Các chuyên gia kinh tế ước tính, mỗi phi công Việt Nam hiện nay đang phải bỏ ra khoảng 4 tỷ đồng để hoàn thành khóa học. Mức phí này đang bị cho là quá đắt đỏ.
Dù nhiều hãng hàng không mới tuyên bố sẽ triển khai kế hoạch đào tạo phi công nhưng các chuyên gia vẫn không hết lo ngại trước thực trạng khan hiếm này.
Theo các chuyên gia hàng không, tình trạng thiếu phi công, kỹ thuật viên máy bay xảy ra nhiều năm nay. Gần đây, thực trạng này càng trở nên đáng báo động với biểu hiện của câu chuyện lôi kéo phi công giữa các hãng hàng không mới – cũ.
Trong thông báo mới nhất của Cục Hàng không Việt Nam, từ nay đến năm 2023, số máy bay của hãng hàng không Việt sẽ tăng từ 222 chiếc hiện tại lên khoảng hơn 360 chiếc.
Với mỗi máy bay biên chế, cần có 20 phi công được huy động để khai thác tối đa công suất. Với 360 máy bay, ngành hàng không Việt Nam sẽ cần khoảng 2.700 phi công để vận hành lượng máy bay mới này.
Theo tính toán, trong vòng 4 năm từ 2019 đến 2023, mỗi năm ngành hàng không Việt Nam phải có thêm gần 700 phi công mới có thể đáp ứng đủ số lượng nhân sự vận hành thêm 138 chiếc máy bay.
Tại Việt Nam hiện nay, để đào tạo 1 phi công phải mất 4 tỷ chi phí cơ bản. |
Tuy nhiên, khả năng này theo PGS.TS Nguyễn Thiện Tống (nguyên Chủ nhiệm bộ môn Kỹ thuật hàng không, Đại học Bách Khoa TP.HCM) là điều không thể.
Ông cho biết thêm, kể cả với con số dự tính của Cục Hàng không trước đó, rằng ngành hàng không Việt Nam sẽ đào tạo ra khoảng 200 phi công/năm để đáp ứng nhu cầu thị trường, cũng là điều bất khả thi.
Theo PGS.TS Nguyễn Thiện Tống, từ trước đến nay, hoạt động bay trong công tác đào tạo phi công vẫn phải liên kết để thực hiện ở nước ngoài. Đây chính là lý do khiến chi phí đào tạo phi công ở Việt Nam tốn kém. “Nhiều hãng bay mới đều tuyên bố mở trường đào tạo phi công nhưng cách làm của họ có khác so với xưa nay không? Nếu hoạt động bay vẫn phải liên kết với các hãng nước ngoài thì chi phí vẫn quá đắt đỏ, tốn kém”, chuyên gia hàng không nhận định.
PGS Tống cho hay, tổng chi phí từ khi học tới khi ra làm việc cho một phi công hết khoảng 4 tỷ đồng, trong đó hơn ½ được dùng để trang trải cho việc học chương trình thực hiện bay ở nước ngoài.
Tại Việt Nam, mức thu nhập khởi điểm của phi công người Việt khoảng 70-75 triệu đồng/tháng. Như vậy, mỗi phi công phải mất gần 6 năm mới có thể “hoàn vốn”.
Cũng theo PGS Tống, việc đào tạo phi công dân dụng trong nước được triển khai từ những năm 1995-1997, khi chính phủ Pháp hỗ trợ hàng triệu Euro vốn ODA. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, tính đến nay dự án vẫn chưa thành công.
Nhiều năm trước, phi công người Việt chủ yếu chuyển từ phi công quân sự sang, hoặc được Vietnam Airlines đài thọ chi phí đào tạo ở nước ngoài và về phục vụ cho hãng.
Trường phi công Bay Việt là nơi đào tạo đầu tiên về phi công tại Việt Nam. Trường hoạt động theo mô hình liên kết với trường đào tạo phi công của Pháp để thực hiện chuyển giao công nghệ đào tạo (do Pháp cấp bằng).
