Việc Trung Quốc tăng cường các cuộc tập trận trên Biển Đông, trong đó có quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, đang khiến dư luận đặc biệt quan tâm bởi có thể làm tình hình khu vực thêm căng thẳng.
Hoạt động xâm phạm chủ quyền của Việt Nam
Mới đây, Trung Quốc đã tiến hành tập trận tại khu vực phía Tây Bắc quần đảo Hoàng Sa. Theo thông báo của Cục Hải sự tỉnh Hải Nam, khu vực tập trận được giới hạn bởi 5 điểm có tọa độ thuộc lãnh hải 12 hải lý của đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Tàu thuyền bị cấm di chuyển vào khu vực trên trong thời gian quân đội Trung Quốc tập trận.
Đây là diễn biến mới nhất trong chuỗi những hành động xâm phạm vùng biển của Việt Nam mà Trung Quốc tiến hành, dựa trên tuyên bố chủ quyền phi pháp ở Biển Đông. Trong trường hợp này là chủ quyền của Việt Nam với quần đảo Hoàng Sa. Theo những tài liệu nghiên cứu, Việt Nam đã thiết lập chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa từ khi quần đảo là lãnh thổ vô chủ. Ít nhất từ thế kỷ XVII, các triều đại nhà Nguyễn của Việt Nam đã tổ chức các hoạt động khai thác sản vật trên các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa, tổ chức đo đạc hải trình và bảo đảm an toàn cho các tàu thuyền của quốc gia khác qua lại tại khu vực quần đảo Hoàng Sa. Các hoạt động này đều đã được ghi nhận trong các văn bản chính thức do các triều đình Việt Nam ban hành là các châu bản hiện đang được lưu giữ tại Việt Nam.
Trong khi đó, các tài liệu mà Trung Quốc dẫn chiếu không chứng tỏ rằng Trung Quốc đã thiết lập chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa khi quần đảo còn là lãnh thổ vô chủ. Ngược lại, các ghi chép lịch sử cho thấy Trung Quốc hiểu rằng chủ quyền của họ chưa bao giờ bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa. Điển hình là vào thập kỷ cuối cùng của thế kỷ XIX khi 2 tàu Bellona và Umeji Maru bị đắm ở Hoàng Sa và bị ngư dân Trung Quốc cướp tài sản, Trung Quốc cho rằng quần đảo Hoàng Sa là lãnh thổ không thuộc về Trung Quốc, do đó, không chịu trách nhiệm về vụ ngư dân cướp tài sản.
Sau khi Pháp và Việt Nam ký Hiệp định bảo hộ, Pháp đã thay mặt Việt Nam tiếp tục thực thi chủ quyền với quần đảo Hoàng Sa và tuyên bố phản đối các hành động xâm phạm của Trung Quốc. Trước và sau khi Chiến tranh Thế giới thứ II kết thúc, vấn đề chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa cũng như Trường Sa đã nhiều lần được đưa ra các hội nghị quốc tế xem xét. Tại Hội nghị Hòa bình San Francisco năm 1951, 51 quốc gia tham gia Hội nghị đều không phản đối Tuyên bố xác nhận chủ quyền lâu đời của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa do Trưởng phái đoàn Việt Nam Trần Văn Hữu nêu tại Hội nghị.
Năm 1956, lợi dụng lúc Pháp rút khỏi Việt Nam, Trung Quốc đã xâm chiếm nhóm đảo phía Đông quần đảo Hoàng Sa. Chính quyền Việt Nam Cộng hòa đã phản đối mạnh mẽ sự chiếm đóng này. Năm 1974, lợi dụng tình hình chiến tranh ở Việt Nam, Trung Quốc đã tấn công và chiếm quyền kiểm soát Hoàng Sa từ chính quyền Việt Nam Cộng hòa. Đây là lần đầu tiên Trung Quốc chiếm đóng bằng vũ lực toàn bộ quần đảo Hoàng Sa. Tháng 7-2012, Trung Quốc thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa”, đặt trụ sở trên đảo Phú Lâm từ tháng 7-2012 nhằm thâu tóm các quần đảo ở Biển Đông, trong đó có Trường Sa và Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.
Từ góc độ luật pháp quốc tế, việc chiếm đóng bằng vũ lực lãnh thổ của một quốc gia có chủ quyền là hành vi bất hợp pháp và không thể là cơ sở cho đòi hỏi chủ quyền. Vì vậy, chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa vẫn được duy trì và không bị thay thế bởi sự chiếm đóng bằng vũ lực của Trung Quốc.
Liên quan đến tập trận của Trung Quốc tại Hoàng Sa, đây là hoạt động xâm phạm chủ quyền của Việt Nam. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đã nêu rõ: “Việc Trung Quốc tập trận ở khu vực quần đảo Hoàng Sa xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo này, đi ngược lại tinh thần Tuyên bố chung về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), gây phức tạp tình hình, không có lợi cho quá trình đàm phán hiện nay giữa Trung Quốc và ASEAN về Bộ quy tắc ứng xử giữa các bên ở Biển Đông (COC) và duy trì môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác ở Biển Đông”.
