Trung Quốc lỡ cơ hội đi đầu công nghệ vaccine Covid-19

Một công ty Trung Quốc từng nghĩ tới ý tưởng sử dụng mRNA để phát triển vaccine rất sớm, nhưng cuối cùng lại bỏ lỡ công nghệ hiệu quả này.

Drew Weissman, giáo sư bệnh truyền nhiễm tại Đại học Pennsylvania của Mỹ và là chuyên gia về RNA thông tin (mRNA), cho biết nhận được đề nghị từ một công ty Trung Quốc quan tâm tới sử dụng công nghệ mới để phát triển vaccine ngừa Covid-19 từ giai đoạn đầu đại dịch.

Công nghệ mRNA, có thể biến các tế bào của cơ thể thành "nhà máy sản xuất vaccine", đã trở thành ngôi sao sáng giữa đại dịch khi làm cơ sở phát triển vaccine hiệu quả cao của Moderna và Pfizer. Trước khi Covid-19 bùng phát, công nghệ mang tính thử nghiệm này vẫn chưa từng được phê chuẩn để chống lại bất kỳ căn bệnh nào, chứ chưa nói tới việc đối phó với nCoV, loại virus bí ẩn nhân loại lần đầu biết đến.

"Công ty đó muốn phát triển công nghệ của tôi ở Trung Quốc", Weissman, người đã cùng với đối tác nghiên cứu Katalin Kariko phát hiện khả năng chống lại bệnh tật của mRNA, kể. "Tôi nói với họ rằng tôi rất hứng thú".

Nhưng không có chuyện gì xảy ra sau đó. "Tôi không nghe thêm bất kỳ tin tức nào từ họ nữa", Weissman nói.

Đây được xem là một trong những cơ hội mà Trung Quốc đã bỏ lỡ, gây bất lợi cho nỗ lực phát triển vaccine của quốc gia này, theo Bruce Einhorn, biên tập viên của Bloomberg.

Trung Quốc lỡ cơ hội đi đầu công nghệ vaccine Covid-19

Một nhân viên nghiên cứu kiểm tra tế bào thận khỉ khi thử nghiệm vaccine Covid-19 ở Bắc Kinh năm ngoái. Ảnh: AFP.

Khi Covid-19 lan khắp toàn cầu năm ngoái, công ty Pfizer ở New York đã nhanh chóng hợp tác với BioNTech của Đức, một công ty tiên phong trong lĩnh vực nRNA khi mời Kariko làm phó chủ tịch. Moderna, công ty ở Massachusetts, đã nhận được 2,5 tỷ USD tài trợ phát triển vaccine từ chính phủ Mỹ.

Trong khi đó, một số công ty Trung Quốc tập trung vào công nghệ cũ hơn và được cho là kém hiệu quả hơn. Tại hội nghị vào ngày 10/4, Gao Fu, giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Trung Quốc thừa nhận các loại vaccine của nước này "không đạt hiệu quả bảo vệ cao".

Khi bình luận của ông gây xôn xao mạng xã hội Trung Quốc, Gao Fu nói với Global Times rằng ông chỉ đề cập tới cách để cải thiện hiệu quả vaccine. Nhưng có một thực tế là Trung Quốc chưa có bất kỳ loại vaccine nào sản xuất dựa trên công nghệ mRNA được phê duyệt.

Giới quan sát cho rằng đây là một bước lùi đối với tham vọng trở thành cường quốc về y tế của Chủ tịch Tập Cận Bình. Hiệu quả của mRNA đối với các loại vaccine Covid-19 đang mở ra chân trời mới cho công nghệ này, khi các nhà nghiên cứu tìm cách sử dụng nó để chống lại ung thư, lao và nhiều bệnh khác, theo Surbhi Gupta, nhà phân tích khoa học y tế và đời sống tại tổ chức tư vấn Frost & Sullivan.

"Công nghệ mRNA có khả năng thay đổi cuộc chơi", bà nói.

