Trước trung tá Bình, hắn xin thuốc liên tục và trả lời ráo hoảnh các câu hỏi. Không chút run sợ, không chút ân hận, hắn ký vào bản cung không run tay. Hắn cười cợt khi ký vào niêm phong gói vàng và trước ống kính máy ảnh của tôi, hắn còn sửa tư thế ngồi cho… đàng hoàng.
II - Cuộc săn lùng trên đường
Mũi truy lùng của chúng tôi cùng với CSGT tỉnh Tuyên Quang và có sự hỗ trợ của CSHS tỉnh lập một trạm kiểm soát lưu động ngay tại cây số 5 trên đường vào thị xã lúc 13 giờ chiều ngày 20. Cũng vào thời điểm này, việc “chỉ mặt đặt tên” kẻ gây án đã được xác định. Dấu vân tay kẻ giết người để lại trên hiện trường trùng với dấu vân tay của Nguyễn Văn Châu trong tàng thư và trong hồ sơ quản lý phạm nhân vì trước đây, hắn đã có tiền án về tội đánh bạc. Có thông tin rằng trưa ngày 20, tên Châu đã lên một chiếc xe khách chạy tuyến Nam Định - Hà Giang. Đặc điểm nhận biết: Chân đi giày, tay trái bị băng và xách cặp đen… Toàn bộ lực lượng truy lùng rải từ Nam Định, Hà Nam, Hà Nội, Vĩnh Phú, Phú Thọ, Tuyên Quang… như guồng máy hoạt động hết công suất. Bắt bằng được kẻ giết người trong thời gian ngắn nhất - đó là quyết tâm cháy bỏng từ lãnh đạo Bộ Công an, Ban giám đốc CATP Hà Nội, cho tới anh em các đơn vị trực tiếp thực hiện. Hà Nội “ném” vào vụ này hơn 200 cảnh sát, 21 xe ô tô, còn công an các tỉnh trong phạm vi truy lùng cũng huy động vào mỗi tỉnh khoảng từ 50 đến 100 cán bộ, chiến sĩ công an.
Đến lúc này thì tôi buộc phải “kiêm nhiệm” nhiều việc, anh em cũng chẳng coi tôi là nhà báo và mặc nhiên sai bảo tôi như một người lính đặc nhiệm của mình. Vừa “bẻ lái ô tô” đưa anh em đi, vừa thi thoảng là “thư ký” cho thiếu tá Đỗ Văn Hùng ghi nhận những thông tin về tên tội phạm từ các “kênh”, rồi đi làm ảnh tên Châu gửi về Hà Nội phát cho anh em để nhận dạng bởi cái mặt hắn trong tàng thư là cái mặt cũ, râu ria tua tủa, còn bây giờ cần phải có cái mặt mới để nhận diện cho chuẩn hơn… Không những thế, còn có một tình huống xảy ra khiến tôi trở thành… “nhân vật VIP”!?
Số là ra khỏi khu vực thành phố Hà Nội, những chiếc điện thoại di động Mobifone của Công an TP. Hà Nội cấp cho CSĐT, CSHS bị “tịt” hết vì không có sóng. Việc thì như lửa cháy, lượng thông tin về tên tội phạm mỗi lúc một nhiều, vậy mà điện thoại thì trở thành cục sắt. May làm sao điện thoại của tôi lại là Vinaphone, cho nên tôi trở thành cầu nối duy nhất giữa “cánh quân phía Bắc” với Ban giám đốc CATP và với “cánh quân phía nam” do trung tá Nguyễn Văn Bình, Trưởng phòng CSHS chỉ huy đang cùng công an Nam Định, Hà Nam lần theo từng dấu chân của tên Châu và “lục tung” các nhà hàng, quán trọ, khách sạn… Điện thoại gọi đi, nhận đến liên tục, máy lúc nào cũng nóng rực. Tất cả pin của các máy Mobifone anh em mang theo được dồn lại phục vụ cho chiếc máy này. Nhưng rồi thấy chuyện nạp pin, thay pin cũng gây mất thời gian nên phải lấy bộ sạc cắm trực tiếp (Khi về Hà Nội, tôi có hỏi tổng đài của Vinaphone thì chỉ trong ba ngày 20,21,22, điện thoại của tôi đã gọi đi khoảng 500 phút. Và cũng qua lần sử dụng này, tôi mới thấy những quảng cáo về điện thoại di động rằng đàm thoại được mười mấy giờ liên tục thực tế là quảng cáo… cuội).
