Trung Quốc gia tăng quân sự hóa, an ninh Biển Đông thêm rủi ro

Việc Trung Quốc liên tục tăng cường năng lực tấn công đổ bộ ở Biển Đông đã khiến cộng đồng quốc tế, trước hết là các quốc gia trong khu vực, hết sức lo ngại bởi sức mạnh quân sự của Bắc Kinh càng gia tăng thì rủi ro với hòa bình, ổn định, an ninh cũng như tự do hàng hải, tự do hàng không tại vùng biển chiến lược này càng lớn.

Trung Quốc tăng khả năng kiểm soát đảo và thực thể ở Biển Đông

Hãng tin chính thức của Trung Quốc đưa tin, thủy phi cơ AG600 cấu hình mới của nước này đã bay thử thành công vào ngày 31-5 vừa qua tại tỉnh Quảng Đông. Đây là loại máy bay đổ bộ từ biển mà Trung Quốc ráo riết đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện ngay cả trong thời điểm có nhiều khó khăn do dịch bệnh Covid-19 gây ra tại nước này. Lần bay thử được xem là thành công này, thủy phi cơ AG600 đã những có cải tiến về kỹ thuật động cơ để tăng cường hiệu quả hoạt động, sẵn sàng đi vào hoạt động trên biển.

1
Tàu đổ bộ cỡ lớn Type-075 mang tên Nam Hải của Trung Quốc diễn tập quân sự ở Biển Đông hồi đầu tháng 5-2022

Thủy phi cơ AG600 do Trung Quốc tự thiết kế và chế tạo, thực hiện chuyến bay thử nghiệm đầu tiên trên cạn năm 2017 và vượt qua thử nghiệm cất cánh đầu tiên từ một hồ nước năm 2018. Đến nay, nguyên mẫu thủy phi cơ AG600 đã hoàn thành hơn 170 chuyến bay thử nghiệm với tổng thời gian bay hơn 300 giờ.

Thủy phi cơ AG600 dài 37 m, lớn tương đương máy bay Boeing 737 và có sải cánh 38,8 m. Thủy phi cơ có trọng lượng cất cánh tối đa 53,5 tấn và bay liên tục khoảng 4.500 km. AG600 có thể hút 12 tấn nước từ hồ hoặc biển trong 20 giây, sau đó dùng lượng nước này dập cháy rừng.

Cho tới nay, AG600 là loại thủy phi cơ lớn nhất thế giới do Trung Quốc phát triển độc lập, phục vụ nhiều mục đích khác nhau như: cứu hộ khẩn cấp, đề phòng thảm họa tự nhiên, giám sát… Thủy phi cơ này có thể thực hiện nhiều nhiệm vụ trên cạn và dưới nước như đối phó cháy rừng, giải cứu trên biển và giám sát trên biển… Phiên bản quân sự của thủy phi cơ AG600 được phát triển đồng thời với các phiên bản dân dụng, có khả năng chở khoảng 30 binh sĩ cùng trang thiết bị vũ khí, tầm bay 4.500 km với tốc độ hành trình khoảng 500 km/giờ nên được xem là loại máy bay hiệu quả để đổ bộ từ biển. Phiên bản quân sự của thủy phi cơ AG600 đã được thử nghiệm trên biển từ năm 2020.

Sau lần thử nghiệm thành công ngày 31-5 vừa qua, thủy phi cơ AG600 dự kiến được quân đội Trung Quốc đưa vào biên chế trang bị trong năm 2022 này. Dù AG600 chưa chính thức được biên chế trong quân đội Trung Quốc, song Thời báo Hoàn Cầu (ấn phẩm của tờ Nhân dân nhật báo của Trung Quốc) đã bình luận rằng, khi được trang bị thủy phi cơ này, quân đội Trung Quốc có thể dễ dàng tiếp cận các đảo ở Biển Đông để “bảo vệ” cái mà nước này tự gọi là “lợi ích cốt lõi”. Từ căn cứ quân sự Tam Á trên đảo Hải Nam, thủy phi cơ AG600 cho phép nhanh chóng chuyển quân đến bất cứ đảo, thực thể nào trên Biển Đông, bằng cách đáp trên mặt nước để các binh sĩ có thể đổ bộ từ biển.

Giới chuyên gia quân sự cho rằng, thủy phi cơ như AG600 có tính hữu dụng cao ở Biển Đông. Nhìn lại kinh nghiệm trong Chiến tranh thế giới lần thứ 2, có thể thấy thủy phi cơ là loại phương tiện mà cả Mỹ lẫn Nhật Bản thường sử dụng để tuần tra, chuyên chở binh sĩ và tổ chức tấn công đến các đảo mà không cần sân bay. Bởi thế, giới chuyên gia quân sự lo ngại, nếu Trung Quốc sử dụng thủy phi cơ AG600 thì có thể tăng cường khả năng kiểm soát nhiều đảo và thực thể ở Biển Đông, đặc biệt là trong các hoạt động quân sự. Mối lo này nhân lên gấp bội khi Trung Quốc đã bồi đắp trái phép, cải tạo những thực thể mà họ dùng vũ lực chiếm đóng ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam thành các đảo nổi - căn cứ quân sự quy mô lớn.

