Trung Quốc chỉ thị tất cả các cơ quan chính phủ loại bỏ máy tính của Mỹ trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung chưa có hồi kết.
Trung Quốc chỉ thị tất cả các cơ quan chính phủ loại bỏ máy tính của Mỹ trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung chưa có hồi kết.
Mục tiêu của động thái này được cho là tăng sự phụ thuộc của Trung Quốc vào công nghệ sản xuất trong nước. Nhưng điều đó có khả năng sẽ tác động mạnh đến các công ty Mỹ như HP, Dell và Microsoft. Các nhà phân tích tại Jefferies nói rằng, các công ty công nghệ Mỹ tạo ra doanh thu tới 150 tỉ USD mỗi năm từ Trung Quốc.
Paul Triolo của công ty tư vấn Eurasia Group nói với tờ Thời báo Tài chính: "Mục tiêu rất rõ ràng: Hướng đến một không gian không có các mối đe dọa mà ZTE, Huawei, Megvii và Sugon hiện đang phải đối mặt".
Động thái trên được đưa ra sau khi chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump cấm các công ty Mỹ làm ăn với nhà sản xuất thiết bị viễn thông Trung Quốc Huawei hồi đầu năm nay.
Lệnh cấm cũng áp dụng với tập đoàn viễn thông ZTE, hãng sản xuất camera giám sát Hikvision và Dahua, cùng nhà sản xuất bộ đàm Hytera.
Washington được cho là lo ngại về việc các công ty công nghệ Trung Quốc giúp chính phủ tiến hành gián điệp mạng.
Huawei là một mối quan tâm đặc biệt vì tập đoàn này đang xây dựng mạng 5G tốc độ cực cao trên toàn thế giới.
Jacob Wood - người phát ngôn của văn phòng ngân sách Nhà Trắng - cho biết: "Chính quyền có cam kết mạnh mẽ bảo vệ quốc gia của chúng ta khỏi các đối thủ nước ngoài, và sẽ hoàn toàn tuân thủ với Quốc hội về việc thực thi lệnh cấm các công ty thiết bị giám sát viễn thông và video của Trung Quốc, bao gồm Huawei".
Các nhà phân tích tại China Securities cũng ước tính rằng, khoảng 30 triệu phần cứng máy tính sẽ cần gỡ bỏ ngay bây giờ, và từ năm tới sẽ bắt đầu thay thế trên quy mô lớn.
Các nhà phân tích nói thêm, sẽ khó thay thế phần mềm bằng những lựa chọn trong nước, bởi vì hầu hết các nhà cung cấp phần mềm đều phát triển sản phẩm cho các hệ điều hành phổ biến do Mỹ sản xuất như Microsoft, Windows và Apple. Các hệ điều hành nội địa của Trung Quốc, như Kylin OS, có hệ sinh thái nhỏ hơn nhiều.
Động thái nói trên diễn ra trong bối cảnh các cuộc thảo luận căng thẳng trước khi Mỹ tiếp tục áp thuế với hàng nhập khẩu Trung Quốc vào ngày 15.12.
"Bắc Kinh hy vọng có thể đạt được thỏa thuận thương mại có lợi cho cả hai bên với Mỹ" - Trợ lý Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Ren Hongbin nói với các phóng viên.
"Về các cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung, chúng tôi mong muốn cả hai bên thúc đẩy đàm phán và xem xét lợi ích cốt lõi của nhau, trên cơ sở bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau" - ông Ren Hongbin nói.
Khánh Minh 10/12/2019 | 09:56