Chúng tôi kéo nhau ra mặt đường vào đúng lúc trời nắng như đổ lửa và nóng hầm hập. Ban giám đốc CA tỉnh Tuyên Quang giao cho CSGT và CSHS của tỉnh phối hợp cùng anh em Hà Nội kiểm tra xe. Một số đồng chí CSGT biết mặt tên Châu cũng được huy động để nhận mặt. Lúc bàn việc kiểm tra các xe, anh em CSGT cũng băn khoăn về việc có nên kiểm tra xe con không, rồi cả xe biển đỏ, biển xanh nữa. Bàn đi tính lại, cuối cùng chúng tôi quyết định cứ cho kiểm tra tất cả các xe, chỉ có điều là khi lên xe, cần xin lỗi hành khách và lái xe cho lễ phép và nói rõ yêu cầu là đang cần tìm một tên tội phạm nguy hiểm. Bỏ qua không kiểm tra xe biển xanh biển đỏ cũng không yên tâm, vì biết đâu có anh lái xe tốt bụng, cho một gã nào đó có bàn tay bị thương, băng bó xin đi nhờ thì hỏng việc.
Một nhóm CSHS thì ngồi bên trái đường với nhiệm vụ nhìn những người ngồi sau xe máy mà có dấu hiệu “khả nghi” - nghĩa là tay trái bị băng và xách cặp đen.
Khoảng 14 giờ, áng chừng xe khách chạy từ Hà Nội đã lên đến Tuyên Quang thì việc kiểm tra xe bắt đầu. Và một cảnh tượng nwh sau được lặp đi lặp lại suốt chiều ngày 20, hết đêm hôm đó, qua ngày 21 và cho đến tối ngày 22 - nghĩa là khi thông báo tên Châu bị bắt thì việc kiểm tra xe mới chấm dứt:
Cảnh sát giao thông ra hiệu lệnh dừng xe. Xe vừa đỗ, hai CSHS bám bên trái, hai anh khống chế cửa lên xuống và ba người lên xe. Những gì mà bà con đi trên xe khách trong những ngày đó ghi nhận được ở các cuộc kiểm tra này là những gương mặt mệt mỏi phờ phạc vì căng thẳng. Anh thì áo bỏ ngoài quần, anh thì hùm hụp chiếc khăn mặt dấp nước úp lên đầu, người dép lê, anh chân đất, rồi những nụ cười như được nặn ra trong những cố gắng có thể. Những hành khách nào có vóc người bé nhỏ, mặt lưỡi cày, thì được “Xin lỗi, anh làm ơn cho xem bàn tay trái… Rồi, cảm ơn”. Lúc đầu, anh em còn thưa gửi, xin lỗi, cảm ơn… nhưng sau không nói nổi nữa. Cảnh kiểm tra như vậy không chỉ có ở Tuyên Quang, mà còn ở Hà Nội, Vĩnh Phú, Phú Thọ. Có lái xe thắc mắc với chúng tôi: “Chả hiểu sao hôm nay thấy kiểm tra xe nhiều quá…”. Có những lúc tôi cũng được anh em sai đi kiểm tra. Và tay cầm ảnh của tên Châu, tôi cũng lên xe dòm ngó, cũng soi mói vào ai đó, thậm chí còn đọ ảnh với mặt người ta. Lúc ấy, hẳn vị khách đó lo toát mồ hôi? Chúng tôi kiểm tra không sót một loại xe nào, kể xả xe tải loại nhỏ đóng thùng kín mít mà nếu đối tượng có nằm trong đó, không khéo đã chết vì nóng.
