Căng thẳng Mỹ-Trung chưa có dấu hiệu hạ nhiệt và Trung Quốc đang tính thêm những biện pháp để đối phó nước Mỹ dưới thời ông Donald Trump, trong đó có việc hạ bệ đồng USD. Nhiều kế hoạch đã được vạch ra.
Xoay xở với “vũ khí” NDT
Theo Nikkei, Trung Quốc sẽ bắt đầu theo dõi những giao dịch tiền mặt lớn nhằm ngăn chặn khả năng dòng vốn bị rút ra khỏi nước này trong bối cảnh chiến tranh thương mại với Mỹ làm hao mòn khoản tiền dự trữ bằng đồng USD của Trung Quốc.
Cụ thể, từ đầu tháng 7, các ngân hàng tại tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc (Hebei) sẽ phải lưu số hiệu của bất kỳ giao dịch tiền mặt nào có giá trị từ 100.000 Nhân dân tệ (NDT), tức khoảng 14.100 USD (328 triệu đồng) trở lên và báo cáo về Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC).
Tỉnh Chiết Giang và thành phố Thâm Quyến sẽ bắt đầu từ tháng 10 với hạn mức tương ứng là 300.000 và 200.000 NDT. Với các doanh nghiệp, hạn mức chung áp cho cả 3 khu vực nói trên là 500.000 NDT.
Đây là nỗ lực tiếp theo của Trung Quốc nhằm ngăn chặn dòng tiền chuyển ra khỏi Trung Quốc đại lục để mua dollar Hong Kong (HKD) hoặc USD. Dòng tiền được kỳ vọng sẽ ở lại Trung Quốc và khiến người dân không phụ thuộc nhiều vào đồng tiền của Mỹ.
Trung Quốc bắt đầu theo dõi những giao dịch tiền mặt lớn nhằm ngăn chặn khả năng dòng vốn bị rút ra khỏi nước này. |
Nhiều năm qua, Trung Quốc kiên nhẫn thực hiện các kế hoạch quốc tế hóa đồng NDT, thay thế đồng USD bằng đồng tiền của riêng mình trong các giao dịch quốc tế. Nhiều thỏa thuận với các nước đã được ký kết.
Hồi tháng 10/2016, đồng NDT của Trung Quốc đã chính thức gia nhập giỏ tiền tệ quốc tế SDR của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF). Đồng NDT cùng với Euro, Yên Nhật và Bảng Anh nằm trong giỏ Quyền rút vốn đặc biệt (SDR) của IMF.
Theo PBOC, việc đưa NDT vào SDR là một dấu mốc quan trọng trong quá trình quốc tế hóa của đồng tiền này và khẳng định cho thành công về phát triển kinh tế của Trung Quốc cũng như kết quả của việc cải cách và mở cửa lĩnh vực tài chính của nước này. Tuy nhiên, cho đến nay, dấu ấn của NDT sau khi vào rổ SDR khá mờ nhạt.
Trên SCMP, cuối tuần qua, ông Fang Xinghai, Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Trung Quốc, cho rằng Bắc Kinh nên chuẩn bị cho việc ngắt kết nối khỏi hệ thống thanh toán toàn cầu SWIFT một cách thực sự. Trung Quốc dễ bị tổn thương trước các lệnh trừng phạt tiềm năng của Washington.
Trung Quốc tìm cách chuẩn bị ngắt kết nối khỏi hệ thống thanh toán toàn cầu SWIFT. |
Trước đó, các nhà lập pháp Mỹ từng đe dọa ngắt kết nối nước Nga khỏi hệ thống SWIFT sau chiến dịch trừng phạt Nga từ 2014. Đáp lại, Ngân hàng Trung ương Nga đã phát triển hệ thống thông tin tài chính (SPFS) của riêng mình.
Giống như Nga, Trung Quốc cũng có hệ thống thanh toán quốc tế của riêng mình - Hệ thống CIPS. Trong năm 2019, tại hội nghị thượng đỉnh các nền kinh tế lớn mới nổi BRICS - bao gồm Brasil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi - Nga và Trung Quốc đã đồng ý hợp nhất hệ thống cho các khoản thanh toán quốc tế.
