Điểm đầu vào quá thấp, tuyển không được sinh viên… sự thật này khiến không ít trường sư phạm địa phương lâm vào cảnh khó khăn, ở trong tình thế nên tồn tại hay không tồn tại?
Việc quy hoạch lại trường sư phạm là tất yếu, tuy nhiên bắt đầu từ đâu và như thế nào còn nhiều bàn cãi.
Hiện nay có một số ý kiến cho rằng nên giao chỉ tiêu, nhiệm vụ đào tạo giáo viên cho 7-8 trường đại học sư phạm lớn, còn lại hàng trăm trường khác chỉ là cơ sở của các trường trọng điểm, hoặc làm nhiệm vụ bồi dưỡng giáo viên.
Theo TS Lê Viết Khuyến – nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GDĐT), các trường cao đẳng sư phạm ở địa phương đang trong tình trạng “ngắc ngoải”, nhưng nếu quy hoạch lại theo hướng như trên là không công bằng. Thậm chí, ông cho rằng có lợi ích nhóm.
“Giới chuyên môn chúng tôi vẫn gọi những trường được giao nhiệm vụ đào tạo giáo viên, trường trọng điểm đó là nhóm G7. Còn các trường không phải trọng điểm sẽ chịu số phận thế nào? Chẳng hạn nếu được chuyển thành nơi bồi dưỡng giáo viên, không được tuyển sinh nữa thì chẳng khác nào bị giải tán. Hàng nghìn giảng viên, nhân viên đang làm việc ở đó sẽ đi về đâu?”- TS Khuyến chia sẻ.
Ông cũng cho rằng, các trường ĐH sư phạm quen đào tạo giáo viên cấp 3. Khoảng 10 năm nay có mở thêm những khoa như Tiểu học, Mầm non. Việc này là “lấn sân” sang nhiệm vụ của các trường cao đẳng sư phạm.
“Kinh nghiệm các nước là nâng cấp các trường theo sở trường của mình, chứ không lấy nhiệm vụ của trường nọ để giao cho trường khác.
Nếu quy hoạch trường sư phạm theo hướng lấy nhiệm vụ vốn có của các trường cao đẳng sư phạm để chuyển cho các trường đại học sư phạm trọng điểm là không công bằng, không hợp lý. Trong khi trường cao đẳng sư phạm đã có thâm niên, kinh nghiệm đào tạo giáo viên mầm non, tiểu học, THCS”- TS Khuyến nói thêm.
TS Khuyến cũng cho biết, cá nhân ông và Hiệp hội các trường đại học cao đẳng VN có kiến nghị nên giữ nguyên phân cấp quản lý như hiện tại: Các trường ĐH làm nhiệm vụ đào tạo giáo viên cấp 3 và sau ĐH, bồi dưỡng giáo viên cấp 3, giảng viên các trường cao đẳng sư phạm, chứ đừng ôm thêm công việc vốn có của các trường cao đẳng sư phạm địa phương.
Còn các trường cao đẳng sư phạm thì nâng dần lên, có thể cho phát triển thêm những ngành không phải sư phạm. Nếu làm được như thế mới thực thi được phương án giao chỉ tiêu đặt hàng bám sát vào địa phương.
TS Khuyến cũng đề xuất giải pháp để giải quyết bài toán đào tạo giáo viên: “Có 2 con đường: Một là, Bộ GDĐT toàn quyền quản lý từ A-Z giống như ngành công an, quân đội. Bộ trưởng sẽ chịu trách nhiệm nếu để xảy ra chuyện thừa-thiếu giáo viên.
Hai là, phân cấp cho địa phương, Bộ GDĐT chỉ quản lý nhà nước về chương trình, chỉ tiêu, chất lượng đào tạo, nhưng phải có cơ chế ràng buộc để địa phương chịu trách nhiệm trước Bộ nếu dự báo sai, dẫn đến việc đào tạo giáo viên không sát nhu cầu thực tế".
Cả khoa chỉ có 5 sinh viên: Tương lai nào cho các trường sư phạm địa phương?
9 giảng viên dạy cho 5 sinh viên, dù lấy điểm chuẩn ở mức 9 điểm/3 môn nhưng các trường sư phạm ở địa phương ... |
Vực dậy ngành sư phạm: Quyết tâm của Bộ trưởng có thành hiện thực?
“Người vào học ngành sư phạm phải là những thí sinh ưu tú nhất, quyết tâm để năm 2018 điểm đầu vào sư phạm nằm ... |