Được một tổ chức đánh giá chất lượng quốc tế phân nhóm, xếp hạng, với việc tự gắn “nhãn quốc tế” là hai việc hoàn toàn khác nhau.
Sau câu chuyện xảy ra với bé trai 6 tuổi ở trường Gateway, TS Lê Hồng Sơn – nguyên Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản, Bộ Tư pháp cho rằng, ở Việt Nam đang có một thực tế là tâm lý xã hội cũng như nhận thức xã hội có sự nhầm lẫn, đánh giá lẫn lộn theo kiểu “đầu dê, thịt chó” giữa việc đánh giá chất lượng để phân nhóm, xếp hạng với việc tự gắn “nhãn quốc tế” các cơ sở dịch vụ giáo dục đào tạo và y tế…
PV: Thưa ông, sau sự việc bé trai 6 tuổi trường Gateway chết thương tâm trên xe ô tô đưa đón học sinh với việc phanh phui hàng loạt trường học tự xưng 'quốc tế', báo chí lại phản ánh tình trạng tương tự trong lĩnh vực y tế.
Theo đó, tại Việt Nam chỉ có 4 cơ sở khám chữa bệnh được Tổ chức đánh giá chất lượng y tế hàng đầu thế giới JCI công nhận chuẩn quốc tế, trong khi hầu như ở địa phương lớn nào cũng có các bệnh viện đa khoa gắn mác quốc tế.
Ông bình luận thế nào về tình trạng gắn nhãn quốc tế này? Có thể lý giải điều này ra sao, thưa ông?
TS Lê Hồng Sơn: - Trước sự việc đau lòng bé trai 6 tuổi trường quốc tế Gateway chết thương tâm trên xe đưa đón học sinh thì công luận lại xoay sang đặt dấu hỏi về chất lượng của nhà trường cũng như việc gắn “mác quốc tế” có phù hợp hay không. Quả thật đây là vấn đề mà xã hội cũng như cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần phải quan tâm, xử lý đúng mức độ, đúng yêu cầu của vấn đề. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, việc được công nhận đạt chuẩn quốc tế cũng như được xếp vào danh sách các cơ sở đạt chất lượng quốc tế là một thực tế.
Việc gắn “mác quốc tế” này, trước hết là từ nhu cầu của chính các ông chủ, bà chủ các cơ sở giáo dục đào tạo cũng như cơ sở y tế. Tuy nhiên việc tự gắn nhãn “quốc tế” vào tên của cơ sở giáo dục đào tạo cũng như cơ sở y tế, với việc công nhận đạt chuẩn quốc tế hay được xếp vào “Top chất lượng quốc tế” là hai việc khác nhau.
Quay trở lại mục đích, động cơ của các ông chủ, bà chủ thì rõ ràng việc gắn “nhãn quốc tế” thể hiện mong muốn của họ, trước hết là cho oai, và mục đích chính là thu hút được sự quan tâm, lựa chọn người sử dụng dịch vụ giáo dục đào tạo hay dịch vụ y tế để kiếm lời.
Phía xã hội, lâu nay ở ta vẫn còn tồn tại tâm lý sính ngoại, hễ có cơ sở nào đó có một “nhãn quốc tế” là lập tức người ta hi vọng, người ta đặt niềm tin vào cơ sở đó một cách rất tự nhiên, ít khi phải băn khoăn, phải bàn cãi. Tâm lý này cũng thể hiện một nguyện vọng của người sử dụng dịch vụ là khi có nhãn quốc tế thì người ta tin tưởng, người ta ưu tiên lựa chọn. Tâm lý này đặc biệt phổ biến ở một bộ phận những người, những có gia đình có điều kiện, có thu nhập khá trong xã hội.
