Tỉnh Tứ Xuyên ở tây nam Trung Quốc, lần đầu tiên kích hoạt ứng phó lũ lụt mức cao nhất, khi nước dâng tới các di sản thế giới như Cửu Trại Câu và Lạc Sơn Đại Phật.
Theo Tân Hoa Xã, mưa liên tục đã khiến 22 con sông lớn ở Tứ Xuyên vượt mức cảnh báo lũ lụt. Các dòng sông dâng cao đã làm ngập một số khu vực đô thị ở Nhã An và Lạc Sơn. Chính quyền địa phương đã sơ tán hơn 100.000 người bị ảnh hưởng bởi thảm họa.
Cơ quan kiểm soát lũ lụt và cứu trợ hạn hán của tỉnh đã nâng phản ứng lên cấp 1, mức cao nhất trong hệ thống ứng phó khẩn cấp 4 cấp, vào lúc 5 giờ sáng ngày 18.8.
Đoạn sông Thanh Y chảy qua Nhã An đã phải hứng chịu một trận lụt lớn hiếm thấy trong 100 năm, trong khi mực nước trên toàn bộ lưu vực sông Thanh Y, cũng như hạ lưu sông Đại Độ và sông Mân, dự kiến sẽ vượt quá mức cảnh báo.
"Tôi chưa bao giờ thấy trận lụt lớn như vậy trên sông Thanh Y. Tất cả đồ đạc ở tầng một nhà tôi bị ngâm trong nước vào đêm 17.8” - Wu Zhongjin, một cư dân ở Nhã An, cho biết.
Cứu hộ ở Tứ Xuyên. Ảnh: China Daily |
Liao Yuanbing, người đứng đầu thị trấn Nhã An, nói rằng, gần 20.000 người dân trong thị trấn đã được sơ tán đến nơi an toàn, và lực lượng cứu hộ vẫn đang tìm kiếm những người có thể bị mắc kẹt ở những nơi trũng thấp. Nhiều người dân địa phương đang dọn sạch nước, bùn và các mảnh vụn trong nhà bằng xẻng và chổi.
Tại Lạc Sơn, các chiến sĩ cứu hỏa được điều động bằng trực thăng và xuồng cao tốc giúp đỡ 1.020 người mắc kẹt trên đảo Fengzhou. Thức ăn và nước uống đã được gửi đến những người dân bị mắc kẹt gần một ngày sau khi lũ lụt cắt đứt giao thông đường bộ.
Vườn quốc gia Cửu Trại Câu, còn được gọi là Thung lũng chín làng, một di sản thế giới được UNESCO công nhận nổi tiếng với những thác nước ngoạn mục, những khu rừng tươi tốt, hệ thống hồ đa sắc và các dãy núi đá vôi trầm tích, đã thông báo đóng cửa tạm thời do lo ngại về an toàn.
Mưa xối xả không ngừng đã làm tắc nghẽn các con đường dẫn đến Cửu Trại Câu, với một phần diện tích bị ngập - theo ban quản lý khu danh thắng.
Mực nước tại các dòng chính của sông Baishuijiang, Baihe và Tangzhu ở huyện Cửu Trại Câu đã vượt quá mức cao lịch sử, một số đoạn đê bị vỡ và giao thông huyết mạch bị cắt đứt, cơ quan kiểm soát lũ lụt và cứu trợ hạn hán của huyện cho biết.
Lũ lụt cũng ảnh hưởng đến tượng Phật khổng lồ Lạc Sơn Đại Phật, một di sản thế giới khác được UNESCO công nhận, ở bên ngoài thành phố Lạc Sơn. Nước lũ tràn đến chân của tượng Phật lần đầu tiên kể từ năm 1949.
Đêm 17.8, cảnh sát địa phương và nhân viên khu thắng cảnh đã đặt các bao cát ở bệ dưới chân Đức Phật, như một con đập để bảo vệ bức tượng. Tuy nhiên, vào khoảng 10 giờ sáng ngày 18.8, do mực nước của các con sông địa phương dâng lên nhanh chóng, nước lũ đã ngập hết các ngón chân của bức tượng.
Nước lũ dâng đến chân Lạc Sơn Đại Phật. Ảnh: China Daily |
Có một câu nói cổ ở Lạc Sơn: Thành phố sẽ bị ngập hoàn toàn khi chân Đại Phật bị ngập. Lạc Sơn đã kích hoạt ứng phó kiểm soát lũ lụt cấp cao nhất.
Bức tượng Phật được tạc vào một vách đá ở núi Lạc Sơn và nhìn ra 3 dòng sông hội tụ, được xây dựng trong khoảng thời gian 90 năm bắt đầu từ năm 713, thời nhà Đường (618-907).
Chen Changming, phó thị trưởng thành phố Lạc Sơn, cho biết, ưu tiên hàng đầu của chính quyền thành phố là bảo vệ cuộc sống của những người đã được tái định cư và thực hiện công tác phòng chống dịch bệnh sau thảm họa.
Cơ quan khí tượng tỉnh Tứ Xuyên cho biết, vành đai mưa chính đang rời khỏi tỉnh. Tuy nhiên, các khu vực ngập nước vẫn có nguy cơ xảy ra các thảm họa địa chất như lở đất và lở bùn. Vùng thượng lưu các sông lớn trong tỉnh vẫn có khả năng xuất hiện lũ.
Ngọc Vân
Tứ Xuyên, Trung Quốc di dời khẩn cấp 60.000 người do mưa lũ |
Mưa lũ lớn ở Tứ Xuyên (Trung Quốc) khiến hơn 13.000 du khách mắc kẹt |