Trong khi tổ chúng tôi hoạt động lo dưới Tuyên Quang thì trên Chiêm Hóa, tổ trinh sát do đại úy Tuấn phụ trách có cả hai CSĐT của CA Đống Đa phối hợp đang lao vào cuộc “đào bới, xới lộn” các mối quan hệ của tên Châu. Cũng phải nói thêm rằng trong vụ án này, CSĐT, CSHS của CA quận Đống ĐA đã có những đóng góp hết sức quan trọng. Chính CSĐT của CA quận đã cùng với CSĐT của CATP tìm ra được mối quan hệ của nạn nhân Phạm Công Thức với tên Châu. Và đó là tia sáng duy nhất của vụ án. Hai CSĐT của quận trong nhóm công tác ở Tuyên Quang là Giang và Lê lao vào công việc xem ra còn “máu” hơn cả quân của các phòng. Cũng phải thôi, án xảy ra trên địa bàn của họ, cay mũi lắm chứ.
Chiều hôm đó, chúng tôi quyết định bồi dưỡng để lấy lại sức. Ban giám đốc CA tỉnh Tuyên Quang yêu cầu CSGT lo nơi ăn nghỉ tươm tất cho anh em CA Hà Nội, nhưng nhiệm vụ lúc này là phải bám mặt đường, không ai còn nghĩ đến ăn nghỉ nữa. Anh em CSGT bảo chúng tôi chuyển vị trí kiểm tra lên khu vực cây số 13, nơi ấy có quán xá, có nơi nghỉ. Nhưng nếu chuyển đi thì điện thoại di động lại mất sóng, nên không được. Chúng tôi nhờ anh chị chủ nhà nơi trú quân làm cho bữa cơm có thịt gà rang, rau muống luộc và canh chua. Cơm đã nấu xong thì trinh sát từ trên Chiêm Hóa điện về xin tăng cường để khai thác các đối tượng vốn là bạn bè chiến hữu của tên Châu đồng thời đi xác minh một số nguồn tin. Thế là Thanh Hùng và Trung cùng hai trinh sát nữa lại đi Chiêm Hóa ngay. Anh chị chủ nhà cứ băn khoăn về chuyện anh em lại nhịn đói lên đường.
Bữa cơm, chúng tôi bày ra bàn kê ngoài vỉa hè và lần đầu tiên trong đời tôi được ăn một bữa cơm nhưng người trong mâm không quay mặt vào nhau mà tất cả quay mặt ra… đường. Đang ăn cơm, thấy ánh đèn pha ô tô là lại bỏ bát xuống, chạy ra… CSGT của tỉnh cứ vài tiếng lại có quân đến thay ca, còn mấy anh em chúng tôi thì động viên nhau để thức đêm. Thuốc chống buồn ngủ là uống viên 3B liều cao. Buổi đêm, anh em thay nhau ngủ gà gật trong ô tô hay trải chiếu nằm vệ đường. Thiếu tá Đỗ Văn Hùng vừa trực tiếp khám xe, vừa dùng điện thoại chỉ huy các mũi trên Chiêm Hóa, Nam Định, Thái Bình, Phú Thọ xác minh đối tượng… Lượng thông tin đổ về mỗi lúc một nhiều và có những chuyện không thể không xác minh ngay. Có anh lái xe khách khi chúng tôi hỏi rằng có thấy ai xuống ngang đường và bàn tay trái người đó bị băng, anh ta cho hay rằng vừa có người như thế xuống xe cách ba chục cây số. Thế là lại lên đường và hỏi cho ra tung tích người băng tay đó. Hóa ra đó là một ông già bị gãy tay, vừa đi bó bột về!