Về phía quốc tế, ngày nay cũng có nhiều tổ chức được lập ra để thực hiện việc phân nhóm, xếp hạng cho một loại doanh nghiệp, một loại cơ sở dịch vụ nào đó. Có một số tổ chức quốc tế có uy tín trong việc đánh giá, phân nhóm, xếp hạng và được thừa nhận rộng rãi. Và khi một cơ sở, dịch vụ, kể cả cơ sở, dịch vụ giáo dục đào tạo hay cơ sở dịch vụ y tế được lọt vào danh sách phân nhóm, xếp hạng của các tổ chức đánh giá chất lượng trên thế giới thì đấy như là một “chứng chỉ” có uy tín hàng đầu, được dư luận và người sử dụng mặc nhiên thừa nhận và ưu tiên lựa chọn.
Tuy nhiên như tôi nói lúc đầu, được một tổ chức đánh giá chất lượng quốc tế phân nhóm, xếp hạng với việc tự gắn “nhãn quốc tế” là hai việc hoàn toàn khác nhau. Ta không nên lẫn lộn hai vấn đề này. Do tâm lý xã hội, nhận thức của các ông chủ, bà chủ thì thay vì được phân nhóm xếp hạng trong đánh giá chất lượng, dịch vụ ở phạm vi thế giới, thì người ta lại tự thực hiện việc gắn “nhãn quốc tế” cho cơ sở của họ.
Đây cũng là một dạng “treo đầu dê, bán thịt chó” mà cơ quan nhà nước có thẩm quyền cũng như dư luận xã hội phải xác định để loại bỏ trong nhận thức cũng như trong thực tiễn quản lý.
Việc đánh giá, xử lý vấn đề này cũng phải đặt trong thực trạng hội nhập quốc tế của Việt Nam, đồng thời đặt trong tình trạng tâm lý xã hội đang bị lái theo hướng bất lợi, là cứ hễ có “nhãn quốc tế” là mặc nhiên được thừa nhận và sử dụng.
|
|
TS Lê Hồng Sơn |
Tôi lấy ví dụ trong việc đặt chuẩn đánh giá chất lượng dịch vụ như trong lĩnh vực giáo dục đào tạo hay y tế. Trước hết trong lĩnh vực y tế, muốn đánh giá chất lượng của một cơ sở y tế thì phải dựa vào mấy nhóm tiêu chí cơ bản đó là: lực lượng thầy thuốc, bác sĩ, nhân viên điều trị; tiếp theo là hệ thống trang thiết bị, cơ sở vật chất và điều kiện, rồi chất lượng thuốc men và quy trình điều trị của cơ sở đó đạt đến mức độ nào. Đó là những căn cứ cơ bản để phân nhóm và xếp hạng. Không thể nhầm lẫn giữa các tiêu chí cơ bản tôi đã nêu với việc tự đặt “nhãn mác quốc tế”.
Tương tự như vậy trong lĩnh vực giáo dục đào tạo cũng dựa trên các nhóm tiêu chí cơ bản như: lực lượng giảng viên, giáo viên, chương trình giảng dạy đào tạo và hệ thống cơ sở vật chất của nhà trường. Có thể có thêm một vài tiêu chí khác nhưng theo tôi đó là những tiêu chí cơ bản, quan trọng nhất.
Như vậy có thể nói, ở Việt Nam đang có một thực tế về tâm lý xã hội cũng như nhận thức xã hội có sự nhầm lẫn, đánh giá lẫn lộn giữa việc đánh giá chất lượng để phân nhóm, xếp hạng, với việc tự gắn “nhãn quốc tế” đối với các cơ sở dịch vụ giáo dục đào tạo và y tế…
PV: Một điều gây nên sự khó hiểu cho dư luận nữa là, đến khi sự việc bị phanh phui, các cơ quan quản lý mới có những động thái thích hợp. Trong vấn đề trường quốc tế, sau khi thông tin thanh tra được phổ biến rộng rãi, hàng loạt cơ sở giáo dục gắn mác "quốc tế" đã thay tên ở cổng trường, biển hiệu. Còn một vị lãnh đạo thuộc Bộ Y tế cũng khẳng định không có tiêu chí, tiêu chuẩn "quốc tế" nào được quy định trong hồ sơ cấp có thẩm quyền phê duyệt, cho phép mà chỉ có tiêu chí đánh giá của tổ chức quốc tế.
