Từ một lực lượng lạc hậu, quân đội Trung Quốc đang nỗ lực hiện đại hóa để thực hiện tham vọng trở thành đội quân đẳng cấp toàn cầu.
Trong bốn thập kỷ thi hành chính sách "náu mình chờ thời" của Đặng Tiểu Bình, Trung Quốc tập trung xây dựng nền kinh tế thay vì sức mạnh quân sự và trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Sự phát triển vượt bậc về kinh tế này lại thúc đẩy nỗ lực hiện đại hóa quân đội Trung Quốc, với mục tiêu được Chủ tịch Tập Cận Bình đề ra là xây dựng lực lượng "đẳng cấp toàn cầu" vào thập niên 2020, theo SCMP.
Vào thập niên 1970, đội quân 6 triệu người của Trung Quốc bị đánh giá là yếu kém với trang bị lạc hậu và hệ thống chỉ huy thiếu hiệu quả. Nhân lực thừa quá nhiều khiến các nguồn lực dành cho công tác đào tạo và chương trình phát triển vũ khí của quân đội Trung Quốc bị thu hẹp.
Từ năm 1978, khi Trung Quốc thi hành chính sách "mở cửa", Đặng Tiểu Bình yêu cầu quân đội nước này tinh giản và tái cơ cấu lực lượng với 3,5 triệu binh sĩ bị cho giải ngũ và nhiều đơn vị bị giải thể, sáp nhập. Ngân sách quốc phòng bị cắt giảm để ưu tiên cho phát triển kinh tế trong hai thập kỷ đầu tiên của quá trình cải cách. "Trung Quốc phải hy sinh rất nhiều ưu tiên cho quân đội để tập trung vào phát triển lĩnh vực kinh tế, chính trị và ngoại giao", chuyên gia quân sự Antony Wong Dong cho biết.
Để đối phó với việc ngân sách quốc phòng bị cắt giảm, Đặng Tiểu Bình cho phép quân đội Trung Quốc được phép làm kinh tế để phát triển các nông trường, nhà máy và các đơn vị công binh. Tại thời điểm này, quân đội Trung Quốc không chỉ có chức năng phòng thủ mà phải hỗ trợ các chương trình hưu trí, nhà ở và y tế. Nhiều đơn vị quân đội Trung Quốc tăng thu nhập bằng cách bán sản phẩm dư thừa từ nông trường ra thị trường.
Tổng cục Hậu cần của quân đội Trung Quốc gặt hái thành công với một nhãn hiệu thuốc chữa đau dạ dày vào những năm 1990. Các đơn vị khác theo sự chỉ đạo của tổng cục này ký kết hợp đồng với các doanh nghiệp tư nhân, xây dựng mạng lưới kinh doanh rộng lớn. Các bệnh viện và khách sạn quân đội mở cửa phục vụ người dân, một số nhà kho và doanh trại được cho thuê và các đơn vị công binh tham gia xây dựng công trình dân sự.
Doanh thu lớn góp phần giảm áp lực ngân sách quốc phòng nhưng tạo điều kiện cho tình trạng tham nhũng xuất hiện trong hàng ngũ quân đội Trung Quốc. Nhiều phương tiện quân sự được sử dụng để buôn lậu, các sĩ quan cao cấp lợi dụng chức vụ để phục vụ cho công việc kinh doanh của cá nhân.
"Trong giai đoạn thập niên 1980-1990, nhiều tàu chiến và tàu ngầm của hải quân Trung Quốc được sử dụng để buôn lậu ô tô, đồ gia dụng và nhiên liệu từ nước ngoài, số hàng hóa này được tập kết tại các thành phố biển", một sĩ quan hải quân Trung Quốc cho biết.
Nạn tham nhũng hoành hành trong quân đội, buộc chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân ra lệnh chấm dứt chính sách cho phép quân đội nước này làm kinh tế từ năm 1998. Tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ đã giúp Trung Quốc tăng đáng kể ngân sách quốc phòng, bù đắp lại khoản thâm hụt khi hoạt động kinh doanh của quân đội bị chấm dứt.
Khi Chủ tịch Trung Quốc lên nắm quyền vào năm 2012, ông phát động chiến dịch "đả hổ, diệt ruồi" nhằm diệt trừ nạn tham nhũng, trong đó chú trọng đến tình trạng tham ô, hối lộ, mua bán quân hàm trong quân đội.
Chiến dịch chống tham nhũng của ông Tập đã khiến hai phó chủ tịch Quân ủy Trung ương là thượng tướng Quách Bá Hùng và thượng tướng Từ Tài Hậu "ngã ngựa", hơn 13.000 sĩ quan quân đội bị điều tra, trong đó nhiều người bị tước quân tịch và hầu tòa.
Ngân sách quốc phòng tăng mạnh theo từng năm giúp quân đội Trung Quốc thúc đẩy công cuộc hiện đại hóa lực lượng, khí tài, đặc biệt là cho không quân và hải quân.
