- Vùng đất đẹp ‘siêu thực’ ở Trung Quốc nhưng không được phép du lịch
- Nhà tang lễ - mục tiêu mới trong chiến dịch chống tham nhũng của Trung Quốc
Trung Quốc đang phải đối mặt với tình trạng đáng báo động khi tỉ lệ kết hôn ở nước này chạm mức thấp nhất trong vòng hơn 10 năm trở lại đây, trong khi số người sống độc thân tăng lên.
Các phụ huynh tìm bạn đời tiềm năng cho con mình tại góc mai mối trong một công viên ở Bắc Kinh |
Nản chí với kế hoạch kết hôn
Theo con số thống kê, số lượng các cặp đôi kết hôn trong 6 tháng qua ở Trung Quốc đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2013. Dữ liệu đăng ký kết hôn cho thấy, chỉ có 3,43 triệu cặp đôi tiến tới hôn nhân trong nửa đầu năm nay, giảm hơn 498.000 cặp so với cùng kỳ năm ngoái. Năm 2014, Trung Quốc ghi nhận 6,94 triệu cặp đôi kết hôn trong 6 tháng đầu năm. Từ đó trở đi, ngoại trừ năm 2023, tỉ lệ kết hôn ở Trung Quốc sụt giảm dần qua các năm.
Theo dữ liệu chính thức, dân số độc thân trên 15 tuổi của Trung Quốc đạt mức cao kỷ lục 239 triệu người vào năm 2021. Một cuộc khảo sát của Đoàn thanh niên Cộng sản Trung Quốc vào năm 2021 với khoảng 2.900 thanh niên thành thị chưa kết hôn cho thấy, 44% phụ nữ không có ý định lập gia đình. Nhiều người Trung Quốc đang trì hoãn cuộc sống hôn nhân, với độ tuổi trung bình kết hôn lần đầu từ mức 24,89 vào năm 2010 tăng lên 28,67 vào năm 2020. Tại Thượng Hải, độ tuổi trung bình kết hôn lần đầu là 30,6 đối với nam và 29,2 đối với nữ vào năm ngoái.
Có nhiều nguyên nhân tác động đến tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc giảm và số người sống độc thân tăng. Tuy nhiên, một trong những lý do chính khiến ngày càng nhiều người trẻ ở đất nước tỉ dân lựa chọn độc thân hoặc trì hoãn kết hôn vì chi phí sinh hoạt tăng cao trong bối cảnh suy thoái kinh tế. Nền kinh tế trì trệ và tỷ lệ thanh niên thất nghiệp cao đã làm tăng thêm những lo lắng mà giới trẻ Trung Quốc phải đối mặt. Mặt khác, nền văn hóa “996” - làm việc từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối, 6 ngày một tuần - đã khiến những người trẻ đang đi làm hầu như không có thời gian cho bản thân và các mối quan hệ.
Cô Julia Meng, chủ nhân Công ty Julia's Events chuyên tổ chức sự kiện mai mối dành cho người độc thân ở Thượng Hải, cho biết ngày càng có nhiều người từ 35 tuổi trở lên chấp nhận từ bỏ kế hoạch kết hôn. Những người Trung Quốc trẻ hơn nói rằng họ muốn kết hôn, nhưng giá nhà đất cao, triển vọng việc làm không chắc chắn và tình hình kinh tế chung đều khiến họ thấy nản chí.
Khi được hỏi tại sao chưa kết hôn, ông Zhang Yu, 32 tuổi, sống ở phía Đông Bắc Trung Quốc và làm việc cho một công ty cơ sở hạ tầng, cho biết: “Hôn nhân, sinh con và vay tiền mua nhà, ô tô đều là những khoản nợ phải trả, là những khoản thấu chi từ tương lai. Khi kinh tế suy thoái nhìn thấy rõ, nếu không có nguồn thu nhập thì chỉ có thể giảm chi tiêu”. Tiết lộ mức lương của mình trong năm 2023 đã bị cắt giảm 30%, ông Zhang chia sẻ: “Tôi cũng thầm mừng vì mình đã không kết hôn và sinh con. Nếu không, tôi sẽ gặp rắc rối to”.
Anh Victor Li, một doanh nhân trên 30 tuổi có công việc kinh doanh thành công ở Thượng Hải, cũng tỏ ra ngại ngần với việc kết hôn. Anh tâm sự: “Không phải chúng tôi muốn sống độc thân mà chính cấu trúc đô thị, tình hình kinh tế đã dẫn đến kết quả này. Đối với chúng tôi, việc kết hôn là rất tốn kém, đặc biệt là ở một thành phố lớn như Thượng Hải”. Anh Li đã quyết định tạm dừng việc đi xem mặt sau một thời gian tham gia vô số sự kiện mai mối dành cho những người độc thân khá giả, có trình độ đại học, được tổ chức ở một quán bar nhạc jazz sang trọng ở Thượng Hải. “Xét về khả năng tài chính, việc kết hôn thực sự gây áp lực rất lớn cho những người trẻ, trong đó có cả tôi”, anh Victor Li chia sẻ.