Thưa ông, có thể hiểu ra sao về cách thức quản lý vẫn còn có dấu hiệu buông lỏng này? Nguyên nhân là do sự phát triển quá nhanh của khu vực y tế, giáo dục tư nhân hay còn những lý do nào khác nữa? Xin ông phân tích cụ thể.
TS Lê Hồng Sơn: - Vấn đề vừa nêu hoàn toàn không có gì khó hiểu. Khi chưa bị đụng đến thì người ta vẫn lạm dụng việc gắn “nhãn quốc tế” theo kiểu nhập nhèm như đã phân tích. Khi đã bị vạch mặt chỉ tên, thì họ sẽ phản ứng, tự loại bỏ “nhãn quốc tế” ra khỏi biển hiệu, tên của cơ sở dịch vụ là việc dễ hiểu.
Bởi vì, khi chưa có vấn đề gì thì việc tự gắn “nhãn quốc tế” có những lợi ích nhất định và họ thực hiện để mong đạt được những lợi ích đó. Còn một khi đã bị phát hiện, dư luận đã tỉnh táo hơn trong việc nhận định, đánh giá, lựa chọn thì họ phải tự loại bỏ là đương nhiên.
Thậm chí theo tôi trong một số trường hợp khi “nhãn quốc tế” nhận được sự phản cảm, sự tẩy chay của xã hội thì rõ ràng việc duy trì “nhãn quốc tế” đó hoàn toàn không có lợi nữa và họ buộc phải tự gạt ra.
Tiếp theo, tôi thấy rằng quy định hiện hành không có tiêu chí, tiêu chuẩn “quốc tế” nào và chúng ta cũng không nên chạy theo hướng đặt tiêu chí, tiêu chuẩn để được gắn “nhãn quốc tế” hay không được gắn “nhãn quốc tế” trong bối cảnh hiện nay. Vấn đề này cũng phải được tuyên truyền, giải thích rõ cho công luận để người dân, người tiêu dùng, người sử dụng dịch vụ không bị ngộ nhận đối với “nhãn quốc tế” do các cơ sở dịch vụ tự ý dựng lên. Một khi công luận tỉnh táo nhìn nhận, người dân, người tiêu dùng, người sử dụng dịch vụ có những hiểu biết nhất định về giá trị thực của cái gọi là nhãn quốc tế thì cơ quan có thẩm quyền cũng không phải băn khoăn gì nhiều ở chỗ có hay không có “nhãn quốc tế”.
Vấn đề quan trọng hiện nay, theo tôi, là phải kịp thời xử lý một cách rốt ráo, tức là phải khẩn trương đặt ra các hệ tiêu chí, tiêu chuẩn đầy đủ, đồng bộ, nhằm phân nhóm, xếp hạng các cơ sở dịch vụ y tế cũng như cơ sở giáo dục đào tạo. Một khi, các tiêu chí, tiêu chuẩn này được xác định rõ ràng và việc kiểm định, đánh giá phân nhóm, xếp hạng được thực hiện nghiêm túc, chuẩn mực, thì đó chính là cơ sở, là căn cứ để người dân, người sử dụng dịch vụ tự lựa chọn.
Tôi thấy, hệ thống tiêu chí, tiêu chuẩn nhằm phân nhóm, xếp hạng các cơ sở dịch vụ ở nước ta chưa được quan tâm đúng mức, thậm chí ở một số lĩnh vực còn bị buông lỏng để cho sự tùy tiện lôi kéo, sự mơ hồ dẫn dắt người có nhu cầu sử dụng dịch vụ giáo dục đào tạo hay y tế.