Trong nhiều thập kỷ, các hãng dược phẩm trên thế giới đã chế tạo vaccine bằng cách sử dụng virus bất hoạt, nhưng mRNA sử dụng vật liệu di truyền để hướng dẫn cơ thể tạo protein gai mà nCoV sử dụng để xâm nhập vào tế bào. Công nghệ này "dạy" cơ thể cách chống lại khả năng bị nhiễm virus.

Vaccine mà hai công ty Trung Quốc, Công ty Sinovac và Tập đoàn Biotec Quốc gia Trung Quốc (CNBG), đều sử dụng virus bất hoạt và có hiệu quả thấp hơn vaccine mRNA với khả năng ngăn chặn lây nhiễm lên tới 90%.

Vaccine Sinovac đạt hiệu quả hơn 50% trong việc chống lại các triệu chứng của Covid-19, theo các nghiên cứu được tiến hành ở Brazil. CNBG, một đơn vị của Tập đoàn Sinopharm, cho biết hai loại vaccine bất hoạt của họ có hiệu quả ngăn ngừa triệu chứng Covid-19 lần lượt 73% và 79%, nhưng chưa công bố dữ liệu chứng minh.

Công ty CanSino sản xuất vaccine sử dụng công nghệ vector virus, tương tự sản phẩm của AstraZeneca và Johnson & Johnson, trong đó sử dụng virus vô hại đưa protein của nCoV vào tế bào người, giúp kích thích phản ứng miễn dịch. Công ty có trụ sở tại Thiên Tân cho biết loại vaccine của họ hiệu quả 66% trong giai đoạn thử nghiệm cuối.

Chính phủ Trung Quốc đã tích cực thu hẹp khoảng cách với phương Tây và trở thành cường quốc dược phẩm và công nghệ sinh học thay thế. Tuy nhiên, mRNA không phải lựa chọn ưu tiên của các công ty phát triển vaccine nước này.

"Trước Covid-19, rất nhiều người còn e dè về công nghệ này. Nó là một công nghệ quá mới", Lusong Luo, phó chủ tịch công ty công nghệ sinh học BeiGene ở Bắc Kinh, nhà sản xuất thuốc điều trị ung thư hàng đầu Trung Quốc, nói.

Khi bắt đầu nghiên cứu vaccine, Sinovac tập trung vào phương pháp virus bất hoạt quen thuộc để rút ngắn thời gian phát triển, sau khi nỗ lực khám phá các phương án thay thế không mang lại kết quả khả quan.

"Chiến lược của chúng tôi là sử dụng nền tảng và công nghệ được nghiên cứu kỹ càng để giải quyết vấn đề", CEO Yin Weidong nói trong cuộc phỏng vấn tháng 5 năm ngoái.

Khi chứng kiến thành công của Pfizer và Moderna, các công ty Trung Quốc quyết định tham gia vào lĩnh vực công nghệ mới mẻ này, nhưng nỗ lực của họ cần thêm nhiều thời gian để được đền đáp. Trung Quốc không thể có vaccine công nghệ mRNA cho tới hết năm 2021, theo Feng Duojia, chủ tịch Hiệp hội Vaccine Trung Quốc cho biết hôm 11/4.

BeiGene hồi tháng 1 thông báo thỏa thuận hợp tác với Strand Therapeutics Inc ở Cambridge, Massachusetts để thử nghiệm công nghệ mRNA trong điều trị khối u. "Khi mọi người nhận ra vaccine mRNA thật sự hiệu quả, nó sẽ dễ dàng hơn rất nhiều", Luo nói.

Công ty công nghệ sinh học Walvax của Trung Quốc tháng 12 năm ngoái bắt đầu xây dựng cơ sở sản xuất vaccine mRNA, trong khi CanSino trước đó đạt thỏa thuận phát triển vaccine mRNA với Precision NanoSystems Inc. ở Vancouver, Canada. Nhà sản xuất theo hợp đồng WuXi Biologics Cayman Inc. cho biết đã đầu tư hơn 100 triệu USD để nghiên cứu công nghệ, phát triển và sản xuất vaccine mRNA.

Dù Trung Quốc về cơ bản đã kiểm soát Covid-19 trong nước, một chiến dịch tiêm chủng hiệu quả và rộng rãi cho người dân sẽ giúp nước này có thể sớm mở cửa trở lại, giảm nguy cơ cách ly và phong tỏa.

