Trung Quốc phá giá nhân dân tệ: Việt Nam không quá lo

 Chính sách tiền tệ của Việt Nam được điều chỉnh linh hoạt và NHNN đã có kinh nghiệm ứng phó nên không cần lo lắng khi NDT giảm giá.

Ngày 14/5, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã quyết định đặt tỷ giá tham chiếu đồng nhân dân tệ (NDT) là 6,8649 NDT đổi 1 USD, mức thấp nhất kể từ đầu tháng 1 năm nay. Tại nước ngoài, đồng NDT giao dịch giảm xuống mức 6,91 USD đổi 1 USD.

Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, đồng nhân dân tệ giảm giá mạnh do nhiều nguyên nhân, mà chủ yếu do phía các nhà đầu tư bỏ chạy khỏi đồng tiền này khi cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung leo thang.

"Khi Mỹ tăng thuế từ 10% lên 25% đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc từ ngày 10/5, đồng thời cảnh báo sẽ tiếp tục áp thuế lên 325 tỷ USD hàng hóa khác của Trung Quốc trong thời gian tới, các nhà đầu tư nhận định cuộc chiến tranh thương mại sẽ bị đẩy lên một cao trào mới, tàn khốc sẽ cao hơn và ảnh hưởng đến kinh tế Trung Quốc sẽ lớn hơn.

Khi ấy, đồng NDT sẽ mất giá và vì vậy, nhà đầu tư bỏ chạy khỏi đồng NDT", PGS.TS Đinh Trọng Thịnh giải thích.

Bên cạnh đó, dù phía Trung Quốc đã tuyên bố sẽ cố gắng giữ giá trị đồng NDT nhưng thực tế cho thấy, dường như chính phủ nước này không bơm đồng USD ra để giữ giá đồng nội tệ, điều này khiến giá NDT tự rơi.

Theo vị chuyên gia, NDT giảm giá làm cho giá hàng xuất khẩu của Trung Quốc ra thế giới rẻ hơn nên nhiều ý kiến cho rằng Trung Quốc phá giá NDT. Hàng Trung Quốc xuất khẩu ra thế giới có giá rẻ hơn, giúp hạn chế được tác động của đòn thuế quan Mỹ nhưng nó ảnh hưởng đến các đồng tiền khác trên thế giới, trong đó có VND.

"NDT đã là đồng tiền dự trữ quốc tế dù tỷ lệ trong rổ thanh toán tiền tệ quốc tế không lớn. Việc mất giá của NDT khiến đồng tiền của nhiều quốc gia cũng biến động theo và chính phủ các nước sẽ có điều chỉnh phù hợp với sự thay đổi của đồng NDT.

Về lâu dài, nhiều đồng tiền trên thế có thể giảm giá nếu đồng NDT vẫn giữ tiếp đà giảm.

trung quoc pha gia nhan dan te viet nam khong qua lo
Giá NDT lên xuống trong cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung. Ảnh: Nikkei

Đối với Việt Nam, đồng NDT được sử dụng tương đối nhiều trong giao thương, đặc biệt là giao thương ở biên giới, nên việc giảm giá của đồng NDT chắc chắn có ảnh hưởng đến Việt Nam.

Trước hết, lượng hàng hóa Trung Quốc vào Việt Nam sẽ tăng lên, làm sản xuất, kinh doanh trong nước gặp khó khăn, còn người tiêu dùng được lợi khi hàng hóa Trung Quốc đã rẻ còn rẻ hơn. Nguyên vật liệu nhập từ Trung Quốc cũng rẻ đi nếu tính bằng NDT.

Trong khi đó, hàng xuất khẩu sang Trung Quốc của Việt Nam cũng sẽ gặp khó vì thanh toán bằng đồng USD, khiến hàng Việt nhập vào thị trường này có giá bán cao, khó được khách hàng Trung Quốc chấp nhận", PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nhận xét.

Khẳng định Việt Nam không cần quá lo lắng khi đồng NDT mất giá, vị chuyên gia cho biết, dù mất giá nhưng tỷ trọng của NDT trong giỏ 8 đồng tiền mà NHNN Việt Nam sử dụng làm mốc để tìm ra tỷ giá trung tâm không lớn.