Đến nay, Trung Quốc đã xây dựng đường băng dài tới 3.000 m trên 3 bãi đá Vành Khăn, Xu Bi và Chữ Thập ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam mà nước này đang chiếm đóng trái phép. Tuy nhiên, ở nhiều thực thể khác trong khu vực này thì chưa có đường băng, nên thủy phi cơ AG600 là phương tiện hữu hiệu để kết nối nhanh chóng. Vì thế, AG600 không chỉ giúp quân đội Trung Quốc đổ bộ tấn công các đảo, thực thể do các bên khác kiểm soát ở Biển Đông, mà còn có thể chi viện binh sĩ đến các bãi đá mà Trung Quốc đang chiếm đóng phi pháp.

Mối đe dọa từ những con tàu đổ bộ tấn công cỡ lớn

Trung Quốc thử nghiệm thủy phi cơ AG600 trong bối cảnh nước này đang tiếp tục ráo riết đẩy nhanh quân sự hóa ở Biển Đông. Trung Quốc trước đó đã công khai yêu sách “đường lưỡi bò” (còn gọi là “đường lưỡi bò 9 đoạn”, “đường 9 đoạn”) và thuyết “Tứ sa” đòi chủ quyền đối với khoảng 80% diện tích Biển Đông. Thế nhưng, Tòa trọng tài thường trực (PCA) ngày 12-7-2016 đã ra phán quyết bác bỏ cơ sở pháp lý mà Trung Quốc viện dẫn để đòi chủ quyền trên Biển Đông trong vụ kiện Trung Quốc mà Philippines đưa ra. Trung Quốc vốn đã dùng sức mạnh quân sự để chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam năm 1974 và một số thực thể, bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam năm 1988 lại càng ráo riết tiến hành quân sự hóa Biển Đông khi các yêu sách đòi chủ quyền của họ trên vùng biển này bị bác bỏ, đồng thời yêu sách phi pháp này ngày càng bị cộng đồng quốc tế lên án, không công nhận.

Cùng với việc xây dựng hạm đội ngày càng có sức mạnh vượt trội trên biển hay chế tạo các loại vũ khí hiện đại như tàu sân bay, tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo, tàu khu trục tàng hình, máy bay chiến đấu tàng hình… để thị uy, răn đe sức mạnh, Trung Quốc cũng phát triển nhanh các loại vũ khí trang bị phục vụ cho các hoạt động đổ bộ, chiếm đảo. Trước thủy phi cơ AG600, Trung Quốc cũng đã đóng mới và triển khai các tàu đổ bộ cỡ lớn tới Biển Đông.

Mới đây nhất, Cổng thông tin của Bộ Quốc phòng Trung Quốc ngày 3-5-2022 cho biết, tàu đổ bộ tấn công Hải Nam thuộc lớp Type-075 đã tiến hành đợt huấn luyện hiệp đồng và diễn tập tại một khu vực trên Biển Đông nhưng không tiết lộ vị trí cụ thể. Trong cuộc diễn tập, lính hải quân đánh bộ trên tàu Nam Hải đã diễn tập triển khai và đổ bộ bằng trực thăng, trong khi tổ hợp pháo phòng thủ cực gần Type-1130 khai hỏa về phía mục tiêu giả định trên biển. Theo Bộ Quốc phòng Trung Quốc, đợt diễn tập nhằm củng cố kỹ năng cơ bản của sĩ quan và thủy thủ trên tàu, tối ưu hóa quy trình triển khai và chỉ huy chiến hạm, cũng như cải thiện năng lực tác chiến tổng thể của tàu đổ bộ tấn công.

Theo các chuyên gia quân sự, tàu đổ bộ tấn công Type-075 có lượng choán nước khoảng 40.000 tấn, tương đương với tàu đổ bộ tấn công cỡ lớn lớp Wasp của Mỹ. Tàu này sẽ là trung tâm của lực lượng đổ bộ Trung Quốc trong tương lai, đóng vài trò kỳ hạm của lực lượng đổ bộ. Tàu có thể mang theo 30 trực thăng các loại, trong đó có các trực thăng Z-20 và Z-8. Tàu đổ bộ tấn công lớp Type 075 có thể chở theo trực thăng tấn công để hỗ trợ lực lượng đổ bộ, cùng các tàu đổ bộ đệm khí, xe tăng chủ lực và thiết giáp. Với mặt sàn đáp lớn, tàu lớp Type 075 cho phép vận hành trực thăng vận tải và có thể nhanh chóng chuyển quân từ nơi xa đến khu vực chiến sự ven biển hoặc xâm nhập sâu vào sau lớp phòng thủ của đối phương. Ngoài ra, theo các chuyên gia, tàu lớp Type 075 có thể đóng vai trò như căn cứ hải quân di động khi tham gia chiến dịch.

Trung Quốc từng dùng sức mạnh quân sự để cưỡng chiếm và chiếm đóng trái phép nhiều đảo, thực thể thuộc chủ quyền hợp pháp của Việt Nam ở Biển Đông. Bởi thế, việc Trung Quốc ráo riết quân sự hóa Biển Đông, phát triển các trang thiết bị vũ khí tấn công đổ bộ như tàu đổ bộ cỡ lớn, thủy phi cơ… càng khiến cộng đồng quốc tế lo ngại sâu sắc; khiến hòa bình, ổn định, an ninh trên vùng biển này đối mặt với rủi ro ngày càng nghiêm trọng hơn.

Hoàng Hà / ANTĐ