Chỉ trong một buổi chiều ngày 20 và cho đến rạng sáng ngày 21, chốt của chúng tôi đã kiểm tra 152 xe ô tô các loại. Không tìm thấy tội phạm nhưng tôi phát hiện ra một điều thú vị là hình như các lái xe và hành khách cũng lờ mờ hiểu rằng anh em công an đang lùng một tên tội phạm đặc biệt nguy hiểm nào đó nên không một ai phàn nàn hay tỏ thái độ khó chịu. Ngay cả những người đi trên các xe con sang trọng mang biển cơ quan nhà nước cũng vậy.
Sáng ngày 21, CSĐT Công an Tuyên Quang đã tìm ra được nhiều thông tin về Nguyễn Văn Châu. Các anh tập trung khai thác một số đối tượng có quen biết Châu đan nằm tại “kho” và biết rằng Châu là kẻ đặc biệt mê cờ bạc. Hắn có thể đi đánh bạc hàng tháng trời trên Na Hang hay tại các ổ cờ bạc ở Nam Định, Hà Nam, Bắc Cạn… Tháng 4 vừa rồi, hắn đi đánh bạc ở Chợ Đồn (Bắc Cạn). Ngày đầu tiên, hắn nướng vào sòng bạc con Dream II và 15 triệu đồng. Nhưng rồi mấy ngày sau, hắn ăn lại và thắng một con xe Hyosung. Hắn đã chụp khá nhiều ảnh bên cạnh chiếc xe chiến tích này và đó là chiếc xe duy nhất ở Tuyên Quang. (Những bức ảnh hắn cưỡi xe tôi đã chụp lại và sau đưa các mũi trinh sát để nhận diện). Nhưng rồi chiếc xe ấy cũng không “sống” được lâu. Vào trung tuần tháng 7, chính xác là 5 ngày trước khi gây án, hắn “nướng” chiếc xe tại một sòng bạc ở khu vực ngã ba Hàm Tân.
Cũng trong sáng ngày 21, mũi trinh sát trên Chiêm Hóa đã có được nhiều tin tức quan trọng. Một gã bạn nghiện với Châu cho biết rằng trước kia, Châu đã có lần bị công an Hà Nam Ninh bắt vì tội đánh bạc và nơi hắn bị bắt, hình như ở huyện Duy Tiên. Tại đây, hắn có một thằng bạn tên là Oánh. Để xác minh cho thật chính xác, thiếu tá Đỗ Văn Hùng, Phó phòng CSĐT và đại úy Trung cùng các trinh sát lao đi Na Hang, cách Tuyên Quang 108km. Các anh đã đến một số ổ cờ bạc, được cơ sở cho biết, tên Châu hẹn về Na Hang đánh bạc vào ngày thứ tư. Như vậy, động cơ giết người cướp vàng của tên Châu đã rõ. Vậy hắn sẽ trở về Na Hang bằng đường nào - rất có thể bằng đường thủy. Hắn vốn là kẻ thạo nghề sông nước trong những năm làm chủ bưởng vàng trên sông Lô và vào thời điểm này, đi đường bộ rõ ràng khó thoát cho nên giả thiết hắn đi đường thủy xem ra cũng có lý. Và thế là đến lượt cảnh sát giao thông đường thủy giăng lưới trên sông Hồng từ khu vực cảng Sơn Tây, Phú Thọ, Việt Trì, lên đến Tuyên Quang. Được chứng kiến cảnh các sòng bạc ẩn sâu trong rừng núi, các trinh sát rất lo… nếu thằng Châu mà thoát lên được vùng thâm sơn cùng cốc này, việc truy lùng sẽ cực kỳ khó khăn.
Thiếu tá Đỗ Văn Hùng khuyên tôi trở về Hà Nội đi theo “cánh quân phía Nam” vì: “Tôi ngửi thấy mùi… của nó ở Duy Tiên. Muộn lắm là hai ngày nữa sẽ tóm được nó thôi” - Anh bảo như vậy. Sau khi vét hết túi để lại ít tiền cho Hùng “cầm cự” chờ tiếp tế, và dĩ nhiên là cả điện thoại di động, tôi về Hà Nội mượn điện thoại di động của Tổng biên tập và lại bám theo trung tá Nguyễn Văn Bình, Trưởng phòng CSHS xuống Hà Nam.
