Trung Quốc cáo buộc Mỹ "truyền bá thuyết âm mưu và thông tin sai lệch" về khả năng nCoV rò rỉ từ một phòng thí nghiệm Vũ Hán.
Viện Virus học Vũ Hán gần đây lại trở thành tâm điểm chú ý sau khi tờ Wall Street Journal trích thông tin từ tình báo Mỹ cho biết ba chuyên gia tại đây đã nhập viện vì các triệu chứng "tương tự Covid-19" vào tháng 11/2019, vài tuần trước khi đại dịch bùng phát.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên hôm 26/5 bác bỏ thông tin này, cáo buộc Mỹ "truyền bá các thuyết âm mưu và thông tin sai lệch như khả năng nCoV lọt từ phòng thí nghiệm".
Ông Triệu chỉ trích động thái từ Mỹ là "thiếu tôn trọng" đối với cuộc điều tra của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và có nguy cơ "phá hoại sự đoàn kết toàn cầu nhằm chống lại đại dịch".
"Nếu Mỹ thực sự muốn hoàn toàn minh bạch thì hãy hành động như Trung Quốc đã làm, mời các chuyên gia của WHO tới thăm Mỹ và mở cuộc điều tra", Triệu Lập Kiên nhấn mạnh.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên tại cuộc họp báo ở Bắc Kinh hồi tháng 4/2020. Ảnh: AFP. |
Giả thuyết nCoV lọt ra từ Viện Virus học Vũ Hán, được thúc đẩy mạnh mẽ dưới thời chính quyền cựu tổng thống Donald Trump, ban đầu bị hầu hết chuyên gia và quan chức y tế bác bỏ vì cho rằng đó là thuyết âm mưu.
WHO hồi đầu năm cử một nhóm chuyên gia quốc tế đến thành phố Vũ Hán, để tìm hiểu nguồn gốc Covid-19. Tuy nhiên, sau một thời gian trì hoãn, nhóm chuyên gia công bố báo cáo, trong đó không đưa ra kết luận chắc chắn về nguồn gốc đại dịch, mà chỉ xếp hạng một số giả thuyết theo mức độ tin tưởng của họ.
Báo cáo cho biết virus nhảy từ dơi sang người thông qua động vật trung gian là kịch bản có thể xảy ra nhất, trong khi giả thuyết liên quan virus rò rỉ từ phòng thí nghiệm là "cực kỳ khó xảy ra".
Tuy nhiên, nhiều nhà khoa học vẫn tiếp tục hoài nghi về nguồn gốc Covid-19, bao gồm cả giả thuyết virus xuất phát từ phòng thí nghiệm. Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cũng khẳng định "tất cả giả thuyết vẫn còn bỏ ngỏ và cần được nghiên cứu thêm".
Đại diện nhiều bên gồm Mỹ, Australia, Nhật Bản và Liên minh châu Âu hôm qua phát biểu tại Đại hội đồng Y tế Thế giới (WHA), cơ quan ra quyết định của WHO, kêu gọi mở cuộc điều tra mới về nguồn gốc Covid-19 để "ngăn chặn những thảm họa toàn cầu trong tương lai xảy ra".
Kể từ khi bùng phát lần đầu ở thành phố Vũ Hán, Trung Quốc, hồi tháng 12/2019, Covid-19 đã lan tới 220 quốc gia và vùng lãnh thổ, khiến gần 170 triệu người nhiễm và hơn 3,5 triệu người chết.
Ngọc Ánh (Theo AFP)
Nhiều nước kêu gọi điều tra lại nguồn gốc Covid-19 |
Trung Quốc: 19 người đàn ông bị lừa lấy chung 2 vợ |
Mỹ sẽ trừng phạt Trung Quốc nếu virus bị rò rỉ từ phòng thí nghiệm Vũ Hán? |