Trước thềm năm học mới, lại lo chất lượng bữa ăn học đường

Năm học mới đang đến gần, nhiều trường học sẽ tổ chức cho học sinh trở lại trường học, có bán trú. Lúc này, chất lượng bữa ăn học đường lại là vấn đề được phụ huynh đặc biệt quan tâm. Bữa ăn học đường không chỉ đảm bảo cho học sinh đủ sức khỏe học tập cả ngày ở trường mà còn ảnh hưởng lâu dài tới sự phát triển trí tuệ học sinh đang ở tuổi ăn tuổi lớn.

Ai kiểm soát bữa ăn học đường?

Năm 2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã ban hành Quyết định số 2195/QĐ-BGDĐT phê duyệt Hướng dẫn công tác tổ chức bữa ăn học đường kết hợp tăng cường hoạt động thể lực cho trẻ em, học sinh trong các cơ sở giáo dục mầm non và tiểu học; Quyết định số 4280/QĐ-BGDĐT phê duyệt Hướng dẫn công tác tổ chức bữa ăn học đường kết hợp tăng cường hoạt động thể lực cho học sinh THCS.

Theo hướng dẫn này, thực đơn bữa ăn học đường cần bảo đảm đa dạng thực phẩm, nên đạt tối thiểu trên 10 loại thực phẩm khác nhau, trong đó có ít nhất 5 trong 8 nhóm thực phẩm theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (nhóm chất béo là bắt buộc).

Thực đơn phải mang tính khả thi, chế biến hợp lý, bảo đảm dinh dưỡng, an toàn thực phẩm, phù hợp theo quy định, điều kiện của từng cơ sở. Các trường có thể lựa chọn các hình thức hoạt động của bếp ăn trong trường học như: Bếp ăn do nhà trường trực tiếp quản lý, điều hành; bếp ăn do đơn vị cung cấp dịch vụ nấu tại trường và cung cấp cho học sinh; hoặc đặt suất ăn từ đơn vị cung cấp dịch vụ từ bên ngoài.

Trước thềm năm học mới, lại lo chất lượng bữa ăn học đường -0
Bữa ăn bán trú đạt chất lượng sẽ giúp học sinh phát triển tốt cả về thể lực và trí lực.

Sau quy định của Bộ GD&ĐT, theo đánh giá của nhiều phụ huynh, giáo viên, chất lượng bữa ăn tại trường học được cải thiện rõ rệt. Nhiều trường còn thành lập tổ giám sát an toàn thực phẩm, có ban đại diện cha mẹ học sinh tham gia; ban giám hiệu phân công lịch trực nhận thực phẩm cho các lớp, đến lớp nào trực thì đại diện ban phụ huynh lớp đó sẽ đến kiểm tra, giám sát. Có trường còn quản lý người ra vào khu vực bếp, bảo đảm an toàn trong suốt quá trình chế biến.

Dù vậy trên thực tế, an toàn bữa ăn học đường vẫn luôn là nỗi lo lắng của phụ huynh khi vẫn còn những trường hợp ngộ độc hay suất ăn lèo tèo, không đảm bảo chất lượng. Chị Trần Yến Thanh, quận Thanh Xuân, Hà Nội, có con năm nay học lớp 6 cho hay, những năm con chị học tiểu học, chị thường xuyên phải tự tìm hiểu thông tin về năng lực của đơn vị cung cấp bữa ăn cho con. Biết được đó là đơn vị tốt, uy tín, chị mới có thể nhẹ nhõm yên tâm. Năm nay, con chị vào THCS, trường mới, lớp mới, không  biết nhà trường sẽ chọn đơn vị cung cấp suất ăn theo tiêu chí nào, điều này khiến chị Thanh lại lo lắng.

Chị Vũ Minh Liên, Cầu Giấy, Hà Nội có con năm nay vào lớp 4  chia sẻ: “Mỗi năm, nhà trường đều phát phiếu cho phụ huynh tự nguyện đăng ký ăn bán trú cho con em mình. Trong các cuộc họp đầu năm, giáo viên chủ nhiệm sẽ thông báo số tiền phải đóng và tên đơn vị tổ chức bữa ăn bán trú. Tuy nhiên, thông tin về đơn vị cung cấp bữa ăn chỉ được thông báo lấy lệ. Phụ huynh như chúng tôi không hề biết đơn vị đó là ai hay năng lực của họ ra sao”.

Chung trăn trở với chị Liên, chị Nguyễn Thị Ngọc, phụ huynh sống tại quận Nam Từ Liêm, Hà Nội cho rằng, bữa ăn của các học sinh là do phụ huynh trả tiền, nhưng phụ huynh chỉ được biết đơn vị cung cấp suất ăn qua thông báo của nhà trường chứ không được tham gia vào quá trình lựa chọn nhà cung cấp.

“Để học tập tốt, thì điều kiện phát triển trí lực và thể lực của các con phải được đảm bảo. Ngay trong bữa cơm hàng ngày của gia đình, việc lựa chọn thực phẩm an toàn, tươi ngon cũng không phải là điều dễ dàng, vì thế việc cung cấp suất ăn cho hàng nghìn học sinh ở trường học càng khó hơn. Nỗi lo này không chỉ riêng tôi mà của chung rất nhiều phụ huynh khác. Trong năm học mới, tôi sẽ quan tâm nhiều hơn đến bữa ăn của con cũng như tiêu chí chọn nhà cung cấp suất ăn của trường”, chị Ngọc cho biết.