Hiệu vàng Kim Sinh - nơi xảy ra án mạng năm 1999 |
III - Trên “mặt trận” phía nam
Mũi truy lùng ở phía nam xem ra lại còn vất vả hơn cánh phía bắc. Suốt ngày 20, 21 và 22, các trinh sát của Phòng CSHS, rồi CSĐT của CA Đống Đa tỏa đi các nơi xác minh mối quan hệ của tên Châu. Công an Hà Nam, Nam Định cũng tung hết lực lượng hình sự, điều tra của mình vào cuộc. Có thể khẳng định rằng trong vụ án này, không có một chi tiết tình nghi nào về thủ phạm mà lại được bỏ qua, và cũng không còn có mối quan hệ nào của thủ phạm mà không được làm rõ.
Có ngày trinh sát phải đi hai, ba tỉnh trong thời tiết nóng như đốt và bằng đủ loại phương tiện. Có những đồng chí hai ngày không có hạt cơm vào bụng, có anh cứ bẻ mì ăn liền nhai sống rồi uống nước. Đại úy Nguyễn Việt Chức, Đội trưởng Đội đặc nhiệm thì ba ngày rồi không được tắm. Khi gặp nhau, tôi vừa định bá vai anh thì anh vội lùi ra và bảo: “Người em chua, bẩn lắm, đnừg lại gần, anh!”… Nhưng tại mũi truy lùng này có một câu chuyện mà tôi đánh cuộc là không có một nhà văn nào có thể tưởng tượng ra được.
Nhóm trinh sát do đại úy Hải của Phòng CSHS phải đi xác minh về mối quan hệ của tên Châu với một người bà con ở huyện Vĩnh Lạc - Thanh Hóa. Anh em đi bằng chiếc xe Jeep cũ của CA Đống Đa và đi vào lúc giữa trưa. Qua khỏi cầu Hàm Rồng thì rẽ theo đường đê và bò với tốc độ như người đi đi bộ - 16km hết một tiếng rưỡi. Nóng quá, ngồi trên xe mà như ngồi trong chảo rang. Lính tráng bèn nghĩ ra cách là để nguyên quần áo nhảy xuống sông rồi lại lên xe. Đói quá, anh em tạt vào một quán cháo lươn để ăn và đúng lúc bà chủ vừa nấu xong nồi cháo. Chờ cho cháo nguội thì lâu và trời nóng lại húp cháo nóng thì khổ quá. Lính hình sự nghĩ ra sáng kiến “vĩ đại” là… bỏ đá vào cháo lươn!!! Bà chủ quán đứng trố mắt ra nhìn anh em ăn cháo… đá và không thể hiểu mấy “gã” này có bụng dạ kiểu gì?Vậy mà sau đó, không ai đau bụng, kể cũng lạ!
Theo đề nghị của trung tá Bình, tôi lại chở một nhóm CSHS đi Sơn Tây để phối hợp với CSGTĐT. Nhìn dòng sông Hồng đang vào mùa lũ rộng mênh mông, nước chảy cuồn cuộn, chúng tôi giật mình. Sông nước thế này, thằng Châu mà bỏ đường bộ đi đường thủy, xem ra gay go đây. Đồng chí Huy, Trưởng phòng trinh sát của Cục CSGTĐT cùng CA Hà Tây, Vĩnh Phú, Phú Thọ đã ngồi chờ anh em CSHS. Ảnh nhận diện tội phạm thì lấy từ Tòa soạn ANTG… Bàn bạc xong xuôi, phân công trách nhiệm rõ ràng cho các đơn vị đường sông xong thì từ Duy Tiên có điện của đại úy Chức: Kéo quân về Duy Tiên (Hà Nam) ngay để chuẩn bị cất vó.
