Chủ tịch Tập Cận Bình tuyên bố "không ai có quyền ra lệnh người dân Trung Quốc nên hoặc không nên làm gì"
Trong bài diễn văn được theo dõi sát sao nhân kỷ niệm 40 năm Bắc Kinh tiến hành chính sách cải cách và mở cửa hôm 18-12, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cam kết tiếp tục cải cách kinh tế nhưng không đưa ra những biện pháp cụ thể mới nào.
Phát biểu tại buổi lễ ở Đại lễ đường Nhân dân tại thủ đô Bắc Kinh, ông Tập Cận Bình nhấn mạnh Trung Quốc sẽ tăng cường mở cửa, bảo đảm thực thi các cải cách quan trọng nhưng khẳng định "không ai có quyền ra lệnh người dân Trung Quốc nên hoặc không nên làm gì". Đài CNBC nhận định đây là phản ứng cứng rắn của ông Tập Cận Bình trước lời kêu gọi của cộng đồng quốc tế về những thay đổi đối với nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.
Trong bài phát biểu kéo dài gần 90 phút, nhà lãnh đạo này nhấn mạnh vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc trong mọi mặt của xã hội và cải cách nên nhất quán với mục tiêu chung là cải thiện hệ thống chủ nghĩa xã hội mang đặc sắc Trung Quốc.
Nhân dịp này, ông Tập Cận Bình cũng nêu bật những thành tựu kinh tế - xã hội đạt được kể từ khi mở cửa, cải cách kinh tế - được khởi xướng từ thời nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình - như tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng từ 367,9 tỉ nhân dân tệ năm 1981 lên 82,7 ngàn tỉ nhân dân tệ năm 2017, giúp 740 triệu người thoát cảnh nghèo và GDP bình quân đầu người/năm tăng 22,8 lần, lên 59.660 nhân dân tệ (gần 202 triệu đồng). Đóng góp của Trung Quốc vào GDP toàn cầu tăng từ 1,8% lên 15,2% trong 40 năm qua.
Chủ tịch Tập Cận Bình phát biểu tại lễ kỷ niệm 40 năm Trung Quốc tiến hành chính sách cải cách và mở cửa, ngày 18-12 Ảnh: REUTERS
Chủ tịch Tập Cận Bình cũng trấn an rằng Trung Quốc "không bao giờ tiến tới bá quyền toàn cầu", đồng thời nhấn mạnh những đóng góp của nước này là hướng đến tương lai chung của nhân loại. Mặt khác, nhà lãnh đạo Trung Quốc không quên cảnh báo: "Mỗi bước đi cải cách và mở cửa đều không dễ dàng. Trong tương lai, chúng ta chắc chắn sẽ đối mặt đủ loại rủi ro, thách thức và thậm chí là những cơn bão dữ dội đến mức không tưởng tượng nổi".
Buổi lễ trên diễn ra vào thời điểm bước ngoặt đối với Trung Quốc, quốc gia đang đối mặt sức ép gia tăng về việc đẩy nhanh cải cách và tạo điều kiện để công ty nước ngoài tiếp cận thị trường nội địa dễ dàng hơn. Kinh tế Trung Quốc cũng đang gặp khó bởi cuộc chiến thương mại do Mỹ phát động và hiện chưa rõ hồi kết dù hai bên đã tạm đình chiến để đàm phán. Trong nước thì vật lộn với tình trạng nợ nần ngày một xấu, tiêu dùng trì trệ và tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại.
Dù vậy, một số chuyên gia nhận định có rất ít chi tiết mới về chính sách được đưa ra trong bài diễn văn của ông Tập Cận Bình. Tờ The Guardian nhận định bài phát biểu này không đủ thúc đẩy niềm tin của các thị trường chứng khoán khắp châu Á bởi thiếu những tín hiệu rõ ràng về đường lối cải cách kinh tế trong tương lai, nhất là khi cam kết của Bắc Kinh về tự do hóa thị trường bị đánh giá là đang suy yếu. Ngay tại Trung Quốc và Hồng Kông, các chỉ số chứng khoán hàng đầu đều giảm mạnh trong lúc ông Tập Cận Bình phát biểu.
Theo Reuters, sự quan tâm của dư luận giờ đây chuyển sang Hội nghị công tác kinh tế trung ương Trung Quốc (CEWC) khai mạc ở Bắc Kinh hôm 18-12 với hy vọng biết được đường lối chính sách kinh tế cho năm tới. Tờ South China Morning Post (Hồng Kông) cho biết tại hội nghị dự kiến kéo dài 2 ngày này, các nhà hoạch định chính sách hàng đầu Trung Quốc nhiều khả năng thảo luận những biện pháp bình ổn và kích thích tăng trưởng...
40 năm đổi mới, ông Tập tri ân người tiền nhiệm nhưng không ai có mặt
Những lễ kỷ niệm quá trình cải cách của Trung Quốc trước đây đều có mặt các lãnh đạo đã về hưu, nhưng lần này ... |
Diện mạo quân đội Trung Quốc sau 40 năm cải tổ
Từ một lực lượng lạc hậu, quân đội Trung Quốc đang nỗ lực hiện đại hóa để thực hiện tham vọng trở thành đội quân ... |
HOÀNG PHƯƠNG