"Trung Quốc có nguy cơ đánh mất lợi thế đẩy lùi virus nếu chiến dịch tiêm chủng của họ kém hiệu quả hơn những nơi xem vaccine mRNA là xương sống của kế hoạch", Bruce Einhorn, biên tập viên của Bloomberg, viết.

Trung Quốc lỡ cơ hội đi đầu công nghệ vaccine Covid-19

Nhân viên chuẩn bị vật liệu thô cho mRNA, bước đầu tiên để sản xuất vaccine Covid-19, tại phòng thí nghiệm của BioNTech ở Marburg, Đức hồi tháng 3. Ảnh: Bloomberg.

Tại Israel, nơi gần 60% dân số được tiêm chủng vaccine Pfizer, số ca nhiễm, nhập viện và tử vong đang giảm. Khi ngày càng nhiều người trưởng thành của Mỹ tiêm vaccine, phần lớn là các loại sử dụng công nghệ mRNA, Tổng thống Joe Biden dự đoán người Mỹ có thể chào mừng Quốc khánh 4/7 với tiệc nướng trong sân nhà như trước.

Trung Quốc không phải là quốc gia duy nhất bỏ lỡ mRNA. Dù nhiều công ty dược phẩm ở Nhật Bản, Ấn Độ và Australia từng đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến chống dịch cúm hay bại liệt, không có quốc gia nào ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương phát triển vaccine mRNA.

"Cơ bản, mRNA đã bị xếp vào danh sách khó thực hiện trong nhiều năm qua", Nigel McMillan, giám đốc chương trình bệnh truyền nhiễm và miễn dịch tại Đại học Griffith ở Southport, Australia, cho biết.

Tháng trước, công ty dược phẩm Takeda, đối tác thử nghiệm vaccine của Moderna tại Nhật Bản, đã ký thỏa thuận với công ty Anima Biotech ở New Jersey về sử dụng mRNA để điều trị bệnh Huntington và các bệnh thần kinh khác. Daiichi Sankyo, một nhà sản xuất dược phẩm lớn khác của Nhật, hôm 22/3 cũng thông báo bắt đầu thử nghiệm giai đoạn đầu vaccine công nghệ mRNA.

Tại Thái Lan, Đại học Chulalongkorn ở Bangkok đã mời Weissman, người tiên phong trong lĩnh vực mRNA, để hỗ trợ họ phát triển công nghệ này.

Giới quan sát cho rằng các nhà phát triển Trung Quốc và nhiều nước khác ở châu Á có thể có lợi thế khi gia nhập lĩnh vực phát triển vaccine mRNA, khi nhiều công ty đầu tư vào mRNA có thể sẵn sàng chia sẻ công nghệ. Quá trình sản xuất vaccine mRNA cũng không yêu cầu chi phí đầu tư lớn cho các lò phản ứng sinh học hay thiết bị khác, theo Archa Fox, phó giáo sư tại Trường Khoa học Nhân văn và Khoa học Phân tử tại Đại học Tây Australia.

Weissman cho rằng đây cũng là tín hiệu tốt cho khả năng phục hồi của Trung Quốc, sau khi bỏ lỡ công nghệ mRNA từ sớm. "Họ sẽ thuê những nhà khoa học giỏi nhất mà họ có thể tìm được. Bất kỳ ai cũng có thể tham gia cuộc chơi nếu họ có nhiều tiền cùng nguồn nhân lực tốt", ông nói.

Thanh Tâm (Theo Bloomberg)

Bắt đầu tiêm thử nghiệm mũi hai vaccine Covivac Bắt đầu tiêm thử nghiệm mũi hai vaccine Covivac
Ngoại giao vaccine Trung Quốc vướng trở ngại Ngoại giao vaccine Trung Quốc vướng trở ngại
Hơn 9.100 người TP HCM đã tiêm vaccine Covid-19 Hơn 9.100 người TP HCM đã tiêm vaccine Covid-19
/ vnexpress.net