Ngoại trưởng Trung Quốc hôm 31/7 cho rằng nước này sẽ đạt đồng thuận về bộ quy tắc ứng xử Biển Đông với ASEAN, bất chấp căng thẳng gia tăng thời gian qua.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị phát biểu tại một sự kiện của ASEAN ở Bangkok, Thái Lan hôm 31/7. Ảnh: AFP. |
"Tôi tin rằng tiến triển cho thấy Trung Quốc và các nước ASEAN có khả năng, sự khôn ngoan và sẽ đạt sự đồng thuận về Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC)", Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị phát biểu sau vòng rà soát đầu tiên dự thảo đàm phán COC, bộ quy tắc có tính ràng buộc về pháp lý giữa ASEAN và Trung Quốc, tại Bangkok, Thái Lan hôm 31/7. Dự thảo văn bản đơn nhất COC đã được đưa ra từ tháng 8/2018 tại Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN lần thứ 51 ở Singapore.
Ông Vương tỏ ra lạc quan rằng COC "nhất định" sẽ đạt được đồng thuận trước thời hạn ba năm tới.
Bình luận của ông Vương được đưa ra cùng ngày các ngoại trưởng ASEAN tại Hội nghị trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 52 ở Bangkok hôm qua ra tuyên bố chung lên án các hành vi của Trung Quốc ở Biển Đông.
"Chúng tôi đã thảo luận về tình hình ở Biển Đông, trong đó một số bộ trưởng bày tỏ lo ngại về việc cải tạo đất, hoạt động và sự cố nghiêm trọng trong khu vực. Những điều này đã làm xói mòn niềm tin, gia tăng căng thẳng và có thể làm suy yếu hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực", tuyên bố của ASEAN nêu.
Tại hội nghị, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh hôm qua cũng lên án hành vi đơn phương như quân sự hoá, gia tăng tập trận quân sự, đặc biệt là hoạt động của tàu khảo sát Hải Dương 8 xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở khu vực phía Nam Biển Đông. Hoạt động này của Trung Quốc đã bị quan chức các nước như Anh, Đức nêu quan ngại và Mỹ lên án là hành vi "bắt nạt".
Tuy nhiên, Ngoại trưởng Trung Quốc lại ngầm chỉ trích Mỹ, khi nói rằng các nước ngoài khu vực không nên "gieo rắc" sự nghi ngờ giữa hai bên. "Sự ổn định ở Biển Đông phục vụ lợi ích chung của Trung Quốc và tất cả các quốc gia nhỏ khác", ông Vương biện minh, thêm rằng tình hình đã được cải thiện trong những năm gần đây. Song ông Vương cũng thừa nhận "sự thật là giữa các nước liên quan có một số tranh chấp hàng hải lâu dài"
Paul Chambers, giảng viên khoa Nghiên cứu Cộng đồng ASEAN của Đại học Naresuan ở miền bắc Thái Lan, cho rằng hầu hết các nước ASEAN không muốn làm mất lòng Trung Quốc và Trung Quốc "luôn muốn ASEAN bị chia rẽ". "Chúng ta phải nhớ rằng chính phủ Duterte mới chỉ áp dụng chính sách thận trọng hơn đối với Trung Quốc sau khi Bắc Kinh đánh chìm một tàu cá của Philippines trong vùng biển tranh chấp", Chambers nhận định.
Chia sẻ với VnExpress Giáo sư Alexander Vuving, Trung tâm nghiên cứu an ninh châu Á - Thái Bình Dương, Mỹ, cảnh báo từ nay đến 2021, Trung Quốc gia tăng áp lực tối đa để ép các nước ASEAN chấp nhận một Bộ Quy tắc ứng xử theo ý Bắc Kinh.
Huyền Lê (Theo Bloomberg)