Chứng kiến sức mạnh áp đảo của không quân Mỹ trong các cuộc chiến tranh vùng Vịnh và Kosovo, các tướng lĩnh Trung Quốc chỉ đạo quân đội đẩy nhanh tốc độ phát triển máy bay chiến đấu. Không quân Trung Quốc được tập trung đầu tư hơn 3.000 tiêm kích, oanh tạc cơ và trực thăng và trở thành lực lượng đứng thứ ba thế giới sau Mỹ và Nga, theo Flight Global.
Hải quân Trung Quốc được phát triển với tàu sân bay Liêu Ninh đang hoạt động và tàu sân bay nội địa Type 001A chuẩn bị được biên chế vào năm 2019. Theo kế hoạch, hải quân Trung Quốc dự kiến vận hành ít nhất bốn nhóm tác chiến tàu sân bay vào năm 2030.
Không quân và hải quân Trung Quốc đang sở hữu nhiều loại chiến đấu cơ và tàu chiến hiện đại như tiêm kích tàng hình J-20, tàu khu trục lớn nhất châu Á Type 005, tàu ngầm hạt nhân tấn công thế hệ mới Type 098, tàu đổ bộ trực thăng Type 075, tàu hậu cần lớn nhất thế giới Type 901. Một số chuyên gia nhận định hải quân Trung Quốc mạnh thứ hai trên thế giới, chỉ sau Mỹ.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia quân sự Trung Quốc thừa nhận rằng khí tài, công nghệ quân sự của nước này còn phụ thuộc lớn và yếu tố nước ngoài. Bên cạnh việc mua tiêm kích và động cơ máy bay của Nga, Trung Quốc còn sử dụng các bên trung gian để lách lệnh cấm vận của Mỹ nhằm mua công nghệ và thiết bị lưỡng dụng từ phương Tây.
"Các nhà khoa học Trung Quốc tìm cách sao chép công nghệ nước ngoài nhưng không dành đủ nỗ lực và thời gian để phát triển các công nghệ cốt lõi như vi mạch và động cơ máy bay, gây ra thiếu hụt trong một số nghiên cứu khoa học và công nghệ cốt lõi có liên quan đến lĩnh vực quốc phòng", Wong nhận định.
Cùng với nỗ lực cải tổ lực lượng và hiện đại hóa khí tài, quân đội Trung Quốc cũng tìm cách mở rộng sự hiện diện của mình ra phạm vi toàn cầu và có những hoạt động ngày càng quyết liệt hơn trong tranh chấp lãnh thổ với các nước láng giềng.
Sau khi bồi đắp phi pháp 7 đảo nhân tạo tại quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, Trung Quốc gia tăng các hoạt động quân sự hóa, triển khai các tổ hợp radar, tên lửa tới khu vực này, phớt lờ sự chỉ trích của cộng đồng quốc tế.
Quân đội Trung Quốc duyệt binh tại thao trường ở khu vực Nội Mông kỷ niệm 90 năm thành lập. Ảnh: Reuters. |
Trung Quốc cũng mở căn cứ quân sự ở nước ngoài đầu tiên tại Djibouti thuộc vùng Sừng châu Phi vào năm 2017 và đang xây dựng căn cứ tại Gwadar, hải cảng có vị trí chiến lược của Pakistan. Bắc Kinh tuyên bố đây là các căn cứ hậu cần quân sự phục vụ cho hoạt động gìn giữ hòa bình và các chiến dịch nhân đạo ở khu vực Ấn Độ Dương.
Tuy nhiên, những động thái quân sự hóa trên Biển Đông và mở rộng hiện diện ở nước ngoài của quân đội Trung Quốc làm dấy lên lo ngại về ý đồ dùng sức mạnh quân sự áp đặt ảnh hưởng lên khu vực và toàn cầu của Bắc Kinh. "Những cuộc tập trận tại eo biển Đài Loan và các động thái quân sự hóa ở Biển Đông khiến quân đội Trung Quốc bị nghi ngờ có ý định sử dụng vũ lực để giải quyết các tranh chấp", chuyên gia Collin Koh Swee Lean thuộc Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam tại Singapore nhận định.
"Trung Quốc dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình ngày nay nôn nóng thể hiện sức mạnh của mình, khác hoàn toàn so với Trung Quốc ở thời điểm 40 năm về trước", Koh phát biểu.
Nguyễn Tiến
Quân đội Trung Quốc được lệnh chuẩn bị chiến tranh
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã lệnh cho các chỉ huy quân đội "tập trung chuẩn bị chiến tranh" khi căng thẳng gia ... |
Tập Cận Bình kêu gọi quân đội tập trung chuẩn bị chiến đấu
Khi thăm đơn vị giám sát Biển Đông, Đài Loan, ông Tập yêu cầu xem xét mọi tình huống phức tạp và lập kế hoạch ... |