Câu chuyện sử dụng quỹ bảo trì sai mục đích hoặc thậm chí là chiếm dụng số tiền này lại làm nóng cuộc hội thảo diễn ra ngày 7/3.
Tại hội thảo về Công tác quản lý, vận hành sử dụng nhà chung cư do Bộ Xây dựng tổ chức ngày 7/3, vấn đề sử dụng quỹ bảo trì tiếp tục nhận được nhiều quan tâm của cơ quan quản lý, chuyên gia, đại diện chủ đầu tư...
Đại diện Tổng công ty Phát triển Nhà và Đô thị (HUD) cho biết, hiện nay nhiều cư dân ở các khu chung cư gửi đơn thư khiếu nại về việc không bàn giao quỹ bảo trì cho họ. Tuy nhiên, thực tế, ở góc độ chủ đầu tư, nếu bàn giao không đúng quy định thì doanh nghiệp cũng sẽ bị ảnh hưởng. Ông lấy ví dụ, ở một dự án cho đơn vị này làm chủ đầu tư tại Việt Hưng (Hà Nội), sau khi bàn giao quỹ bảo trì, trưởng ban quản trị tiêu hơn một tỷ đồng trong quỹ bảo trì nhưng không có giấy tờ, chứng từ. Và hiện thì cư dân này đã bán nhà và chuyển đi nơi khác sinh sống.
"Tuy đã bàn giao hết quỹ cho ban quản trị song trước sự việc như trên chủ đầu tư cũng phải có trách nhiệm báo công an mà đến nay đã 2 năm vẫn chưa giải quyết được", ông này nói và cho rằng, cần phải quy định tư cách pháp nhân của ban quản trị một cách chặt chẽ hơn.
Một khu chung cư từng xảy ra tranh chấp giữa cư dân và ban quản trị xung quanh việc sử dụng quỹ bảo trì. Ảnh: Nguyễn Hà |
Lãnh đạo Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cũng thừa nhận tình trạng kinh phí quỹ bảo trị dễ dàng bị ban quản trị sử dụng tuỳ tiện, không đúng mục đích. Trong khi đó, Hiệp hội Bất động sản TP HCM cho rằng, hiện nay chủ tài khoản của ban quản trị chung cư quy định có thể là một thành viên hoặc nhiều thành viên đứng tên đồng chủ tài khoản. Tuy nhiên, trên thực tế nhiều hội nghị chung cư chỉ quy định một người trong ban quản trị làm chủ tài khoản, có thể dẫn đến tình trạng lạm quyền, lạm chi, trục lợi cá nhân gây thiệt hại cho cư dân.
Đơn vị này đề nghị cần có quy định rõ chủ tài khoản của ban quản trị chung cư phải có từ hai người trở lên làm đồng chủ tài khoản để tránh trường hợp lạm quyền, trục lợi. Đề nghị có biện pháp yêu cầu đơn vị quản lý, vận hành chung cư chứng minh năng lực tài chính vì có thể dẫn đến trách nhiệm bồi thường dân sự khi xảy ra các sự cố như cháy lớn, tai nạn xảy ra...
Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch HĐQT Công ty GP Invest cũng cho rằng nên có bộ tiêu chí để cử người vào ban quản trị một cách rõ ràng hơn. Ở một số dự án, trưởng ban quản trị lại là người của chủ đầu tư rất gây phản cảm. Theo ông, để tránh rủi ro, tài khoản quỹ bảo trì nên đứng tên hai người trong ban quản trị để tránh tình trạng một người tự ký rồi rút tiền ra tiêu các khoản không rõ ràng.
Các vấn đề tranh chấp khác trong chung cư như tổ chức hội nghị nhà chung cư, diện tích chung - riêng... cũng được đề cập.
Công ty cổ phần Đầu tư bất động sản Hapulico cho biết đã nhiều lần tiến hành tổ chức hội nghị nhà chung cư nhưng đều không đủ số cư dân tham gia. Công ty này kiến nghị có thể tiến hành họp trực tuyến hoặc thông qua hình thức lấy phiếu. Bởi theo đại diện chủ đầu tư, việc họp trực tuyến hoặc xin ý kiến bằng văn bản có thể tiết kiệm chi phí, thu thập được nhiều ý kiến của đại đa số chủ sở hữu, người sử dụng trong nhà chung cư.
"Đề nghị Bộ Xây dựng sửa đổi cách thức họp như đề xuất của công ty để đạt hiệu quả. Nếu tổ chức theo phương thức họp truyền thống thì không thể thực hiện được tại các dự án có quy mô lớn, hàng nghìn căn hộ", vị này nói.
Tại hội thảo, nhiều chuyên gia nhận định, tranh chấp, khiếu kiện diễn ra tại các chung cư ngày càng phức tạp, hỗn loạn. Cư dân tại nhiều chung cư đấu tranh đòi quyền lợi một cách tiêu cực, không tuân thủ những quy định của pháp luật như tổ chức diễu hành trên đường phố, các hoạt động tiêu cực nhắm vào uy tín thương hiệu của chủ đầu tư hoặc đơn vị vận hành chung cư... Bởi vậy, một số ý kiến cho rằng cần có các chế tài, quy định rõ ràng để nhanh chóng giải quyết mâu thuẫn giữa cư dân với chủ đầu tư hoặc đơn vị vận hành.
Ông Hà Quang Hưng, Phó cục trưởng Cục Quản lý Nhà và Thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng cho biết, thống kê sơ bộ cả nước có khoảng 3.000 tòa chung cư. Theo báo cáo của các địa phương gửi về Bộ Xây dựng, tính đến hết quý II/2018, cả nước có 108 dự án xảy ra tranh chấp, khiếu nại giữa cư dân với chủ đầu tư.
Các tranh chấp, khiếu nại xoay quanh diện tích sở hữu chung - riêng, phí bảo trì, tổ chức hội nghị nhà chung cư lần đầu, ban quản trị không đủ năng lực hoạt động, không thực hiện các nhiệm vụ được giao theo quy định, có dấu hiệu không minh bạch, vụ lợi trong việc thu chi tài chính...
Nguyễn Hà
Chính phủ chỉ đạo 3 Bộ, chính quyền địa phương cùng xử lý tranh chấp chung cư
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các cơ quan chức năng tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước đối với công tác quản lý, ... |
Bộ trưởng Giao thông truy việc \'om\' quỹ bảo trì đường bộ
Bộ trưởng GTVT truy trách nhiệm của Văn phòng Quỹ bảo trì đường bộ Trung ương về khoản 320 tỷ đồng chưa được giải ngân ... |