Cũng vào thời điểm chiều ngày 22, các trinh sát hình sự do đại úy Chức chỉ huy cùng CSHS của huyện Duy Tiên đã “khoanh” được khu vực tên Châu đang ẩn náu và người biết được đích xác tên Châu đang ở đâu là Nguyễn Sóc Oánh. Trung tá Bình về Hà Nội báo cáo tình hình với Ban giám đốc rồi vội vã lên đường trở lại Duy Tiên ngay và anh đã cùng một đồng chí công an huyện Duy Tiên vào nhà tên Oánh. Oanh đi vắng nhưng trong góc giường có chiếc cặp màu đen và các trinh sát xác định ngay đó là cặp của tên Châu. Sáu giờ tối, Oánh về và đây có lẽ là lần đầu tiên anh em CSHS phải nín nhịn trước những cuộc mặc cả kiểu lưu manh của tên Oánh về Nguyễn Văn Châu. Lúc này, việc bắt cho được tên Châu là mục tiêu cao nhất, vì vậy, Trung tá Bình phải “ngọt nhạt” với Oánh và thậm chí còn phải rút tiền cho hắn. Các anh biết hơn ai hết rằng nếu đêm nay không bắt được tên Châu thì ngày mai, lệnh truy nã tội phạm được công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng và lúc đó, việc truy lùng tội phạm sẽ phải triển khai theo phương án khác phức tạp và khó khăn gấp bội. Đến 19 giờ 30 phút thì tên Oánh đã “bán” nơi tên Châu ẩn nấp với giá 500.000đ…
… Nguyễn Minh Châu chạy từ Vụ Bản về Duy Tiên là vào trưa ngày 20. Để tránh sự truy xét của công an, hắn thay đổi xe ôm liên tục rồi vào nhà Nguyễn Sóc Oánh. Hắn lẳng lặng đem gói vàng tay bọc lại ném xuống góc ao, còn số vàng ta thì giấu trong đống rơm… Ngày hắn đánh bạc với bọn Oánh, tối hắn sang nhà Nguyễn Thị Xuân tìm thú vui ở ổ điếm hạ cấp này.
Tối ngày 22, hắn mò sang nhà thị Xuân. Đang chuẩn bị “đến lượt” thì có hai gã thanh niên mặt mũi trông chẳng có chút gì lương thiện cả xông vào… Thế là hắn ra ngoài bờ ruộng… chờ. Lại có mấy tay thanh niên nữa đi đến. Trời tối nhập nhoạng, hắn cũng chẳng nhìn ra được ai. Đi ngang qua, một người mặc áo hoa bấm đèn pin vào mặt hắn và hắn chỉ kịp nghe tiếng: “Đúng nó rồi” là bị quật sấp xuống cỏ. Lúc đó là vào 20 giờ 20 phút.
Trước trung tá Bình, hắn xin thuốc liên tục và trả lời ráo hoảnh các câu hỏi. Không chút run sợ, không chút ân hận, hắn ký vào bản cung không run tay. Hắn cười cợt khi ký vào niêm phong gói vàng và trước ống kính máy ảnh của tôi, hắn còn sửa tư thế ngồi cho… đàng hoàng. Khi biết tôi mới từ trên nhà hắn trở về, hắn hỏi: “Nhà cháu đã có ai biết chưa. Cháu làm khổ vợ con rồi!”. Lúc đó, mặt hắn có thần ra, nhưng chỉ thoáng sau, hắn lại nói tỉnh như không: “Tội cháu đáng bắn. Khi nào thi hành án, xin các chú cho cháu được bắn ở quê”.
Truy lùng (kỳ 1): Cuộc hành quân trong đêm và "nỗi mừng" khi đối tượng vắng nhà
Chúng tôi đi lên Tuyên Quang lúc gần 9 giờ tối. Phó phòng CSĐT, đồng chí Đỗ Văn Hùng, cùng anh em đội trọng án ... |
Chiến dịch truy lùng tử tù vượt ngục chưa từng có của Công an Hà Nội (Kỳ 1)
Nếu không bắt được chúng, nếu không có những thực nghiệm điều tra nghiêm túc, khoa học thì không ai có thể tin rằng một ... |