Lễ Vu lan diễn ra vào ngày Rằm tháng 7 âm lịch. Đây là một ngày lễ lớn của các tăng ni, phật tử trong Phật giáo.
Lễ Vu lan diễn ra vào ngày Rằm tháng 7 âm lịch. Đây là một ngày lễ lớn của các tăng ni, phật tử trong Phật giáo.
Trao đổi với VietNamNet về ngày lễ Vu lan, thượng tọa Thích Đức Thiện - Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội đồng trị sự (HĐTS); Trưởng Ban Phật giáo quốc tế, TƯ Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPG) cho biết:
"Theo Phật giáo, Rằm tháng 7 hàng năm là dịp để mỗi người thể hiện lòng hiếu nghĩa không chỉ với những người quá cố mà còn cả với những người đang sống. Đó là hạnh hiếu của nhà Phật và tâm hiếu của mọi người".
|
|
Thượng tọa Thích Đức Thiện - Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội đồng trị sự (HĐTS); Trưởng Ban Phật giáo quốc tế, TƯ Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPG). Ảnh: VietNamNet. |
Nguồn gốc ngày lễ Vu lan
Thượng tọa chia sẻ, lễ Vu lan báo hiếu, còn được gọi là “Vu lan bồn”. Đây là một trong những nghi lễ vô cùng quan trọng của Phật giáo, xuất phát từ điển tích Bồ Tát Mục Kiền Liên cứu mẹ.
Trong kinh Vu lan của đạo Phật, bà Thanh Đề - mẹ của Bồ Tát Mục Kiền Liên khi sống gây nhiều ác nghiệp nên bị đày xuống địa ngục làm quỷ đói. Ông dùng mắt thần biết được sự việc nên vô cùng đau lòng, đã đem cơm xuống địa ngục dâng mẹ.
Tuy nhiên, khi bà Thanh Đề đưa cơm lên miệng, đồ ăn đều hóa thành lửa đỏ. Mục Kiền Liên đau xót, cầu khấn Đức Phật chỉ cách cứu mẹ.
Đức Phật dạy, chỉ có hợp sức của chúng tăng vào ngày rằm tháng 7 mới mong cứu được mẹ. Mục Kiền Liên làm theo và đã giúp bà Thanh Đề được giải thoát.
|
|
Vu lan báo hiếu là nghi lễ quan trọng trong Phật giáo. Ảnh: Diệu Bình |
Từ đó, vào dịp tháng 7 hằng năm, các Phật tử thường tổ chức cúng, dâng phẩm vật lên Tam Bảo để cầu nguyện cho ông bà, cha mẹ được siêu thoát. Đó là một hình thức để báo hiếu, tưởng nhớ những người thân đã mất trong gia đình.
Ý nghĩa ngày lễ Vu lan
Vẫn theo lời thượng tọa Thích Đức Thiện, lễ Vu lan báo hiếu không chỉ là ngày dành cho các Phật tử, đó còn là mùa báo ân, báo hiếu của tất cả những người con dành cho cha mẹ đã sinh thành và dưỡng dục mình.
Theo giáo lý Phật dạy, việc tỏ lòng thành kính biết ơn đấng sinh thành của mỗi người có nhiều cách khác nhau.
|
|
Dịp lễ Vu Lan, mỗi người được cài lên áo một bông hoa hồng: màu đỏ cho người còn mẹ và màu trắng cho ai đã mất mẹ. Ảnh: VietNamNet. |
Vào ngày này, các Phật tử thường làm lễ cúng dường, lễ cầu siêu, làm phúc bố thí, phóng sinh để tích phước, cầu mong cho cha mẹ được tăng phúc tăng thọ, hóa giải nghiệp chướng...
Dịp lễ Vu lan, mỗi người được cài lên áo một bông hoa hồng: màu đỏ cho người còn mẹ và màu trắng cho ai đã mất mẹ.
Với những ai may mắn được cài bông hồng đỏ trên ngực áo thì được nhắc nhở vâng lời, hiếu kính, lễ phép với cha mẹ.
Còn người cài hoa trắng sẽ tưởng nhớ đến cha mẹ đã qua đời, đồng thời giữ nề nếp gia phong anh em hòa thuận.
Phong tục cài hoa hồng đỏ, hoa hồng trắng vào dịp Vu lan là do Thiền sư Thích Nhất Hạnh khởi xướng vào thập niên 60 của thế kỉ trước để tăng thêm ý nghĩa văn hóa cho lễ hội này.
Thượng tọa Thích Đức Thiện nhấn mạnh: "Lễ Vu lan và Xá tội vong nhân hoàn toàn khác nhau về ý nghĩa. Tuy nhiên, người dân hay bị nhầm lẫn.
Nếu lễ Vu lan là phong tục tập quán tốt đẹp trong văn hóa Phật giáo, để các Phật tử và người dân tỏ lòng hiếu kính với cha mẹ, tổ tiên...
Thì lễ Xá tội vong nhân xuất phát từ tín ngưỡng dân gian, đề cao sự ban phước cho các cô hồn chưa được siêu thoát.
Vì vậy, mọi người đều cúng chúng sinh bằng cháo loãng, gạo, bỏng, muối… để siêu sinh cho những linh hồn không nơi nương tựa ấy.
Đại lễ Vu Lan: Nước mắt rơi trong nghi thức bông hồng cài áo
Nhiều người đã bật khóc nức nở khi cài lên ngực mình bông hồng trong ngày lễ Vu Lan tại chùa Đình Quán. |
Vu Lan: Ai còn mẹ, xin đừng làm mẹ khóc...
Ai còn mẹ, xin đừng làm mẹ khóc... |
\'Đừng nhầm lễ Vu Lan với ngày Xá tội vong nhân\'
Cứ đến dịp tháng bảy âm lịch hằng năm, là dịp lễ Vu Lan báo hiếu, con cái tỏ lòng hiếu thuận đến cha mẹ. ... |
Hải Linh