Trung Quốc kêu gọi giảm leo thang ở Myanmar

Đại sứ Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc kêu gọi "giảm leo thang" khủng hoảng Myanmar, nơi quân đội bị cáo buộc đàn áp người biểu tình ôn hòa.

"Bây giờ đã tới lúc giảm leo thang. Đã tới lúc sử dụng ngoại giao. Đã tới lúc cần đối thoại", Trương Quân, đại sứ Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc, nói sau cuộc họp của Hội đồng Bảo an hôm 10/3.

Các nhà ngoại giao cho hay tuyên bố do Hội đồng Bảo an thông qua nhất trí "lên án mạnh mẽ sử dụng bạo lực chống lại người biểu tình ôn hòa", thể hiện lần đoàn kết thứ hai với vấn đề Myanmar trong vòng hơn một tháng giữa 15 thành viên, bao gồm Trung Quốc.

3531 rk myanmar teargas 110321 5150 1615423667

Người biểu tình trốn cảnh sát trong bầu không khí tràn ngập hơi cay và khí chữa cháy ở Naypyitaw, Myanmar, hôm 8/3. Ảnh: Reuters

"Trung Quốc đã tham gia vào các cuộc đàm phán để ra tuyên bố một cách xây dựng. Điều quan trọng là các thành viên Hội đồng phải cùng chung tiếng nói. Chúng tôi hy vọng thông điệp mà Hội đồng đưa ra sẽ có ích để xoa dịu tình hình ở Myanmar", Trương Quân cho biết. "Cộng đồng quốc tế nên tạo môi trường thuận lợi cho các bên liên quan ở Myanmar giải quyết bất đồng trong khuôn khổ hiến pháp và pháp luật".

"Chính sách hữu nghị mà Trung Quốc áp dụng đối với Myanmar là dành cho mọi người dân Myanmar. Trung Quốc sẵn sàng tham gia và liên lạc với các bên liên quan, đồng thời đóng vai trò xây dựng để xoa dịu tình hình hiện nay", đại sứ Trung Quốc cam kết.

Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc hôm 10/3 thống nhất tuyên bố chung lên án bạo lực với người biểu tình Myanmar, kêu gọi kiềm chế quân sự, nhưng bỏ những từ ngữ lên án quân đội đảo chính cũng như đe dọa trừng phạt do một số nước phản đối. Tuyên bố do Anh soạn thảo đã được hội đồng thông qua.

Myanmar rơi vào hỗn loạn sau khi quân đội bắt Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi cùng các quan chức cấp cao trong chính quyền dân sự hôm 1/2 với cáo buộc xảy ra gian lận trong cuộc bầu cử mà đảng NLD của bà Suu Kyi giành chiến thắng hồi tháng 11. Hơn một tháng qua, hàng trăm nghìn người đã biểu tình yêu cầu trả tự do cho bà Suu Kyi, đồng thời tôn trọng kết quả cuộc bầu cử.

Theo số liệu từ Liên Hợp Quốc, cảnh sát và quân đội Myanmar đã khiến hơn 60 người thiệt mạng kể từ khi phong trào biểu tình phản đối đảo chính nổ ra.

Anh, Mỹ và một số nước phương Tây khác đã áp đặt những biện pháp trừng phạt với chính quyền quân sự Myanmar. Liên minh châu Âu đang chuẩn bị tăng cường các biện pháp trừng phạt nhằm vào những doanh nghiệp do quân đội Myanmar điều hành.

Hồng Hạnh (Theo AFP)

Mỹ giáng đòn trừng phạt con của Thống tướng Min Aung Hlaing Mỹ giáng đòn trừng phạt con của Thống tướng Min Aung Hlaing
Liên hợp quốc ra tuyên bố phản đối cuộc đảo chính quân sự ở Myanmar Liên hợp quốc ra tuyên bố phản đối cuộc đảo chính quân sự ở Myanmar
Chính quyền quân sự Myanmar mạnh tay trấn áp truyền thông Chính quyền quân sự Myanmar mạnh tay trấn áp truyền thông
/ vnexpress.net