Trong mấy năm qua, NHNN cũng như các cơ quan quản lý đã linh hoạt trong việc điều hành tỷ giá hối đoái, giữa việc thu hút tiền trên thị trường với việc giải ngân đầu tư công, thực hiện các chính sách tài chính tiền tệ, từ đó làm cho tỷ giá ở mức khá ổn định.

"Từ 2016 đến nay, NHNN Việt Nam điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, giá USD tăng lên so với NDT và các đồng tiền khác, nhưng trong các năm đó giá trị VND thay đổi so với đồng USD đều từ 1,5-1,6%.

Khi có khoảng lặng trong thời gian Mỹ-Trung đình chiến, NHNN đã hạ giá VND để giảm sức ép, tạo ra khoản dự phòng để khi có tình huống căng thẳng thì điều hành đỡ phức tạp.

Phải khẳng định việc này không phải do Việt Nam căng thẳng về ngoại tệ hay khó khăn trong thanh khoản. Ngay từ đầu năm 2019, vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam rất lớn, đồng nghĩa đồng ngoại tệ vào nhiều, VND cũng lên giá.

Chỉ trong 4 tháng đầu năm nay, NHNN dù có nâng giá mua vào, bán ra USD nhưng nhưng cũng mua thêm 8,35 tỷ USD để tăng dự trữ ngoại hối quốc gia", PGS.TS Đinh Trọng Thịnh phân tích.

Vì lẽ đó, vị chuyên gia một lần nữa nhấn mạnh, vào thời điểm hiện tại, khi NDT mất giá, USD lên giá thì Việt Nam cũng không quá lo ngại do đã có cơ sở để xử lý cũng như có sự chủ động, linh hoạt trong điều hành chính sách tiền tệ.

Cũng cho ý kiến về vấn đề này, TS Cao Sĩ Kiêm, nguyên Thống đốc NHNN Việt Nam cho biết, đồng NDT đang là một trong những đồng tiền chuyển đổi được, vì thế bkhi mất giá, nó chắc chắn có ảnh hưởng đến các đồng tiền khác của các quốc gia có quan hệ buôn bán hàng hóa với Trung Quốc.

Đồng NDT bị phá giá thì VND bị ảnh hưởng theo nhưng quan trọng là cách điều hành chính sách tiền tệ của NHNN.

"Nếu tăng cường xuất khẩu, cải thiện được cán cân thanh toán, kiểm soát được lạm phát thì Việt Nam sẽ chống đỡ tốt hơn", TS Cao Sĩ Kiêm nhận xét.

Trong trường hợp đồng USD tăng giá, NDT giảm giá như hiện nay, nguyên Thống đốc NHNN Việt Nam cho rằng, nếu tiếp tục giữ ổn định VND là không phù hợp.

"Chính sách tiền tệ của NHNN đã xác định được điều chỉnh linh hoạt nên không cần lo lắng quá. Chính phủ đã tuyên bố vẫn giữ tỷ lệ lạm phát dưới 4%, muốn vậy tỷ giá phải ổn định. NHNN cũng tuyên bố tỷ giá năm nay điều chỉnh trên dưới 2%. Nếu lạm phát được kiểm soát như thế thì tác động của việc NDT giảm giá không quá lớn. Đặc biệt, khi tỷ giá điều chỉnh trên dưới 2% thì sẽ không gây sốc với nền kinh tế dù có gây ra biến động.

Việt Nam có dư địa để ổn định kinh tế, nhất là khi tăng cường các giải pháp kiểm soát", TS Cao Sĩ Kiêm cho biết.

trung quoc pha gia nhan dan te viet nam khong qua lo Trung Quốc chính thức phá giá đồng nhân dân tệ giữa cuộc chiến thương mại

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) hôm 14-5 đặt tỉ giá tham chiếu đồng nhân dân tệ (NDT) là 6,8365 NDT đổi 1 USD, ...

trung quoc pha gia nhan dan te viet nam khong qua lo Nhân dân tệ trở thành đồng tiền yếu nhất châu Á

Giới chức Trung Quốc dường như không quan tâm đến sự yếu đi của đồng tiền này, dù NDT đã giảm 9% so với USD ...

/ http://baodatviet.vn