Từ kết quả khảo sát của Bộ Công an, hàng trăm cây số đường cao tốc “rùa bò” sẽ sớm được khắc phục

1.822km là chiều dài đường cao tốc Việt Nam đã đưa vào khai thác, theo báo cáo của Chính phủ tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV. Tuy nhiên, hàng trăm kilômét trong số này lại là những đoạn tuyến cao tốc chưa đạt chuẩn.

Sau khi đoàn công tác của Bộ Công an chủ trì khảo sát, đề nghị Bộ Giao thông Vận tải (Bộ GTVT) khắc phục những tồn tại. Liền sau đó, Bộ GTVT đã có một số động thái nhằm cải thiện tình hình. Theo đánh giá từ phía các chuyên gia, vấn đề này không phải nói là có thể xử lý ngay một sớm một chiều.

Sẽ xem xét lại 17 tuyến cao tốc còn bất cập

Mặt đường xuống cấp, hàng chục kilômét chỉ có 2 làn xe chạy trong khi tình trạng vi phạm giao thông diễn ra phổ biến khiến giao thông tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai hỗn loạn. Trong khi những vướng mắc về mở rộng cao tốc Nội Bài - Lào Cai chưa thể tháo gỡ hết, cả nước vẫn còn một số tuyến cao tốc khác trong tình trạng tương tự như Cam Lộ - La Sơn và La Sơn - Túy Loan.

caotoc cam lo la son.jpeg -0
Một phần đoạn đường cao tốc Cam Lộ-La Sơn.

Từ kết quả rà soát, Bộ Công an đề nghị Bộ GTVT khắc phục các bất cập và có lộ trình nâng cấp 7 tuyến cao tốc chưa đạt chuẩn an toàn; có lộ trình xây dựng trung tâm quản lý, điều hành giao thông trên đường cao tốc. Bộ Công an cũng đề nghị kết nối hệ thống camera giám sát cao tốc vào trung tâm thông tin chỉ huy của Cục CSGT nhằm phối hợp giám sát, xử lý vi phạm qua hình ảnh.

Trước đề nghị của Bộ Công an, Bộ GTVT vừa có văn bản yêu cầu các đơn vị liên quan rà soát, xử lý các bất cập về tổ chức giao thông trên một số tuyến đường bộ cao tốc. Cụ thể, Bộ GTVT giao Vụ Kế hoạch - Đầu tư phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát, báo cáo về chủ trương và lộ trình dự kiến để nâng cấp, mở rộng đối với các dự án đường cao tốc: Nội Bài - Lào Cai, Cao Bồ - Mai Sơn - QL45, Trung Lương - Mỹ Thuận, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Nha Trang - Cam Lâm, Hà Nội - Thái Nguyên, Cam Lộ - La Sơn. Đối với các vấn đề cần khắc phục bất cập về tổ chức giao thông trên các tuyến đường đang khai thác, tuyến cao tốc được đưa vào khai thác tạm, Bộ GTVT yêu cầu các cơ quan, đơn vị theo phạm vi, trách nhiệm quản lý, có trách nhiệm rà soát, sớm xử lý các bất cập về tổ chức giao thông theo quy định.

Cụ thể có 17 tuyến cao tốc được Bộ GTVT yêu cầu khắc phục bất cập về tổ chức giao thông gồm: Cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương, Hà Nội - Thái Nguyên, Cầu Giẽ - Ninh Bình, Hà Nội - Lào Cai, Đà Nẵng - Quảng Ngãi, TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, Pháp Vân - Cầu Giẽ, Hà Nội - Hải Phòng, Hải Phòng - Móng Cái, Bắc Giang - Lạng Sơn, Trung Lương - Mỹ Thuận, Cao Bồ - Mai Sơn, Mai Sơn - QL45, Phan Thiết - Dầu Giây, Cam Lộ - La Sơn, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Nha Trang - Cam Lâm.

