Trung Quốc tìm điểm cân bằng trong chính sách ngoại giao

Giới học giả cho rằng, diễn biến gần đây cho thấy Trung Quốc đang cố gắng tìm ra điểm cân bằng giữa chính sách ngoại giao cứng rắn và mềm dẻo chứ không đơn thuần là thân thiện kiểu “gấu trúc” hay lên gân theo cách của “chiến lang”.

gau-truc-2815-388
Trong lịch sử, Trung Quốc áp dụng chính sách điển hình là ngoại giao “gấu trúc”

Cựu Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên là một trong số những nhà ngoại giao được mệnh danh là “chiến lang” hăng hái nhất. Mặc dù bị các nhà ngoại giao phương Tây chỉ trích, lối hùng biện theo cách “gây chiến” của ông Triệu đã thu hút một lượng lớn khán giả trên nền tảng truyền thông xã hội X, với tài khoản hơn 1,9 triệu người theo dõi. Nhưng vào đầu tháng 1-2023, ông Triệu Lập Kiên được chuyển vị trí công tác sang bộ phận quản lý biên giới trên bộ và trên biển trong Bộ Ngoại giao. Kể từ đó, thông tin liên quan đến ông trên trang chính thức cũng như mạng xã hội rất ít. Điều này cho thấy, dù đây là nhân vật điển hình trong công cuộc bảo vệ Bắc Kinh trước những lời chỉ trích của nước ngoài và chủ động tung ra các cuộc hùng biện trên khắp các phương tiện truyền thông nhằm chống lại các thế lực thù địch, nhưng dù sao Trung Quốc bắt đầu hạn chế bớt những “chiến binh” kiểu này.

Theo Phó Giáo sư Chong Ja Ian - giảng viên về chính sách đối ngoại của Trung Quốc tại Đại học Quốc gia Singapore, ngoại giao “chiến lang” lấy cảm hứng từ bộ phim Trung Quốc năm 2017 có tên gọi “Chiến lang 2”. Phim kể về một cựu quân nhân Trung Quốc tình nguyện đến một quốc gia châu Phi bị chiến tranh tàn phá để giải cứu công dân Trung Quốc bị mắc kẹt do giao tranh giữa phiến quân và lực lượng chính phủ. Nhưng chính sách ngoại giao này có nguồn gốc từ căng thẳng gia tăng ở Biển Đông trong bối cảnh Tòa án Trọng tài Thường trực ở The Hague năm 2016 ra phán quyết rằng, các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở hầu hết vùng biển tranh chấp trong khu vực là không có cơ sở pháp lý. Trong bối cảnh đó, ngoại giao “chiến lang” là một cách để thể hiện quyết tâm của Bắc Kinh trong việc bảo vệ lợi ích của mình. “Nó cũng phù hợp với việc Trung Quốc ngày càng thúc đẩy ý thức mạnh mẽ hơn về chủ nghĩa dân tộc” - ông Chong Ja Ian phân tích.

Bởi thế, ngoại giao “chiến lang” là một hiện tượng tương đối gần đây, trái ngược hẳn với chính sách truyền thống của Bắc Kinh là thận trọng và khép kín hơn, hiếm khi tương tác với truyền thông nước ngoài hoặc đăng bài trên mạng xã hội. Trong lịch sử, Trung Quốc áp dụng chính sách điển hình là ngoại giao “gấu trúc”. Vào những năm 1970, Tổng thống Mỹ Richard Nixon có chuyến thăm mang tính bước ngoặt tới Trung Quốc và chấm dứt sự cô lập quốc tế với Bắc Kinh. Sau chuyến thăm, lãnh đạo Trung Quốc lúc bấy giờ là Chủ tịch Mao Trạch Đông đã tặng 2 chú gấu trúc cho nước Mỹ. Hai năm sau, Vương quốc Anh cũng được trao tặng món quà tương tự. “Những chú gấu trúc mang đến một góc nhìn thân thiện và đáng yêu về Trung Quốc vào thời điểm nước này vẫn để lại những dấu ấn tiêu cực, bắt nguồn từ Chiến tranh Triều Tiên và Cách mạng Văn hóa” - Phó Giáo sư Chong Ja Ian nói. Kể từ những năm 1980, Bắc Kinh đã điều chỉnh chương trình này để cho mượn gấu trúc với một khoản phí và trong thời gian giới hạn như một dấu hiệu của tình hữu nghị với các nước trên thế giới. Tính đến năm 2023, Bắc Kinh đã cho khoảng 26 vườn thú ở 20 quốc gia khác nhau mượn gấu trúc. Nhưng theo ông Chong, chính sách ngoại giao đó của Bắc Kinh đã không còn hữu dụng ở một số mặt. Thực tế, Trung Quốc muốn truyền tải một cái nhìn mang nhiều sắc thái hơn sau nhiều thập kỷ đất nước này mở cửa với thế giới bên ngoài.

Trở lại với chính sách ngoại giao “chiến lang” hay chiến thuật gây áp lực bằng phương pháp ngoại giao cứng rắn (như từng áp dụng với Australia) gần đây, rõ ràng Trung Quốc cảm thấy không phát huy hiệu quả. Bắc Kinh cũng có giọng điệu hòa giải hơn với Mỹ kể từ khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp Tổng thống Mỹ Joe Biden ở San Francisco vào tháng 11-2023, một sự tương phản rõ rệt so với đầu năm khi quan hệ song phương xuống mức thấp mới. Thời điểm hiện tại, tăng trưởng gặp khó khăn, Trung Quốc ghi nhận mức thâm hụt đầu tư trực tiếp nước ngoài lần đầu tiên trong giai đoạn từ tháng 7 đến tháng 9-2023. “Kế hoạch kinh tế toàn cầu của nước này đòi hỏi một phong cách ngoại giao giảm thiểu sự đối đầu” - ông Shaoyu Yuan của Đại học Rutgers (Mỹ) - một học giả về ngoại giao Trung Quốc, nhận định.

Theo ông Shaoyu Yuan, sự thay đổi trong chính sách ngoại giao “chiến lang” và “gấu trúc” cho thấy Trung Quốc đang cố gắng tìm ra điểm cân bằng giữa chính sách ngoại giao cứng rắn và mềm dẻo. Tuy nhiên, ông Chong nói: “Ngoại giao “chiến lang” là một phương tiện để đạt được mục đích. Và nếu Bắc Kinh kỳ vọng nó hữu ích thì vào một ngày nào đó nó có thể quay trở lại”.

Yên Vũ / ANTĐ