Tân Khu Hùng An, Hà Bắc, đang trong cơn sốt xây dựng nhằm hiện thực hóa dự án tham vọng của chính phủ: kiến tạo "thành phố trong mơ" từ con số 0.
Trung Quốc đã tuyên bố chi hàng tỷ USD vào các dự án cơ sở hạ tầng trong năm nay nhằm thúc đẩy động lực phục hồi kinh tế quốc gia và ổn định thị trường việc làm sau đại dịch Covid-19. Hùng An, cách trung tâm Bắc Kinh khoảng hai giờ lái xe về phía nam, đang đi những bước đầu tiên trên con đường trở thành một đô thị kiểu mới sau khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hồi tháng 4/2017 đích thân chọn nơi đây để kiến tạo "thành phố của tương lai".
Những cần trục xây dựng che kín đường chân trời tại Tân Khu Hùng An, tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc. Ảnh: SCMP. |
Tân Khu Hùng An được định hướng phát triển theo hướng đề cao sáng tạo, thân thiện với môi trường và người dân. Nó sẽ là nơi đặt trụ sở của các văn phòng chính phủ, viện nghiên cứu, trường học, thậm chí là bệnh viện, được di dời từ Bắc Kinh, nhằm giảm áp lực ngày càng tăng cho thủ đô.
Chính quyền trung ương Trung Quốc cũng muốn Hùng An đóng góp vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển của hành lang Bắc Kinh - Thiên Tân - Hà Bắc, biến khu vực này trở thành một trọng điểm kinh tế ở miền bắc Trung Quốc, tương tự đồng bằng sông Châu Giang ở phía nam, gần Thâm Quyến và Hong Kong, hay đồng bằng sông Dương Tử ở phía đông, xung quanh Thượng Hải.
Chủ tịch Tập từng đến Hùng An hồi tháng một năm ngoái, kêu gọi các công ty tư nhân và nhà nước nỗ lực gấp đôi để biến mục tiêu đề ra thành hiện thực. Không giống nhiều kế hoạch đầy tham vọng khác được chính quyền địa phương hỗ trợ, dự án Tân Khu Hùng An được ban lãnh đạo cấp cao Trung Quốc trực tiếp thông qua và huy động các nguồn lực cần thiết từ chính quyền trung ương. Dự án dự kiến hoàn thành vào năm 2035.
Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra vẫn là liệu quy hoạch nhà nước có thể đưa Hùng An trở thành một "thành phố hoàn hảo" giống như giới lãnh đạo Trung Quốc hình dung hay không.
Với mục tiêu dần dần loại bỏ các doanh nghiệp sản xuất truyền thống ở địa phương, từ đóng giày đến may mặc hay tái chế kim loại, Bắc Kinh đang đặt cược rằng những ngành nghề này có thể được thay thế một cách hiệu quả bằng những kỹ thuật sản xuất và công nghệ tiên tiến hơn.
Hà Bắc nổi tiếng là một trong những tỉnh ô nhiễm nhất Trung Quốc và đến nay có rất ít chuỗi giá trị công nghệ cao tại các khu vực xung quanh Hùng An.
Bề ngoài, việc phát triển Hùng An, nơi có diện tích tương đương Thâm Quyến, đang tạo ra rất nhiều việc làm, đặc biệt là cho những lao động nhập cư trong ngành xây dựng. Theo truyền thông địa phương, Hùng An trong năm nay sẽ tuyển dụng khoảng 100.000 lao động.
"Tất cả chúng tôi đều từ nơi khác đến", một công nhân luyện thép ngoài 20 tuổi làm việc tại nhà ga đường sắt cao tốc đang xây dựng ở Hùng An, cho hay. "Công việc ở đây rất ổn định. Chúng tôi được nhận hơn 10.000 tệ (1.462 USD) một tháng. Mức thu nhập này không tệ, nhưng công việc khá khó khăn".
Nhà ga, dự kiến đi vào hoạt động từ cuối năm nay, là điểm cuối của tuyến đường sắt cao tốc nối Hùng An với Bắc Kinh. Dự án có mức đầu tư 33,35 tỷ nhân dân tệ (4,9 tỷ USD), được Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc phê duyệt hồi năm 2018.
Nhà ga có diện tích bằng 66 sân bóng và là "nhà ga đường sắt cao tốc lớn nhất châu Á". Đây chỉ là một trong rất nhiều đại dự án đang được triển khai cấp tốc ở Hùng An sau quãng thời gian tạm ngừng vì Covid-19.
