Trường chuyên không phải sự bất công

Các nhóm người có tài năng khác nhau, có đóng góp cho xã hội khác nhau thì không thể thụ hưởng các nguồn lực công giống nhau.

Trong bài viết “Di sản” trường chuyên gia tăng bất bình đẳng xã hội, TS Nguyễn Văn Đáng có lập luận: “trường chuyên thường được ưu ái đầu tư cao hơn các trường học công lập bình thường khác”, việc này sẽ gây bất bình đẳng xã hội vì vi phạm nguyên tắc “mọi công dân đều phải bình đẳng về cơ hội thụ hưởng các nguồn lực công”.

Đây là sự nhầm lẫn giữa bất bình đẳng trong việc tiếp cận nguồn lực công với bất bình đẳng xã hội nói chung. Hai vấn đề này liên quan đến nhau nhưng không giống nhau về bản chất.

Trường chuyên không phải sự bất công

Nguyên tắc “mọi công dân đều phải bình đẳng về cơ hội thụ hưởng các nguồn lực công” là chấp nhận được với các đặc tính có sẵn hoặc bất định của các nhóm người. Ví dụ: mọi học sinh đều được hưởng thụ bình đẳng các nguồn lực công cộng, không phân biệt tôn giáo, dân tộc, giới tính, màu da.

Tuy nhiên, nguyên tắc đó không thể áp dụng đối với các đặc tính không bền vững của các nhóm người. Mà cụ thể ở đây, các nhóm người có tài năng khác nhau, có đóng góp cho xã hội khác nhau thì không thể thụ hưởng các nguồn lực công giống nhau.

Do đó, việc các trường chuyên được phân bổ ngân sách nhiều hơn các trường công lập do cung cấp chất lượng giáo dục tốt hơn không vi phạm nguyên tắc bình đẳng cơ hội.

Với chính sách hiện tại, nhà nước phân bổ nguồn lực công cho học sinh các trường chuyên nhiều hơn so với học sinh trường công lập vì nhóm học sinh chuyên có năng lực cao hơn (phải vượt qua điều kiện khắt khe để vào trường chuyên), chứ không phải vì nhóm này có các đặc quyền (về điều kiện kinh tế, quyền lực,...).

Có thể sự bất bình đẳng về năng lực giữa các nhóm học sinh xuất phát từ việc nhóm học sinh trường chuyên thừa hưởng các đặc quyền từ gia đình nhưng điều này không phải là một bất công.

Ngoài ra, dựa vào sự khác biệt trong phân bổ ngân sách để kết luận "duy trì trường chuyên là gia tăng bất bình đẳng xã hội" thì tác giả đã coi việc đầu tư cho giáo dục chất lượng cao là nguyên nhân của bất bình đẳng xã hội. Điều này vô lý giống như việc buộc tội những học sinh giỏi quốc gia đã trở nên giỏi hơn nhờ dùng nhiều nguồn lực công mà đáng ra nguồn lực này có thể chia cho các học sinh khác.

Nếu làm như thế chúng ta sẽ không có học sinh giỏi đỉnh cao và có nhiều hơn học sinh có trình độ vừa phải. Góc nhìn này sẽ ngăn cản sự phát triển nói chung của xã hội.

Thậm chí, đối với lĩnh vực giáo dục phổ thông, việc dùng nguồn lực công không nhất thiết đòi hỏi nhà nước phải "kiểm soát được thành quả đầu ra" như tác giả lập luận.

Nếu mỗi học sinh đạt được các thành tựu cho riêng mình dựa trên thụ hưởng nguồn lực công thì đó là thành công của đầu tư công. Nếu học sinh giỏi lên nhờ đầu tư công mà không vào làm khu vực công thì đó là thất bại của khu vực công trong việc thu hút nhân tài.

Tư nhân hóa trường chuyên không phải câu trả lời

Bất bình đẳng xã hội được hiểu theo nhiều cách khác nhau trong xã hội học. Tuy nhiên, theo cách hiểu phổ biến, bất bình đẳng xã hội là hiện tượng mà trong đó các nhóm xã hội ở tình trạng đối lập nhau về một mặt nào đó. Ví dụ, bất bình đẳng xã hội về quyền lực, về điều kiện kinh tế, về màu da.

Liệu sự tồn tại của các trường chuyên có làm gia tăng bất bình đẳng xã hội theo nghĩa này? Chẳng hạn, việc học trong các trường chuyên có thúc đẩy hố ngăn cách giữa nhóm giàu và nhóm nghèo?

Những câu hỏi lớn này cần những nghiên cứu sâu mới trả lời được (mà hiện nay vẫn còn rất thiếu ở Việt Nam). Do đó, chúng ta chưa đủ bằng chứng thực nghiệm để kết luận rằng sự tồn tại của các trường chuyên có làm gia tăng bất bình đẳng xã hội hay không.

Giải pháp tư nhân hóa trường chuyên mà tác giả bài viết trên đưa ra không phải là câu trả lời cho việc giải quyết bất bình đẳng xã hội. Bởi việc chuyển chủ sở hữu của trường chuyên không làm thay đổi tác động của kết quả giáo dục đối với các bất bình đẳng xã hội.

Giải pháp đó có thể vẫn hợp lý nhưng là vì lý do khác chứ không phải do thúc đẩy bất bình đẳng xã hội.

truong chuyen khong phai su bat cong Ồn ào chuyện trường chuyên: Môi trường tinh hoa chỉ dành cho nhà giàu?
truong chuyen khong phai su bat cong Một lớp có 24 học sinh đỗ trường chuyên ở Hà Nội
truong chuyen khong phai su bat cong Hơn 8 điểm/môn mới trúng tuyển vào lớp 10 không chuyên ở TP.HCM

/ vietnamnet.vn