Một khi đã có hệ thống tiêu chí, tiêu chuẩn phân nhóm, xếp hạng thì việc tiếp theo là tổ chức thực thi cho đúng, cho khách quan, cho công bằng, không để tiêu cực, tham nhũng chi phối, làm sai lạc đi những thông tin mà người dân, người tiêu dùng sử dụng dịch vụ lấy làm căn cứ để lựa chọn sử dụng dịch vụ cho mình. Như vậy, ở khâu đặt ra các hệ tiêu chí, tiêu chuẩn phân nhóm, xếp hạng các cơ sở cung cấp dịch vụ y tế, giáo dục cũng như biện pháp tổ chức thực thi, áp các tiêu chí, tiêu chuẩn vào từng cơ sở dịch vụ để phân nhóm, xếp hạng là yêu cầu hàng đầu hiện nay.
Vấn đề cốt lõi vẫn là kỷ luật, kỷ cương. Việc nữa là phải tổ chức tuyên truyền rộng rãi trong dư luận và xã hội để người dân, người tiêu dùng không bị ngộ nhận với những cơ sở dịch vụ quốc tế tự đặt ra.
PV: - Nhiều ý kiến cho rằng, bản chất vấn đề ở đây còn do tâm lý sính ngoại của người Việt khiến cho các trường học, bệnh viện "tự phong" có cơ hội lợi dụng lòng tin của người dân, sai pháp luật, tự gắn mác với mục đích để tăng sức hấp dẫn, niềm tin, sức hút đối với xã hội, phụ huynh, học sinh, bệnh nhân; qua đó chắc chắn sẽ thu học phí cao, viện phí đắt. Ông có đồng tình với nhận định trên không? Và ngay cả vậy, trách nhiệm của khu vực y tế, giáo dục công như thế nào khi để xảy ra tâm lý đang ngày càng nặng nề như vậy?
TS Lê Hồng Sơn: - Vấn đề mà bạn nêu ra hoàn toàn đúng. Bản chất vấn đề ở đây là do tâm lý sính ngoại của người Việt như trên tôi cũng đã có nói. Lợi dụng tâm lý sính ngoại này mà các cơ sở dịch vụ tự phong, tự gắn “nhãn mác quốc tế” vào biển hiệu, tên gọi nhằm mục đích trục lợi và rõ ràng một khi đã tự phong, đã nhận được sự quan tâm của một bộ phận người dân thì các cơ sở này lập tức đặt ra mức phí, học phí, viện phí cao ngất ngưởng.
Đây là một hành vi trục lợi và theo tôi cơ quan có thẩm quyền cần căn cứ vào hệ thống tiêu chí, tiêu chuẩn như trên tôi đã nói để xác định xem với những tiêu chí, tiêu chuẩn mà dịch vụ đó đã có và việc tự đặt ra các mức phí, thu học phí, viện phí có hợp lý không, có tương thích không, có quá cao không, có nhằm mục đích moi tiền của người học, người bệnh hay không?
Nếu việc tự đặt ra mức học phí, viện phí quá cao so với mặt bằng chung và hoàn toàn bất cập, bất hợp lý với hệ thống cơ sở vật chất, hệ thống nhân lực, hệ thống nghiệp vụ chuyên môn của cơ sở đó thì cơ quan có thẩm quyền có thể vào cuộc xử lý hành vi lừa dối khách hàng, lừa dối người tiêu dùng. Khi đó, yêu cầu phải chấn chỉnh, phải buộc áp dụng các mức phí, học phí, viện phí phù hợp với thực tế của cơ sở, phù hợp với những tiêu chí, tiêu chuẩn của Nhà nước.
Theo tôi đây chính là trách nhiệm của Nhà nước đối với người dân, đối với xã hội khi quản lý, ngăn chặn những hành vi tiêu cực, móc túi người dân, lừa dối người sử dụng dịch vụ tại các cơ sở giáo dục, y tế tự phong, tự gắn “nhãn quốc tế” mà chúng ta đã bàn ở trên.
