Tại BLHS 2015, lần đầu tiên chế định trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại được quy định. Theo đó, từ 1-1-2018, pháp nhân vi phạm pháp luật hình sự sẽ bị xử lý về 1 trong 33 tội danh.
Trong số 33 tội danh quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân có 22 tội thuộc nhóm các tội phạm về kinh tế, 9 tội thuộc nhóm các tội phạm về môi trường và 2 tội danh thuộc các tội xâm phạm an toàn công cộng, trật tự công cộng. Những hình phạt chính dành cho pháp nhân phạm tội gồm: Phạt tiền, đình chỉ hoạt động có thời hạn hoặc vĩnh viễn.
Ngoài ra, pháp nhân có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung như cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định, cấm huy động vốn, phạt tiền khi không áp dụng là hình phạt chính. Đồng thời, 4 biện pháp tư pháp áp dụng cho pháp nhân thương mại phạm tội bao gồm: tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm, trả lại tài sản, sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại, buộc thực hiện một số biện pháp nhằm khắc phục, ngăn chặn hậu quả.
Điều 188 BLHS 2015 về tội Buôn lậu quy định, người nào buôn bán qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa hoặc ngược lại trái pháp luật hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý trị giá từ 100 - dưới 300 triệu đồng thì bị phạt tiền từ 50 - 300 triệu đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng - 3 năm… Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt từ 300 triệu đồng - 15 tỷ đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 6 tháng - 3 năm. Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn.
Điều 192 BLHS 2015 về tội Sản xuất, buôn bán hàng giả nêu rõ, pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt từ 1 - 9 tỷ đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 6 tháng - 3 năm. Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn. Hình phạt bổ sung là cấm kinh doanh trong một số lĩnh vực, cấm huy động vốn 1 - 3 năm.
Pháp nhân sản xuất, buôn bán hàng giả có thể bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn
Điều 194 BLHS 2015 về tội Sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh quy định, pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này thì bị phạt từ 1 - 20 tỷ đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 1 - 3 năm. Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn. Ngoài ra, pháp nhân thương mại còn có thể bị cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 1 - 3 năm.
Điều 195 BLHS 2015 về tội Sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, giống vật nuôi quy định, pháp nhân thương mại phạm tội này bị phạt tiền từ 1 - 15 tỷ đồng, hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng - 3 năm. Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của BLHS thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn. Bên cạnh đó, pháp nhân còn có thể bị cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 1 - 3 năm.
Còn theo Điều 196 BLHS 2015 về tội Đầu cơ, pháp nhân thương mại phạm tội bị xử phạt từ 300 triệu đồng - 9 tỷ đồng, bị cấm kinh doanh, hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 1 - 3 năm.
Điều 200 BLHS 2015 về tội Trốn thuế quy định, pháp nhân thương mại phạm tội đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 300 triệu - 10 tỷ đồng hoặc bị đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 6 tháng - 3 năm thậm chí đình chỉ vĩnh viễn. Ngoài ra, pháp nhân thương mại còn có thể bị cấm kinh doanh, hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 1 - 3 năm.
Điều 216 BLHS 2016 về tội Trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao độngnêu rõ, pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này thì bị phạt tiền từ 200 triệu đồng - 3 tỷ đồng.
Điều 217 về tội Vi phạm quy định về cạnh tranh quy định, cá nhân phạm tội này đối diện với mức phạt 200 triệu đồng hoặc 5 năm tù. Pháp nhân thương mại có hành vi phạm tội sẽ bị phạt 1 - 3 tỷ đồng. Phạm tội một trong các trường hợp: dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường hoặc độc quyền thị trường, gây thiệt hại cho người khác từ 3 tỷ đồng trở lên... thì có thể bị phạt tới 5 tỷ đồng, đình chỉ hoạt động đến 2 năm.
Còn theo Điều 225 BLHS 2015 về tội Xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan, cá nhân phạm tội này bị phạt cải tạo không giam giữ 3 năm hoặc phạt tù tới 5 năm.Pháp nhân thương mại phạm tội này bị phạt từ 300 triệu - 1 tỷ đồng.Trường hợp phạm tội 2 lần trở lên, hàng hóa vi phạm trị giá 500 triệu trở lên có thể bị phạt tới 3 tỷ đồng hoặc đình chỉ hoạt động đến 2 năm.
Ngoài các tội trên, nếu vi phạm pháp luật hình sự, pháp nhân thương mại còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về một trong các tội: Gian lận trong kinh doanh bảo hiểm (điều 213), Cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán (điều 209), Xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp (điều 226)…
Doanh nghiệp nợ BHXH: "Vô hiệu hóa" mọi chế tài
Tây Ninh đang có 2 doanh nghiệp (DN) là Cty TNHH TMDV Cỏ Xanh và Cty TNHH SXTM-XNK Hưng Khang nợ BHXH hàng tỉ đồng. ... |
37.000 công nhân nói “không” với đình công
Công ty CP đầu tư Thái Bình (phường An Phú, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương) là một trong 10 doanh nghiệp (DN) hàng ... |