Tuy nhiên, sau đó không lâu, vì một số lý do, Vietnam Airlines dừng đài thọ chi phí đào tạo phi công cơ bản nên việc chuyển giao bị gián đoạn. Bay Việt chuyển hướng đào tạo bằng cách thực hiện tuyển sinh và đào tạo phi công theo hình thức xã hội hóa, học viên tự túc chi phí đào tạo.
Bay Việt cũng từng bước xúc tiến lập trường bay trong nước với phần huấn luyện bay thực hành diễn ra tại Việt Nam nhưng kế hoạch này chưa mang lại kết quả. Do đó, các lớp học phi công cơ bản hiện chỉ đào tạo phần lý thuyết và phối hợp tổ bay (khoảng 6 tháng) trong nước, còn phần học thực hành bay với thời gian dài nhất, chi phí tốn kém nhất vẫn phải ra nước ngoài.
Sau Bay Việt, một loạt các hãng hàng không mới vừa tuyên bố sẽ mở các trường đào tạo để giải "cơn khát" phi công tại Việt Nam. Theo đó, Vingroup và Tập đoàn CAE (Canada) vừa ký kết thỏa thuận hợp tác đào tạo phi công, kỹ thuật bay và các nhân sự khác trong lĩnh vực hàng không nhằm cung cấp nguồn lực kỹ thuật cao cho Việt Nam và thế giới. Dự kiến, mỗi năm sẽ có 400 phi công và thợ máy đạt tiêu chuẩn quốc tế CAAV, FAA và IASA được cung ứng ra thị trường.
Sản phẩm hợp tác giữa Vingroup và Tập đoàn CAE (CAE Oxford Aviation Academy - tổ chức đào tạo hàng không hàng đầu thế giới) có tên gọi Trường đào tạo nhân lực kỹ thuật cao Ngành Hàng Không (VinAviation School) và Trung tâm huấn luyện bay Vinpearl Air (VPA Training Centre).
VinAviation School đào tạo phi công, thợ máy cơ bản theo tiêu chuẩn CAAV và tiêu chuẩn quốc tế được FAA và IASA công nhận tại Việt Nam; chỉ tiêu dự kiến là 400 phi công và thợ máy/năm.
Vinpearl Air đào tạo huấn luyện chuyển loại, nâng cấp và định kỳ cho phi công, thợ máy, huấn luyện nhân viên điều phái bay, tiếp viên hàng không và các nhân viên hàng không khác. Riêng nhóm ngành quản trị hàng không, kinh tế vận tại hàng không và kỹ sư máy bay sẽ do trường Đại học VinUni đảm nhiệm.
FLC cũng vừa có đề xuất xây dựng dự án khu sản xuất hàng hóa và dịch vụ logistics hàng không, trung tâm thương mại dịch vụ hàng không, học viện hàng không với quy mô 40ha tại TP. Cần Thơ. Trong đó, học viện hàng không, phân viện học viện hàng không có diện tích 7,05 ha.
Bamboo Airway cũng vừa được UBND tỉnh Bình Định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Viện đào tạo hàng không Bamboo Airways với quy mô 10 ha, tổng mức đầu tư gần 700 tỷ đồng cho giai đoạn thành lập và phát triển trường.
Theo kế hoạch, sau khi đi vào hoạt động từ quý I/2022, Viện sẽ đào tạo gần 3.500 sinh viên/năm, tập trung đào tạo chuyên môn nghiệp vụ ngành như phi công, tiếp viên hàng không, kỹ thuật, khai thác mặt đất và các chức năng đào tạo cơ bản…
Cuối năm 2018, Vietjet đã đưa vào hoạt động trung tâm huấn luyện phi công do Cơ quan An toàn hàng không châu Âu (EASA) phê chuẩn cuối năm 2018. Theo đó, buồng lái mô phỏng đã khai thác huấn luyện gần 1.000 giờ. Học viện tổ chức đào tạo 924 khóa cho 21.611 lượt học viên, trong đó có 157 khóa đào tạo phi công, 127 khóa đào tạo tiếp viên, 128 khóa đào tạo kỹ sư.