Trung Quốc thúc giục các doanh nghiệp nhà nước thâu tóm các công ty Hong Kong giữa lúc đặc khu này chìm trong các cuộc biểu tình suốt 3 tháng qua.
Theo Reuters, chỉ thị được đưa ra trong cuộc họp do Ủy ban giám sát tài sản nhà nước và hành chính quốc gia Trung Quốc (SASAC) tổ chức vào cuối tuần trước tại Thâm Quyến. Tại đây, chính phủ kêu gọi đại diện cấp cao tới từ gần 100 doanh nghiệp lớn nhất Trung Quốc giúp giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay ở Hong Kong.
Cụ thể, các công ty này được khuyến khích đẩy mạnh đầu tư, mở rộng thêm quyền kiểm soát với các công ty ở Hong Kong để có thể nắm quyền, đưa ra quyết định chứ không phải chỉ nắm cổ phần.
Tại cuộc họp, các doanh nghiệp cam kết đầu tư nhiều hơn vào các ngành công nghiệp chính của Hong Kong, bao gồm bất động sản và du lịch nhằm tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương và ổn định thị trường tài chính.
Trung Quốc thúc giục các doanh nghiệp nhà nước mở rộng kiểm soát với các công ty Hong Kong. (Ảnh: Reuters) |
Nguồn tin thân cận của Reuters cho biết, không có khoản đầu tư cụ thể nào được thảo luận hay thống nhất trong và sau cuộc họp. Một nguồn tin khác nói rằng 2 trong số những cái tên đáng chú ý tham gia vào cuộc họp là tập đoàn dầu khí khổng lồ Sinopec và Tập đoàn Thương gia Trung Quốc
Thông cáo báo chí được SASAC đưa ra mới đây cho biết ông Hao Peng, lãnh đạo của Ủy ban này tuần trước tuyên bố tại một diễn đàn về sáng kiến Vành đai và Con đường tại Hong Kong rằng các doanh nghiệp nhà nước đang tìm cách hợp tác trong các dự án lớn tại đặc khu.
Ông Hao đi cùng với nhóm CEO của các doanh nghiệp nhà nước sau đó có cuộc gặp mặt với Trưởng đặc khu hành chính Hong Kong Carrie Lam. Tuy nhiên, không rõ nội dung cuộc trò chuyện.
Thông tin này khiến nhiều người thêm quan ngại về việc Trung Quốc đang tăng cường nỗ lực kiểm soát hơn nữa Hong Kong, điều mà người biểu tình ở đặc khu này đang kịch liệt phản đối.
Căng thẳng chính trị lan sang lĩnh vực kinh doanh khi hãng hàng không Cathay Pacific Airways Ltd. phải đối mặt với với phản ứng dữ dội từ đại lục sau khi nhân viên của hãng này tham gia biểu tình.
Cathay đang trở thành doanh nghiệp chịu tổn thất nặng nề nhất sau khi Bắc Kinh yêu cầu họ đình chỉ công tác của các nhân viên tham gia biểu tình. Chủ tịch hãng này mới đây tuyên bố sẽ từ chức vào tháng 11, gần 3 tuần sau khi CEO này nộp đơn từ chức.
Nhà điều hành tàu điện ngầm Hong Kong MTR cũng phải xuôi theo Bắc Kinh, tỏ ra cứng rắn với người biểu tình sau khi truyền thông nhà nước Trung Quốc bày tỏ sự thất vọng và khẳng định công ty này tạo điều kiện để bạo lực lây lan trong dân chúng.
"Điều này có nghĩa là Bắc Kinh sẽ có nhiều quyền kiểm soát hơn, không chỉ trong chính trị mà còn cả nền kin kinh tế", Joseph Cheng, giáo sư khoa học chính trị và là nhà hoạt động dân chủ nhận định,
Hong Kong vừa bước qua tuần biểu tình thứ 15 liên tiếp, làm tê liệt một số bộ phận của trung tâm tài chính đặc khu này, bao gồm cả mạng lưới giao thông và làm suy giảm tăng trưởng kinh tế.
Trong bài báo đăng tải hồi giữa tuần trước, People's Daily, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc cảnh báo tình trạng các nhà kinh doanh bất động sản Hong Kong đang tích trữ đất, thúc giục chính quyền đặc khu cân nhắc mua lại một số bất động sản để giảm giá nhà đất vốn luôn ở mức cao ngất ở Hong Kong.
Nền kinh tế Hong Kong từng bị chi phối bởi các thương gia Anh từ thế kỷ 19. Các ông trùm kinh doanh tại đặc khu này tiếp quản các doanh nghiệp vào cuối thế kỷ 20, tạo ra hàng loạt tập đoàn lớn như CK Hutchison Holdings của tỷ phú nổi tiếng Lý Giai Thành.
Theo Tân Hoa Xã, Bắc Kinh đã sẵn sàng gây áp lực để các doanh nghiệp Hong Kong trở nên yếu hơn. Nhiều quan chức chính quyền trung ương trong cuộc họp hồi tháng 8 với 500 lãnh đạo doanh nghiệp và các chính trị gia thân Bắc Kinh phê phán họ làm không đủ để dập tắt các cuộc biểu tình.
Cũng trong cuộc họp này, Bắc Kinh kêu gọi các nhà điều hành các doanh nghiệp và các chính trị gia Hong Kong không nên sợ hãi và kêu gọi họ đứng lên ngăn chặn bạo lực.
Đường tắt đưa con nhà giàu Trung Quốc vào đại học Mỹ |
Lựu ruột đen Trung Quốc "gắn mác" Ấn Độ |
Người biểu tình Hong Kong muốn Anh gây sức ép với Trung Quốc |