PV: - Như vậy, song song với việc quản lý tốt hơn khu vực tư nhân, làm sao để khu vực y tế, giáo dục công có sự điều chỉnh, đi đúng hướng và khiến xã hội đồng tình, ủng hộ? Ông nhìn nhận những thay đổi vừa qua trong hai lĩnh vực này đã đúng hướng chưa và vì sao? Theo ông, cần có sự điều chỉnh như thế nào trong việc quản lý hai lĩnh vực này ở Việt Nam, tránh để người dân chạy theo tâm lý sính ngoại mà nhận lại những hậu quả đau lòng?
TS Lê Hồng Sơn: - Chủ trương xã hội hóa là một chủ trương đúng đắn. Tuy nhiên, trong điều kiện Việt Nam, việc áp cơ chế thị trường vào lĩnh vực giáo dục, y tế phải hết sức cân nhắc và phải giữ cho được, phải thể hiện rõ định hướng xã hội chủ nghĩa ở đây.
Trách nhiệm về vấn đề này thuộc về các cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi đặt ra cơ chế, chính sách, cách thức để xã hội hóa và đặc biệt đặt ra các phạm vi, mức độ xã hội hóa, lộ trình xã hội hóa như thế nào cho phù hợp.
Theo tôi trong điều kiện hiện nay giữ chế độ bao cấp như trước đây là không ổn. Còn áp cơ chế thị trường vào đây như thế nào lại phải tính toán rất căn ke, chi li, cụ thể.
Như tôi đã nêu vài lần trước đây, do áp cơ chế thị trường có những vấn đề, lĩnh vực còn cực đoan, đốt cháy giai đoạn, cho nên đã làm thay đổi nhận thức, tâm lý, tư tưởng, tình cảm của xã hội, của người bệnh, người học đối với y bác sĩ, các nhà giáo.
Khi họ vào học cũng như vào chữa bệnh mà phải trả một cái giá cao hơn khả năng chịu đựng của họ, thì rõ ràng tâm lý, tình cảm có sự thay đổi. Đặc biệt là trong những trường hợp nhận được những hành vi ứng xử phản cảm, sai trái của một bộ phận nào đó trong đội ngũ giáo viên, y bác sĩ, thì họ rất dễ có những phản ứng cực đoan, tiêu cực, những hành vi ứng xử đáng bị lên án, thậm chí phải bị xử lý. Đó là hệ lụy mà việc nhận ra nó không phải đơn giản.
Lĩnh vực y tế, giáo dục cần phải có sự gia tăng về mức độ và biện pháp quản lý chất lượng hiệu quả của từng cơ sở, từng dịch vụ. Đấy chính là hệ tiêu chí, tiêu chuẩn nhằm phân nhóm, xếp hạng các cơ sở dịch vụ giáo dục đào tạo, y tế như tôi đã nói ở trên.
Đấy chính là căn cứ, cơ sở để áp vào phân nhóm, xếp hạng cơ sở y tế, cơ sở giáo dục. Đấy cũng chính là những thông tin mà người dân nhìn vào để có sự nhìn nhận, lựa chọn đúng đắn những cơ sở, những dịch vụ mà họ cần trong cuộc sống.
Tâm lý sính ngoại vẫn còn tồn tại không thể một sớm, một chiều bỏ ngay được. Tuy nhiên để tình trạng tự gắn “nhãn mác quốc tế” cũng như tình trạng ngộ nhận về chất lượng và hiệu quả của các cơ sở, các dịch vụ có “nhãn mác quốc tế” trong xã hội, trong người dân cũng cần phải có biện pháp để hạn chế, khắc phục. Nhất thiết không để tình trạng ngộ nhận trở lên tràn lan như hiện nay rồi nhận lại những hậu quả đau lòng, không mong muốn.