Khánh thành cách đây hai năm, trường mẫu giáo dành cho con em công nhân ở Điện Bàn (Quảng Nam) vẫn chưa hoạt động.
Nằm trong khu thiết chế công đoàn thuộc quyền quản lý của Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, năm 2014 trường mẫu giáo phục vụ con em công nhân khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc (xã Điện Nam Trung, thị xã Điện Bàn, Quảng Nam) được khởi công xây dựng giai đoạn một với hai phòng học.
Sau hai năm, trường mầm non của khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc vẫn bỏ hoang. Ảnh: Đắc Thành.
Kinh phí đầu tư 1,2 tỷ đồng từ nguồn tài trợ của Quỹ Tấm lòng vàng và nguồn tài chính của Công đoàn liên đoàn lao động tỉnh Quảng Nam. Hai phòng học này hoàn thành ngay trong năm, nhưng không hoạt động.
Tháng 5/2017, Tổng liên đoàn lao động Việt Nam tiếp tục đầu tư 6,1 tỷ đồng, xây dựng giai đoạn hai, với năm phòng học, một bếp ăn, hai phòng hiệu bộ và các hạng mục phụ trợ. Nguồn kinh phí được doanh nghiệp hỗ trợ và liên đoàn tỉnh đóng góp.
Cuối năm 2017, ngôi trường được khánh thành hứa hẹn giải quyết nhu cầu gửi con của hàng chục nghìn lao động đang làm việc tại khu công nghiệp. Tuy nhiên, sau hai năm ngôi trường vẫn bị bỏ hoang. Khuôn viên sân trường, cỏ cây mọc um tùm. Những ổ khóa đã hoen gỉ, cửa kính có chỗ bị vỡ.
Các dãy phòng đóng kín cửa, bụi bấm bám vào. Ảnh: Đắc Thành.
Chị Trần Thị Huệ, công nhân Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc chia sẻ, vợ chồng đều làm công nhân thu nhập hơn 7 triệu đồng một tháng. Chị có con đầu 3 tuổi, con thứ hai 15 tháng tuổi đều phải gửi nhà trẻ tư hết 2,5 triệu đồng, vì thế kinh tế gia đình rất khó khăn.
"Lúc khánh thành trường mẫu giáo, tôi rất vui vì được gửi con ở một ngôi trường chất lượng, mức học phí thấp hơn trường tư thục, nhưng rồi chờ mãi không thấy trường hoạt động", nữ công nhân nói.
Ông Lưu Văn Thương, Phó chủ tịch Liên đoàn lao động tỉnh Quảng Nam cho biết, trường chưa khai thác được vì mới đầu tư phòng ốc, cơ sở bên ngoài, chưa có trang thiết bị bên trong để dạy và học. Đồ vui chơi giải trí không có và phương án quản lý chưa được phê duyệt nên không thể vận hành.
Dây điện bị hư hỏng. Ảnh: Đắc Thành.
Tổng liên đoàn lao động Việt Nam đã giao cho Liên đoàn lao động tỉnh đề xuất phương án quản lý. Đơn vị đã làm đề án cho doanh nghiệp, cá nhân đấu thầu và gửi đến cấp trên. Trong đó đơn vị trúng thầu phải ưu tiên tuyển con em công nhân, đoàn viên công đoàn và có mức hỗ trợ học phí thích hợp. Cá nhân, tổ chức trúng thầu được quyền tuyển sinh ngoài đối tượng quy định, khi thiếu chỉ tiêu.
"Chúng tôi đang chờ phê duyệt chủ trương từ Tổng liên đoàn và mong sớm được đồng ý để kêu gọi đấu thầu, đón trẻ vào học năm 2019-2020", ông Thương nói.
Những người 30 năm sống trong thùng phuy bỏ hoang ở Nga
Hơn 30 năm nay, người dân ở khu vực Kirovsky thuộc thành phố Omsk của Nga đã sống trong những chiếc thùng phuy lớn của ... |
2.000 ha bỏ hoang: Hệ lụy của "lịch sử để lại"!
Thủ tướng Chính phủ vừa chính thức có ý kiến yêu cầu Hà Nội kiểm tra, xử lý 2.000 ha các dự án đô thị ... |