Trung Quốc muốn Mỹ nhượng bộ trong cuộc chiến thuế để tạo điều kiện mua 50 tỷ USD nông sản nước này, các nguồn tin giấu tên cho biết.
Giới chức Trung Quốc sẵn sàng bắt đầu mua thêm hàng nông sản Mỹ, vốn là một phần của "thỏa thuận giai đoạn một" mà Tổng thống Donald Trump công bố. Nhưng nước này dường như khó đạt được kim ngạch nhập khẩu 40-50 tỷ USD hàng nông sản Mỹ trong tình hình hiện tại, theo các nguồn tin thân cận giấu tên.
Việc Trung Quốc áp thuế trả đũa với nông sản Mỹ khiến chúng trở nên đắt đỏ với các doanh nghiệp nhập khẩu nước này. Trung Quốc sẽ phải dỡ bỏ các khoản thuế đó mới dễ dàng mua được 50 tỷ USD nông sản Mỹ, nhưng nước này sẽ chỉ làm như vậy nếu như Mỹ có động thái đáp lễ và dỡ bỏ thuế quan với hàng Trung Quốc, nguồn tin cho biết.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) bắt tay với Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc tại Phòng Bầu dục hôm 11/10. Ảnh: Bloomberg. |
Bắc Kinh từng miễn thuế để doanh nghiệp trong nước có thể mua được nông sản Mỹ và có thể lặp lại động thái này để bắt đầu thỏa thuận thương mại giai đoạn một với Washington. Tuy nhiên, việc miễn trừ thuế với số nông sản trị giá 50 tỷ USD một năm được xem là không thực tế.
Tình thế này cho thấy vẫn còn khoảng cách lớn giữa Mỹ và Trung Quốc, ngay cả khi hai nước sắp ký thỏa thuận thương mại một phần. Washington cho rằng Trung Quốc, nước nhập khẩu 20 tỷ USD nông sản Mỹ vào năm 2017, đã đồng ý thực hiện các đơn hàng nông sản lớn để đổi lấy việc giảm thuế quan sắp tới. Quan điểm của Trung Quốc đang khiến thỏa thuận phức tạp hơn so với mô tả ban đầu.
Các doanh nghiệp Trung Quốc đã mua 20 triệu tấn đậu nành và 700.000 tấn thịt lợn của Mỹ trong năm nay và sẽ gia tăng đơn hàng, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng cho biết hôm 15/10. Khi được hỏi về thỏa thuận thương mại "giai đoạn một", ông xác nhận thông tin phía Mỹ công bố và cho rằng Mỹ và Trung Quốc có chung quan điểm về thỏa thuận này.
Cả hai bên đã bày tỏ sự sẵn sàng làm việc và có quan điểm "thực sự giống nhau" để hướng tới một thỏa thuận cuối cùng có thể được ký tại Hội nghị Thượng đỉnh Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương vào tháng 11 tại Chile, theo bình luận được đăng trên website của Đài Phát thanh Trung Quốc. Bắc Kinh muốn các cuộc đàm phán tiếp theo diễn ra vào cuối tháng 10 để đưa ra một thỏa thuận chi tiết, theo các nguồn tin am hiểu vụ việc.
Nhật Duy (Theo Bloomberg)