Một số công nhân cho biết nhiều dự án xây dựng cơ sở hạ tầng tại Hùng An đang được thi công 24 giờ mỗi ngày. "Chúng không bao giờ ngừng nghỉ", một công nhân họ Li, ngoài 20 tuổi, làm việc tại công trường xây dựng khu dân cư Dung Đông, Hùng An, nói.
Dự án nhà ga đường sắt cao tốc Hùng An đang được xây dựng. Ảnh: SCMP. |
Khu dân cư Dung Đông, nằm tại trung tâm dự án Hùng An, sẽ là nơi sinh sống của khoảng 80.000 người được di dời từ nơi ở cũ của họ thuộc huyện Dung Thành. Những căn hộ mới có đầy đủ tiện nghi và các cơ sở giải trí, song không phải tất cả dân địa phương đều hài lòng.
"Tôi sẽ không đi đâu hết", một chủ cửa hàng tên Tuo bán quần áo trẻ em tại huyện Dung Thành quả quyết. "Tôi không cần biết những tòa nhà mới xanh đến đâu nhưng đây là quê hương tôi, tôi lớn lên ở đây".
Năm 2016, khoảng 1/4 trong 260.000 dân của huyện Dung Thành làm việc trong lĩnh vực sản xuất đồ may mặc, theo nhà cung cấp dữ liệu Trung Quốc Askci.com. Tuy nhiên, rất nhiều nhà máy ở địa phương, bao gồm cả các cơ sở gia công đồ may mặc, đã phải đóng cửa vì không đáp ứng được các tiêu chuẩn môi trường mới, Tuo cho hay.
"Chúng gây thiệt hại cho công việc kinh doanh của tôi, chắc chắn rồi", Tuo nói. "Rất nhiều người ở đây bị mất việc nên không thể mua sắm".
Tình cảnh tương tự cũng diễn ra ở huyện Hùng, một trong ba huyện thuộc quy hoạch dự án Hùng An, nơi từng là công xưởng sản xuất các sản phẩm nhựa. Nhiều nhà máy đóng gói ở đây đã bị bỏ hoang với những đống sắt thép lớn chất cao, rỉ sét.
Tính đến cuối năm 2016, huyện Hùng có hơn 4.000 cơ sở sản xuất nhựa, với giá trị sản lượng hàng năm đạt hơn 10 tỷ nhân dân tệ ( hơn 1,46 tỷ USD), cung cấp khoảng 50.000 việc làm. Ngành công nghiệp nhựa ở huyện Hùng đóng góp 70% GDP của địa phương này năm 2016.
Giống như gia công may mặc, ngành bao bì nhựa cũng không được chính phủ ưu ái. Theo kế hoạch cải tạo ngành công nghiệp mà tỉnh Hà Bắc công bố năm 2017, 123 nhà máy bị xếp vào danh sách các cơ sở "gây ô nhiễm nặng" và phải đóng cửa hoặc di dời.
Michael Mittasch, một kỹ sư người Australia, từng có công ty thiết kế và sản xuất thiết bị tại Yến Giao, thành phố ở Hà Bắc giáp ranh với quận Thông Châu, Bắc Kinh, cho biết ông phải chuyển nhà máy đến thành phố Nam Kinh, tỉnh Giang Tô, hồi năm 2018 sau một chiến dịch truy quét các cơ sở gây ô nhiễm của chính quyền địa phương.
"Cuối cùng, tôi gần như không thể tiếp tục làm việc", Mittasch nói. "Rất nhiều yếu tố tác động. Một trong số đó là người dân ở đây đang có xu hướng trở thành nhân viên văn phòng, viên chức nhiều hơn là công nhân sản xuất".
"Bất cứ ngày nào không khí bị ô nhiễm, tất cả các cơ sở sản xuất công nghiệp ở đây đều phải ngừng hoạt động", ông cho hay. "Chúng tôi cũng được chính quyền địa phương yêu cầu không mở rộng quy mô sản xuất. Tôi nghĩ ở những khu vực quanh Bắc Kinh, họ không muốn phát triển ngành sản xuất".