Trên thực tế, đã có trường hợp phụ huynh phải chuyển trường cho con vì bữa ăn học đường không đảm bảo. “Trẻ cần nguồn dinh dưỡng đầy đủ, an toàn, hợp lý để phát triển cả về thể chất và tinh thần. Năm nay tôi đã quyết định chuyển trường cho con vì nhận thấy bữa ăn của các con ở trường năm qua không đảm bảo”, chị Lê Yến Nhi, sống tại quận Long Biên, Hà Nội nói. Phụ huynh này bày tỏ mong muốn các phụ huynh được trực tiếp tham gia vào quá trình lựa chọn đơn vị cung cấp thực phẩm, phối hợp cùng nhà trường kiểm soát bữa ăn hằng ngày của các con.

Tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm vi phạm

Hiện nay, các trường học thường lựa chọn đơn vị cung cấp suất ăn thông qua các tiêu chí nhất định. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là: Những tiêu chí này có đủ để đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm hay không? Một số trường hợp, doanh nghiệp chỉ cần nộp đủ hồ sơ là có thể được xét duyệt. Nhiều phụ huynh còn cho rằng, việc lựa chọn các đơn vị cung cấp thực phẩm hay chế biến suất ăn tại trường học hiện nay chưa thực sự công khai minh bạch, việc lựa chọn vẫn theo quan điểm của ban giám hiệu nhà trường.

Cùng đó, nhiều trường đang lựa chọn đơn vị cung cấp bữa ăn bán trú theo dạng "hồ sơ chào hàng" và đương nhiên, hồ sơ của các công ty đều đầy đủ điều kiện, tiêu chuẩn cơ bản, đáp ứng yêu cầu. Do vậy, chất lượng bữa ăn của học sinh như thế nào phụ thuộc rất lớn vào trách nhiệm, lương tâm của đơn vị cung cấp và khâu giám sát của nhà trường.

Trước thềm năm học mới, lại lo chất lượng bữa ăn học đường -0
Thực tế đã có những bữa ăn học đường lèo tèo, kém chất lượng, khiến phụ huynh bức xúc.

Khẳng định vai trò quan trọng của bữa ăn học đường trong đảm bảo phát triển của trẻ khi đang ở “tuổi ăn tuổi lớn”, TS.BS Trương Hồng Sơn, Phó Tổng thư ký Tổng hội Y học Việt Nam, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam cho rằng, bữa ăn học đường rất quan trọng đối với sức khỏe trẻ em, đặc biệt là trẻ mầm non và tiểu học khi hệ miễn dịch còn chưa hoàn thiện và dễ bị rối loạn tiêu hóa. Ngoài việc cung cấp năng lượng cho các hoạt động thường ngày, bữa ăn này còn giúp trẻ tăng trưởng chiều cao. Tuy nhiên, chúng ta chưa quan tâm đúng mức đến vấn đề này. Hằng năm, các vụ ngộ độc thực phẩm vẫn xảy ra do nhiều khâu trong chuỗi cung ứng không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Chia sẻ về đảm bảo bữa ăn dinh dưỡng học đường, ông Nguyễn Thanh Đề, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Thể chất, Bộ GD&ĐT cho biết, ở các quốc gia phát triển như Nhật Bản, Mỹ, chương trình bữa ăn học đường được quy định rõ ràng, cụ thể trong luật về tiêu chuẩn dinh dưỡng cho bữa ăn, điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, cũng như các quy định về cơ sở vật chất, nhân lực đào tạo chuyên sâu để có thể thực hiện được bữa ăn học đường bảo đảm dinh dưỡng, khoa học và hợp lý trong trường học.

Ở Việt Nam, việc luật hóa các vấn đề về sức khỏe học đường, dinh dưỡng học đường là giải pháp về lâu dài, nếu áp dụng ngay thì chưa thể phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội của Việt Nam. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, để học sinh có bữa ăn học đường an toàn, lành mạnh, đủ dinh dưỡng rất cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành y tế, giáo dục từ trung ương đến địa phương trong tất cả các hoạt động triển khai, giám sát, thanh tra và hỗ trợ chuyên môn cho các trường.

Quan điểm này cũng nhận được sự đồng tình của các chuyên gia. TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD&ĐT cho rằng, để nâng cao chất lượng bữa ăn trường học, trước hết cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa nhà trường, phụ huynh và các cơ quan chức năng trong việc lựa chọn và giám sát đơn vị cung cấp suất ăn. Các tiêu chí lựa chọn cần được thiết lập rõ ràng, minh bạch và dựa trên năng lực thực tế của đơn vị cung cấp.

Nhà trường cần công khai thông tin về đơn vị cung cấp suất ăn, bao gồm nguồn gốc thực phẩm, quy trình chế biến và các chứng nhận liên quan đến an toàn thực phẩm. Phụ huynh cần có quyền tiếp cận và tham gia vào quá trình lựa chọn và giám sát quy trình đánh giá năng lực của đơn vị cung cấp, để đảm bảo rằng con em mình được sử dụng những bữa ăn chất lượng và an toàn.

Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng thực phẩm tại các đơn vị cung cấp suất ăn. Các doanh nghiệp cần phải có trách nhiệm và cam kết về chất lượng thực phẩm mà mình cung cấp. Cần có các chế tài xử phạt nghiêm khắc đối với những doanh nghiệp vi phạm, nhằm bảo vệ sức khỏe và quyền lợi của học sinh.

https://cand.com.vn/giao-duc/truoc-them-nam-hoc-moi-lai-lo-chat-luong-bua-an-hoc-duong-i738078/

Hồng Ánh / cand.com.vn