủy điện Sử Pán 1 (Lào Cai) đột ngột mở cả 4 cửa xả đáy, gây ra trận lũ quét cục bộ tại xã Bản Hồ, huyện Sa Pa (Lào Cai), làm sập cầu treo, ngập nhà, cuốn trôi tài sản, ảnh hưởng tới 50 hộ dân…

Theo tính toán của các chuyên gia, từ năm 2020, nước ta ở trong tình trạng thiếu điện. Thế nhưng chúng ta không thể trả giá nguồn điện bằng tính mạng và tài sản của người dân. Đã đến lúc cần nhìn nhận đúng đắn và có cách triển khai hiệu quả những dự án năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời… Có như vậy, miền Trung mới có thể tránh được những vụ lụt lội, sạt lở … gây nhiều thiệt hại đáng tiếc.

Theo Tổng cục Phòng chống thiên tại, phá rừng, xây thủy điện là nguyên nhân của lũ quét, sạt lở đất… Từ năm 2010 đến 2019 đã xảy ra 260 trận lũ quét, sạt lở đất ảnh hưởng tới các vùng dân cư, làm chết và mất tích 910 người, thiệt hại về kinh tế ước tính hàng chục nghìn tỉ đồng.

PV

"Không thể xác định thủy điện nhỏ có xả lũ trộm hay không"
Cuộc hành quân trong đêm tìm đồng đội Cuộc hành quân trong đêm tìm đồng đội
Phó thủ tướng: Phó thủ tướng: "Sơ tán dân ở các thuỷ điện đang thi công"
/ Nghề nghiệp và cuộc sống