"Tôi có thể hiểu vì sao họ muốn đầu tư phát triển công nghiệp công nghệ cao. Thật tuyệt khi sở hữu các ngành công nghiệp công nghệ cao và không gây ô nhiễm, nhưng vấn đề là bạn vẫn phải đảm bảo một chuỗi cung ứng đầy đủ", Mittasch nhận xét.
Li Gaosi, một doanh nhân khởi nghiệp trong lĩnh vực sản xuất thiết bị điện, cho biết chủ yếu các công ty nhà nước và những tập đoàn tư nhân lớn mới đủ khả năng chuyển đến Hùng An. Khó khăn nằm ở chính sách và những vấn đề về nguồn lực.
Là chủ tịch công ty Đầu tư Công nghệ Naisi, Li đã bỏ ra 6,5 tỷ tệ (950 triệu USD) đầu tư vào phát triển một khu công nghiệp ở thành phố Bảo Định, tỉnh Hồ Bắc, nơi sẽ kết nối với tuyến đường sắt cao tốc Hùng An - Bắc Kinh.
Li cho biết khoản đầu tư của ông nhằm thu hút các công ty từ những nơi khác ở Hà Bắc, cũng như các công ty nước ngoài tập trung vào phát triển kinh tế kỹ thuật số, khoa học đời sống, ứng dụng thông minh và dịch vụ cao cấp. Nỗ lực của chính quyền Trung Quốc trong việc phát triển Hùng An mang đến một cơ hội hiếm có để Hà Bắc đa dạng hóa ngành nghề, thoát khỏi hai ngành truyền thống là sản xuất thiết bị và thép.
Theo chính quyền Hà Bắc, những công ty công nghệ Trung Quốc như Alibaba, Tencent, Baidu và JD.com cùng các công ty nhà nước như China Telecom và Công ty Bảo hiểm Nhân dân Trung Quốc, là các doanh nghiệp đã được phê chuẩn đặt trụ sở tại Hùng An.
Công trường thi công khu dân cư Dung Đông, Hùng An. Ảnh: SCMP. |
"Chính quyền trung ương Trung Quốc ngay từ đầu đã muốn biến Hùng An thành thành phố vệ tinh của Bắc Kinh và đây thực sự là một mục tiêu đầy tham vọng", tiến sĩ James Wang, chuyên gia về lĩnh vực hậu cần và vận tải, nhận định. "Ở một số thành phố khác, cách làm này đã thất bại. Họ lên kế hoạch rất tốt nhưng cuối cùng rất ít người chuyển đến sống và làm việc tại đó".
Chính phủ Trung Quốc rất tin tưởng vào quy hoạch nhà nước, cả về khía cạnh phát triển đô thị lẫn nâng cấp ngành công nghiệp. Với những ngành công nghiệp được cho là cần thiết, họ cung cấp các chính sách hỗ trợ và trợ cấp tài chính hào phóng, như cách họ đang làm với các nhà máy bán dẫn mới. Nhưng với những ngành không còn được ưa chuộng, sự thiếu quan tâm từ trung ương là điều khó tránh khỏi, mặc dù không ít nhà sản xuất trong lĩnh vực này vẫn mang đến nhiều việc làm cho địa phương.
Với các doanh nhân nước ngoài như Mittasch, người đã ở Trung Quốc 20 năm, giờ dường như là lúc thích hợp để gói ghém và rời đi. "Chúng tôi đã bắt đầu lên kế hoạch nhằm giảm bớt phụ thuộc vào cơ sở sản xuất ở Trung Quốc", Mittasch nói. "Tôi nhìn nhận vấn đề từ cả hai phía. Chúng tôi là một công ty nước ngoài ở Trung Quốc, nên đôi khi khách hàng Trung Quốc không vui vẻ với chúng tôi. Và khi tôi cố bán hàng ra bên ngoài Trung Quốc, người ta thường có một thái độ tiêu cực về các công ty Trung Quốc", ông chia sẻ.
Vũ Hoàng (Theo SCMP)
Tiết lộ chiêu kinh doanh độc đáo của tỉ phú bí ẩn vừa trở thành người giàu nhất Trung Quốc
Với triết lý kinh doanh "khác người", tỉ phú Zhong Shanshan - ông chủ công ty nước đóng chai Nongfu Spring - vừa trở thành ... |
Vì sao Trung Quốc trở thành mục tiêu mới của quân khủng bố?
Cách hành xử của Trung Quốc đang gây nhiều bất bình trên thế giới, và nước này đang là mục tiêu nhắm đến của các ... |