Dù vậy, trong thanh toán quốc tế, Bắc Kinh vẫn phải sử dụng đồng USD trong phần lớn các giao dịch. Các giao dịch cũng được thực hiện chủ yếu qua hệ thống SWIFT cũng như dự trữ ngoại hối chủ yếu bằng đồng USD.
Không dễ thay thế USD, nâng tầm đồng NDT
Hồi cuối tháng 5, PBOC liên tục hạ giá đồng NDT, đưa đồng tiền này xuống mức thấp nhất trong 12 năm so với USD. Động thái này được đánh giá là một đòn tấn công Mỹ trong bối cảnh nước Mỹ gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, bất ổn nội bộ và chính quyền ông Trump liên tục cáo buộc Trung Quốc bất cẩn gây ra dịch bệnh.
Tuy nhiên, giới quan sát thị trường tài chính Trung Quốc lo ngại, sự suy giảm nhanh của đồng NDT có thể khiến nước này đối mặt với một làn sóng vốn tháo chạy như hồi 2015 và nó có thể tái châm ngòi chiến tranh thương mại.
Bắc Kinh xoay vần với "vũ khí" Nhân dân tệ. |
Trong năm 2019, Trung Quốc cũng để đồng NDT suy yếu đáng kể khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung căng thẳng nhất. Một đồng NDT mất giá giúp các nhà xuất khẩu Trung Quốc xóa bỏ phần nào ảnh hưởng từ việc bị Mỹ áp thuế.
Trên thực tế, Bắc Kinh gặp khá nhiều khó khăn với quân bài Nhân dân tệ trong cuộc chiến với Mỹ. Một mặt, Trung Quốc muốn duy trì một đồng NDT yếu để có lợi trong thương mại với Mỹ và các nước, mặt khác cũng muốn nâng cao vị thế quốc tế của đồng NDT.
Hồi tháng 8/2019, lần đầu tiên trong hơn một thập kỷ đồng NDT mất mốc 7 NDT đổi 1 USD khi mà cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung lên cao. Bộ Tài chính Mỹ dưới chỉ đạo của ông Donald Trump lập tức coi Trung Quốc thao túng tiền tệ, làm dấy lên nguy cơ biến chiến tranh thương mại thành chiến tranh tiền tệ.
Hai nền kinh tế lớn nhất thế giới sau đó đạt thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 vào cuối 2019 và ký kết trong tháng 1/2020. Mỹ dỡ bỏ dán nhãn “quốc gia thao túng tiền tệ”, đổi lại Bắc Kinh buộc phải cam kết tuân thủ thỏa thuận, trong đó có vấn đề liên quan tới đồng NDT.
Đồng Nhân dân tệ biến động mạnh từ đầu năm tới nay. |
Trong khoảng 1 tháng qua, đồng NDT tăng giá trở lại so với USD. Trung Quốc dường như phải tránh vũ khí hóa nội tệ trong bối cảnh áp lực từ chính quyền ông Donald Trump vẫn rất lớn và những cảnh báo của ông Trump luôn thẳng thừng và mạnh mẽ.
Về phía Trung Quốc, rõ ràng, nước này vẫn muốn thoát khỏi sự lệ thuộc vào đồng USD trong các giao dịch quốc tế, để tránh rủi ro từ các các lệnh trừng phạt có thể đến bất cứ lúc nào từ chính quyền Mỹ, nhất là chính quyền dưới thời ông Trump.
Tuy nhiên, những nỗ lực giảm lệ thuộc đồng USD của Bắc Kinh dường như chưa có hiệu quả, bất chấp ông Trump là người không muốn duy trì một đồng bạc xanh mạnh, vốn gây bất lợi cho thương mại của nước Mỹ.
Ngay cả việc NDT vào rổ SDR, theoReuters, cũng chủ yếu mang tính tượng trưng. Đồng NDT chưa thực sự đáp ứng đầy đủ yêu cầu của IMF để được sử dụng tự do hoặc rộng rãi trong thương mại hoặc trên thị trường tài chính.
Nhiều nhà quan sát cho rằng, cam kết mở cửa thị trường và cải cách lĩnh vực tài chính của Trung Quốc vẫn cần nhiều nỗ lực thực thi. Đây vẫn là một lĩnh vực đầy nhạy cảm mà Bắc Kinh luôn tỏ ra thận trọng.
M. Hà