Hành động khuếch trương sức mạnh trong mưu đồ độc chiếm Biển Đông
Vậy âm mưu của Trung Quốc trong việc tập trận ở Hoàng Sa và Biển Đông là gì? Theo các thông báo được đăng trên website của Cục Hải sự Trung Quốc (MSA) và thông tin từ tờ South China Morning Post, tính từ đầu năm đến nay, Trung Quốc đã tiến hành hoặc lên kế hoạch ít nhất 34 cuộc tập trận ở Biển Đông, trong đó có 8 cuộc tập trận ở vịnh Bắc bộ. Còn trong năm ngoái, Trung Quốc được cho là đã tiến hành ít nhất 51 cuộc tập trận ở Biển Đông, trong đó có ít nhất 20 cuộc tập trận ở vịnh Bắc bộ và ít nhất một cuộc tập trận trái phép ở quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.
Ngoài ra, giữa tháng 4 vừa qua, tờ Hoàn Cầu thời báo đưa tin Trung Quốc đã bắt đầu triển khai chiến đấu cơ thế hệ 5 tàng hình J-20 tập luyện và tuần tra ở Biển Đông, biển Hoa Đông. Diễn biến này tạo ra một thách thức lớn cho Việt Nam cũng như các nước có vị trí gần với các căn cứ mà Trung Quốc sẽ đồn trú J-20.
Có thể thấy sự phô diễn sức mạnh của Trung Quốc tại Biển Đông đã vượt xa ranh giới truyền thống. Theo các nhà quan sát, đây là kết quả từ tư tưởng của một số quan chức và chuyên gia, học giả Trung Quốc từ lâu nay vẫn phiến diện kiên trì quan điểm về thềm lục địa kéo dài tự nhiên và chủ trương về “đường 9 đoạn”, “một mình một chợ”, không đếm xỉa người khác của Trung Quốc ở Biển Đông.
Trên cơ sở mổ xẻ từ nhiều góc độ, các chuyên gia quân sự cho rằng mục đích của các cuộc tập trận mà Trung Quốc tiến hành ở Biển Đông là hành động khuếch trương sức mạnh, răn đe các nước đang có tranh chấp chủ quyền trên biển với Trung Quốc. Nó xuất phát từ âm mưu độc chiếm vùng biển này trên cơ sở “đường 9 đoạn” mà Trung Quốc áp đặt một cách phi pháp. Đó cũng là hành động vừa cảnh báo, vừa có tính chất thăm dò xem phản ứng của Mỹ và các nước trước tham vọng độc chiếm Biển Đông của Bắc Kinh.
Chính vì thế, các hoạt động quân sự này của Trung Quốc bị các nước trên thế giới và khu vực theo dõi sát và phản đối vì nó tạo nguy cơ gây xung đột. Chuyên gia hải quân Bryan Clark thuộc Học viện Hudson (trụ sở ở Washington, Mỹ) cho rằng “các cuộc tập trận của Trung Quốc không đơn thuần mô phỏng một cuộc tấn công vào các lực lượng quân sự khác, mà là sử dụng quân đội tương tự như hành động của cảnh sát để trấn áp tình trạng bất ổn dân sự tiềm tàng”.
Nhà báo Javad Heydarian của Philippines nhận định: “Các cuộc diễn tập hải quân ngày càng hung hăng của Trung Quốc được nhiều người coi như một nỗ lực khai thác thế suy yếu của Mỹ để bảo đảm lợi thế mới trong các điểm nóng”. Còn ông Murray Hiebert, chuyên gia cao cấp tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) tại Mỹ, thì cho rằng Trung Quốc dường như muốn chứng tỏ rằng nước này không bị đe dọa bởi việc điều các tàu chiến qua lại khu vực tranh chấp ở Biển Đông của Mỹ, Nhật Bản, Anh... cuối năm ngoái.
Trong một tuyên bố, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Nhật Bản cảnh báo rằng “bất cứ nước nào tìm cách thay đổi hiện trạng Biển Đông bằng vũ lực đều bị buộc phải trả giá đắt”. Theo đó, nếu cứ tiếp tục ngang ngược, “coi trời bằng vung”, thì cái giá mà Trung Quốc sẽ phải trả rất lớn, không chỉ là sự phản đối, tẩy chay và cô lập ở khu vực cũng như trên thế giới mà cả những biện pháp trừng phạt của cộng đồng quốc tế. Còn Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo khi còn nắm quyền cũng từng nhắc trên Twitter rằng: “Chính sách của Mỹ rất rõ ràng: Biển Đông không phải là đế chế biển của Trung Quốc”.