Mở ngành đào tạo đại học về hôn nhân
Số lượng các cuộc hôn nhân ở Trung Quốc có liên quan chặt chẽ đến số lượng trẻ em được sinh ra. Vì vậy, sự suy giảm này có thể sẽ gây ra mối lo ngại cho các nhà hoạch định chính sách. Năm ngoái, lần đầu tiên dân số Trung Quốc giảm sau 6 thập niên. Trong khi đó, dự báo trong thập kỷ tới, khoảng 300 triệu người Trung Quốc dự kiến sẽ nghỉ hưu, tương đương với dân số của Mỹ. Nếu không giải quyết những vấn đề này, Trung Quốc sẽ gặp nhiều thách thức.
Chính phủ Trung Quốc xem gia đình hạt nhân (bố mẹ và con cái sống chung trong một căn nhà) là nền tảng của sự ổn định xã hội. Năm ngoái, trong cuộc gặp gỡ ban lãnh đạo mới của Hội Liên hiệp Phụ nữ Trung Quốc, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh sự cần thiết phải “nuôi dưỡng một nền văn hóa mới về hôn nhân và sinh con”. Trong báo cáo công tác của chính phủ trình bày tại phiên khai mạc kỳ họp thường niên của Quốc hội Trung Quốc hôm 5-3-2024, Thủ tướng Lý Cường cũng cam kết “làm việc hướng tới một xã hội thân thiện với việc sinh con” và tăng cường các dịch vụ chăm sóc trẻ em.
Chính quyền các địa phương thì đang thử nhiều biện pháp khác nhau để khuyến khích việc kết hôn và sinh con, bao gồm cả nỗ lực kiểm soát giá nhà. Đến tháng 5 năm ngoái, ít nhất 13 thành phố của Trung Quốc đã trợ cấp nhà ở cho các gia đình có nhiều con. Chính quyền địa phương cũng đã cấp phiếu giảm giá một lần cho các gia đình mua nhà, hay thưởng cho các cặp đôi kết hôn khi cô dâu dưới 25 tuổi...
Bắt đầu từ tháng 9 này, ở Trung Quốc xuất hiện chương trình đầu tiên cấp bằng đại học về vấn đề hôn nhân. Chương trình 4 năm này sẽ được mở tại Đại học dạy nghề dân sự ở Bắc Kinh, trực thuộc Bộ Nội vụ Trung Quốc, nhằm mục đích trang bị kiến thức để sinh viên tham gia vào “toàn bộ chu kỳ của hôn nhân và gia đình”. Các học phần trong ngành bao gồm xã hội học, thiết kế địa điểm tổ chức đám cưới, đạo đức gia đình, kinh tế của ngành hôn nhân và các chính sách gia đình. Sinh viên cũng sẽ có cơ hội thực tập tại các cơ quan chuyên tổ chức đám cưới, mai mối, đăng ký kết hôn và tư vấn. Hiện có 70 sinh viên đăng ký theo học ngành này trong năm nay, đến từ 12 tỉnh, thành phố trong cả nước.
Trong xã hội xuất hiện nhiều hình thức tự phát nhằm thúc đẩy hôn nhân trong giới trẻ. Nhiều thanh niên Trung Quốc đang hy vọng kết hôn nhờ sự trợ giúp của các ứng dụng hẹn hò. Năm ngoái, 3 nền tảng phổ biến nhất là Momo, Soul và Tantan có tổng cộng hơn 150 triệu người dùng hoạt động hàng tháng. Trong một cuộc khảo sát năm 2021 do một viện nghiên cứu Trung Quốc thực hiện, 89% số người được hỏi cho biết họ đã từng sử dụng ứng dụng hẹn hò trước đây.
Ngoài các ứng dụng hẹn hò, hoạt động mai mối của các bậc phụ huynh cũng đã hồi sinh kể từ giữa những năm 2000 với các góc mai mối nở rộ ở nhiều công viên thành phố, nơi họ ra sức quảng cáo các phẩm chất tốt đẹp và ưu thế của con cái mình với hy vọng thu hút những đối tác tiềm năng. Xu hướng này vẫn tiếp tục bởi đối với nhiều thanh niên ở thành thị, về cơ bản, họ không có đủ thời gian để tham gia vào thị trường hẹn hò. Góc mai mối có thể được tìm thấy ở các thành phố lớn của Trung Quốc, như Bắc Kinh, Quảng Châu và Thượng Hải...