Về bàn giao đưa công trình đường cao tốc đang khai thác tạm vào khai thác chính thức, Bộ GTVT yêu cầu các đơn vị theo phạm vi, trách nhiệm quản lý, các cơ quan, đơn vị khẩn trương hoàn thiện thủ tục nghiệm thu, hoàn thành công trình và phối hợp với Cục Đường bộ Việt Nam triển khai thủ tục bàn giao, tiếp nhận đưa công trình vào vận hành khai thác chính thức. Các cơ quan, đơn vị nêu trên báo cáo kết quả thực hiện về Bộ GTVT trước ngày 5/11/2023, trong đó nêu rõ các nội dung đã được xử lý theo quy định, các nội dung chưa xử lý, các nội dung cần có thời gian xử lý.

Cần có biện pháp lâu dài

Theo lãnh đạo Ban Quản lý khai thác của Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), cho biết đến nay một số tồn tại, bất cập trên các tuyến cao tốc do VEC đầu tư, quản lý khai thác như Cầu Giẽ - Ninh Bình, Nội Bài - Lào Cai, TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây đã được khắc phục; hiện đang tiếp tục triển khai xử lý, khắc phục những vấn đề còn lại. Cụ thể, tuyến Cầu Giẽ - Ninh Bình đã chặt cây trồng trong phạm vi ta luy, rào lại đoạn rào bị phá, sửa chữa hàng rào tại lối quay đầu khẩn cấp, phân định với đơn vị liên quan xác định ranh giới quản lý đường...

Với cao tốc Nội Bài - Lào Cai đã đấu thầu, ký hợp đồng với nhà thầu sửa chữa mặt đường để triển khai từ tháng 11-2023; tiếp tục sơn những vạch sơn bị mờ. Còn hệ thống cân xe trên tuyến được đầu tư khi thu phí thủ công hiện không phù hợp với tổ chức giao thông khi thu phí không dừng. Hiện VEC đang chờ Bộ GTVT hoàn thiện tiêu chuẩn hệ thống cân mới để thực hiện.

Ông Uông Việt Dũng, Chánh văn phòng kiêm người phát ngôn Bộ GTVT cho biết, lãnh đạo Bộ GTVT đã giao các đơn vị liên quan nghiên cứu, tiếp thu, xử lý những nội dung Bộ Công an nêu ra. Ông Dũng cho biết thêm thời gian qua Bộ GTVT đã nỗ lực sớm thông tuyến chính một số dự án đường cao tốc để đưa vào phục vụ nhu cầu đi lại của người dân. Trên một số tuyến còn đường gom, hạng mục phát sinh như cầu vượt, nút giao do địa phương đầu tư hoặc đề nghị bổ sung vào dự án hiện đang tập trung hoàn thiện để khai thác đồng bộ.

Theo phân tích từ các chuyên gia, ở nước ta, việc đầu tư các tuyến cao tốc còn phụ thuộc vào nguồn vốn bởi quy mô đầu tư xây dựng đường cao tốc lớn. Chính vì vậy, phần lớn khi nghiên cứu chuẩn bị dự án đều xét đến phương án phân kỳ đầu tư (kể cả phương án phân kỳ đầu tư tại các vị trí điểm ra, vào đường cao tốc). Trong trường hợp phân kỳ đầu tư nhất thiết phải chuẩn bị thiết kế tổng thể hoàn chỉnh cho tương lai. Từ đó có đủ các phần công trình đã được phân kỳ làm trước, đồng thời đảm bảo thiết kế phân kỳ tạo mọi điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng ở giai đoạn sau đồng bộ hơn. Khi làm đường cao tốc thì làn dừng khẩn cấp phải có và phải liên tục chứ không nên để ngắt quãng.

Tới đây, Việt Nam sẽ có 5.000km đường cao tốc vào năm 2030 và việc quản lý điều hành bằng ITS là vấn đề bắt buộc. Nếu không có trao đổi kỹ lưỡng và chi tiết, trước khi đưa ra quyết định thực hiện, hậu quả sẽ không chỉ tai hại trong điều hành quản lý giao thông mà còn gây lãng phí lớn về ngân sách nhà nước.

https://cand.com.vn/Giao-thong/tu-ket-qua-khao-sat-cua-bo-cong-an-hang-tram-cay-so-duong-cao-toc-rua-bo-se-som-duoc-khac-phuc-i712492/

Đặng Nhật / cand.com.vn